Tiềm năng dự án 'siêu' cảng Cần Giờ
Lượng hàng qua cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) có thể đạt gần 17 triệu Teu (1 Teu bằng 1 container 20 feet), lớn nhất Việt Nam, bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay.
Dự án có tổng đầu tư hơn 5 tỷ USD
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều đáng nói, quy hoạch đã bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) trong hạng mục kết cấu hạ tầng được ưu tiên phát triển tới năm 2030.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng xác nhận, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là một trong những dự án nằm trong danh mục được định hướng ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.
Cụ thể, quy hoạch bổ sung nhu cầu hàng hóa trung chuyển quốc tế thông qua bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 3,6 triệu Teu tới năm 2030. Khi đó, cảng có quy mô phát triển 4 cầu cảng với tổng chiều dài đạt hơn 2.000 mét, năng lực thông qua 57,6 triệu tấn, được phát triển phù hợp với tiến trình thu hút nguồn hàng trung chuyển container quốc tế. Bến cảng sẽ đáp ứng cho cỡ tàu 250.000 tấn hoặc lớn hơn, có bến container và các bến cảng khác.
Cảng Cần Giờ cũng được định hướng kết hợp với khu bến Cái Mép để hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế có quy mô lớn tại cửa sông Cái Mép, phục vụ trung chuyển hàng hóa cho các cảng biển trong cả nước và các nước trong khu vực. Tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục đầu tư khu bến cảng Cái Mép và trung tâm logistics sau cảng và các bến cảng tại Cần Giờ.
Theo báo cáo của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 129.000 tỷ đồng (5,5 tỷ USD). Tổng diện tích ước tính khoảng 571ha, bao gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật khoảng hơn 469ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng hơn 101ha. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km.
Ước tính với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu Teu. Sau các giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu Teu vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP Hồ Chí Minh và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Bên cạnh đó sẽ thu hút các dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh góp phần thúc đẩy sự hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. Ước tính, khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỉ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.
Hãng tàu lớn “đánh tiếng” tham gia
Theo dự kiến, “siêu” cảng trung chuyển này có thể khởi công trong năm 2025. Hiện, Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được hoàn thiện, đang trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo tìm hiểu của PV, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được nhà đầu tư quan tâm, trong đó có hãng tàu lớn nhất thế giới MSC đề xuất đầu tư, mong muốn đẩy nhanh tiến độ để đón đầu xu thế vận tải biển. Theo chia sẻ của lãnh đạo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, chuyên gia của tập đoàn này đã tới Cần Giờ khảo sát, chọn vị trí làm cảng.
MSC có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ. Hãng tàu có năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu Teu/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới. Các tuyến dịch vụ kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu. Tại Việt Nam, MSC hiện có dịch vụ tới hệ thống các cảng container tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cái Mép - Thị Vải. Hàng năm, đội tàu MSC vận chuyển hơn 1 triệu Teu hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam kết nối với các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Đông Nam Á... MSC dự kiến phát triển mạng lưới nội Á của mình, cũng như tạo ra một trung tâm trung chuyển sẽ tổng hợp khối lượng hàng hóa hiện đang thực hiện ở các địa điểm châu Á khác nhau.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tiem-nang-du-an-sieu-cang-can-gio-post513929.html