Tiềm năng của hợp tác kết nối cảng biển giữa Thái Lan và Bangladesh
Sự phát triển của các mối quan hệ trên biển giữa Thái Lan và Bangladesh sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia về thương mại, đầu tư và thông tin liên lạc trong khu vực.
Theo tạp chí Eurasia Review, Bangladesh và Thái Lan là hai nước láng giềng gần nhau, kết nối với nhau bằng Vịnh Bengal. Sự phát triển của các mối quan hệ trên biển sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia về thương mại, đầu tư và thông tin liên lạc trong khu vực.
Hai nước đang đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư. Bangladesh có vị trí địa lý như một cửa ngõ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hiệp hội Nam Á vì sự hợp tác khu vực (SAARC) với khả năng tiếp cận tiềm năng đối với các nhà sản xuất phục vụ xuất khẩu của mỗi bên.
Chittagong là cảng biển chính ở Bangladesh. Khoảng 90% hoạt động thương mại của Bangladesh được thực hiện thông qua Bến cảng Chattagram, phần còn lại do các cảng tại Mangla và Payra đảm nhận. Trong khi đó, cảng Ranong của Thái Lan nằm trên sông Kraburi của bán đảo Kra bên bờ Ấn Độ Dương, đối diện với Myanmar, và cách cảng Chittagong khoảng 1.220 km.
Dự án Hành lang kinh tế phía Nam của Thái Lan, được Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2018, nhấn mạnh sự phát triển của cảng Ranong như một cửa ngõ giao thương với Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar và Sri Lanka.
Sử dụng cảng Ranong để giao thương với các cảng Chittagong, Payra và Mangla của Bangladesh sẽ giúp giảm khoảng cách giữa hai nước và thúc đẩy thương mại. Sau đó, sự kết nối này có thể được mở rộng đến các cảng Kolkata, Chennai và Mumbai của Ấn Độ.
Việc khai trương các dịch vụ vận chuyển trực tiếp giữa các cảng Chittagong và Ranong đã có lực đẩy mới khi thương mại giữa hai nước ngày càng gia tăng. Kim ngạch thương mại giữa Bangladesh và Thái Lan đạt 837,08 triệu USD trong giai đoạn 2019-2020.
Tổng xuất khẩu của Bangladesh sang Thái Lan trong năm 2020 là 35,46 triệu USD trong khi nhập khẩu từ Thái Lan trị giá 801,3 triệu USD, với cán cân đang nghiêng hẳn về phía Thái Lan.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Bangladesh sang Thái Lan đang có xu hướng tăng. Giá trị xuất khẩu năm nay dự kiến đạt gần 40 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dữ liệu về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Bangladesh, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 15 tại nước này. Hợp tác thương mại và đầu tư song phương sẽ tăng lên đáng kể nếu hai nước có thể đạt được một FTA và xây dựng được sự kết nối hàng hải trực tiếp giữa các cảng Chittagong và Ranong.
Về mặt hàng, Thái Lan chủ yếu xuất khẩu xi măng, ngũ cốc, chất dẻo, sợi nhân tạo, bánh kẹo đường, máy móc và thiết bị cơ khí, bông và vải bông, muối, lưu huỳnh, đất sét, đá và nhiên liệu khoáng sang Bangladesh. Ở chiều ngược lại, Bangladesh xuất khẩu hàng may mặc, rau quả, sợi dệt, sản phẩm động vật, thiết bị điện và điện tử, cá đông lạnh và động vật giáp xác sang Thái Lan.
Kết nối đường biển trực tiếp giữa Chittagong và Ranang có thể được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng giao thương và thương mại giữa hai nước. Thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa giữa hai quốc gia có thể giảm 30% và có khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng quan hệ với các nước Đông Nam Á khác, bao gồm Myanmar và Ấn Độ. Việc đưa hàng hải trực tiếp vào hoạt động giữa hai nước sẽ khuyến khích các thương nhân cả hai mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực.
Thái Lan có thể tăng cường quan hệ thương mại với Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka trong khuôn khổ Sáng kiến Vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành (BIMSTEC).
Việc thiết lập các hành lang kinh tế và thương mại thông qua sự phối hợp giữa Chính sách Hướng Đông của Bangladesh và Chính sách Hướng Tây của Thái Lan và thiết lập kết nối thông qua vận tải biển có khả năng mang lại sự thịnh vượng cho cả hai nước. Dhaka cũng tin tưởng vào sự hỗ trợ của Bangkok đối với nỗ lực trở thành thành viên của Bangladesh trong Diễn đàn Hợp tác Mekong-Ganga cũng như Đối tác Ngành ASEAN.
Nếu kết nối giữa hai cảng Chittagong và Ranong có thể được mở rộng tới cảng Chabahar của Iran và cảng Gwadar của Pakistan qua cảng Colombo của Sri Lanka và dự án Hành lang Giao thông Quốc tế Bắc Nam (INSTC) tới Trung Á và Thổ Nhĩ Kỳ, điều này sẽ tạo ra tiềm năng thương mại đáng kể.
Mặc dù Hiệp định hỗ trợ hàng hải giữa Bangladesh và Thái Lan đã được hoàn tất đàm phán vào năm 1986 và hiện đang có hiệu lực, nhưng cần có những thay đổi để biến những cơ hội này thành hiện thực. Tuy vậy, Bangladesh và Thái Lan có thể gia hạn thỏa thuận để đảm bảo lợi ích kinh doanh của họ.
Theo bài viết, có nhiều cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Thái Lan trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nhẹ, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, du lịch và chăm sóc sức khỏe. Thái Lan và Bangladesh đều có thể và nên tận dụng những tiềm năng này.
Kết nối thông suốt đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy thương mại. Kết nối cảng Chittagong và Ranong sẽ thúc đẩy thương mại, mở rộng du lịch. Bangladesh và Thái Lan đều có thể được hưởng lợi từ dự án kết nối biển có lợi cho nhau này./.