Tiềm năng của Đồng Tháp - cơ hội của nhà đầu tư

Đồng Tháp nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ 7 từ phải sang) cùng lãnh đạo sở, ngành tỉnh chụp ảnh lưu niệm với Đoàn công tác MUFG Bank (Nhật Bản) tới Đồng Tháp tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư (Ảnh: Việt Tiến)

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ 7 từ phải sang) cùng lãnh đạo sở, ngành tỉnh chụp ảnh lưu niệm với Đoàn công tác MUFG Bank (Nhật Bản) tới Đồng Tháp tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư (Ảnh: Việt Tiến)

Nhiều dư địa cho nhà đầu tư

Nằm ở đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long, được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm, Đồng Tháp là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, với sản lượng gạo và thủy sản đứng trong nhóm đầu cả nước. Trong đó, diện tích đất trồng lúa trên 195.229 ha, sản lượng 3,32 triệu tấn, xếp thứ 3 cả nước về tổng sản lượng; diện tích nuôi cá tra 2.450 ha, sản lượng 525.000 tấn/năm, xếp thứ nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng.

Cùng với đó, Đồng Tháp còn có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, sen Tháp Mười… Đặc biệt, tỉnh có Làng hoa kiểng Sa Đéc - một trong những vùng trồng hoa lâu đời, với 3.000 chủng loại hoa, cung cấp 12 triệu sản phẩm mỗi năm. Nơi đây còn là điểm tham quan, trải nghiệm thú vị đối với du khách.

Đồng Tháp là địa phương tiên phong trong việc tổ chức triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc. Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp.

Đồng Tháp đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ, du lịch, bảo vệ môi trường, các ngành kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản. Tập trung phát triển hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ; hỗ trợ, kết nối các chương trình, Dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động hiệu quả. Thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp với nhiều cách làm mới, đột phá, đưa kinh tế nông nghiệp giữ vai trò nền tảng, công nghiệp chế biến, dịch vụ làm động lực, phấn đấu đưa Đồng Tháp trở thành tỉnh tiêu biểu, đi đầu, kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.

- Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh chú trọng kêu gọi hợp tác, đầu tư phát triển nguồn giống cây trồng chất lượng, đa dạng; kêu gọi đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, thúc đẩy chuỗi giá trị ngành nông sản, đặc biệt là các chuỗi giá trị có hàm lượng công nghệ cao, trong các nhóm ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp: lúa gạo, xoài, cá tra, sen, hoa kiểng. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thủy sản chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Đồng Tháp có nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt là tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn với nhiều địa điểm du lịch, không gian văn hóa thu hút du khách như Vườn quốc gia Tràm Chim - nơi trú ngụ của loài sếu đầu đỏ được ghi vào sách đỏ thế giới; Khu di tích Xẻo Quýt với hệ sinh thái rừng tràm nguyên sinh 20 ha; Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng với sân chim rộng hơn 36 ha; Khu di tích Gò Tháp - nơi lưu giữ dấu tích thành lũy của Vương quốc Phù Nam và các di chỉ của nền văn hóa Óc Eo...

Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều đình, chùa và các làng nghề truyền thống nổi tiếng như chùa Kiến An Cung, chùa Hương, chùa Bà, chùa Tổ (Bửu Lâm Tự), đình Tân Phú Trung, đền thờ Thượng tướng Trần Ngọc, Văn Thánh Miếu...; làng dệt chiếu Định Yên, làng nem Lai Vung...

Với quy mô dân số khá lớn, hơn 1,6 triệu người, tỉnh có nguồn lao động trẻ dồi dào. Trong đó, có hơn 40% đã qua đào tạo, cùng trên 11.000 lao động đã và đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài, được rèn luyện tác phong công nghiệp với tinh thần “đi làm thuê - về làm chủ”. Đồng thời, với phong trào khởi nghiệp rộng khắp, lực lượng này sẽ tạo sự hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư.

Nếu như trước đây, hạ tầng giao thông được xem là “nút thắt” đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như thu hút đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp, thì hiện nay, hạ tầng này được đầu tư phát triển ngày càng hoàn thiện. Thời gian qua, Đồng Tháp tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông trọng điểm, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hòa với phát triển đô thị; có sức lan tỏa mang tính chất liên vùng, kết nối Đồng Tháp gần hơn với các vùng kinh tế trọng điểm.

Bên cạnh cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh đã đưa vào hoạt động, trong thời gian gần đây, Trung ương quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn I, Dự án thành phần 1 đang đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành phần cầu trong năm 2024 và bảo đảm tiến độ triển khai Dự án thành phần 2, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2025. Dự án này khi đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Đồng Tháp còn khoảng 2 giờ.

Cùng với đó, tỉnh đang triển khai thi công nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ (cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia) giai đoạn I; Dự án Nâng cấp Quốc lộ 30 - TP. Cao Lãnh; Dự án Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn I đang điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2025; Dự án Tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, giai đoạn I dự kiến khởi công vào tháng 12/2025...

Nhằm chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án đầu tư, tỉnh Đồng Tháp đã và đang xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn như Tân Kiều, Tân Lập, Trường Xuân, Quảng Khánh, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp (với 2 cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Bà).

Đồng sen Tràm Chim (ĐồngTháp)

Đồng sen Tràm Chim (ĐồngTháp)

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong thời gian qua, môi trường đầu tư - kinh doanh của tỉnh Đồng Tháp luôn được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Điều này được minh chứng khi Đồng Tháp suốt 16 năm liền nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa luôn cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, các cấp chính quyền Đồng Tháp luôn xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên, từ cấp tỉnh đến cơ sở để thực hiện nhất quán chủ trương "đồng hành cùng doanh nghiệp".

Đồng Tháp đã đưa chỉ tiêu về PCI vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Nghị quyết 02-NQ/TU về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2025) để quán triệt tư tưởng và thống nhất chỉ đạo chung.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, nhằm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền; kiến nghị loại bỏ những rào cản trong đầu tư - kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định chung, nhất là trong các lĩnh vực trọng yếu của doanh nghiệp như đất đai, xây dựng, thuế, tiếp cận vốn...

Đồng Tháp đang tiếp tục nỗ lực xây dựng hình ảnh chính quyền kiến tạo, hành động, thân thiện, phục vụ nhân dân; điều hành linh hoạt, hiệu quả với thông điệp “Chính quyền kiến tạo, công dân số - Kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”. Đây là những định hướng trọng tâm mang tầm chiến lược mà tỉnh đang quyết tâm thực hiện để xây dựng một Đồng Tháp phát triển thịnh vượng, một địa phương tiên phong, kiểu mẫu, với nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và một địa phương năng động, sáng tạo, thân thiện, nghĩa tình.

Trúc Giang

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tiem-nang-cua-dong-thap---co-hoi-cua-nha-dau-tu-d231803.html