Tiềm năng lớn của thị trường tín chỉ carbon từ rừng
Tây Nguyên có khoảng 2 triệu ha rừng, chiếm khoảng 17% diện tích rừng cả nước, tiềm năng lớn để tạo ra tín chỉ carbon chất lượng cao và là nguồn lưu trữ carbon của Việt Nam. Ngoài ra, Tây Nguyên có truyền thống trồng cây công nghiệp như cao su, mắc ca, cà phê... và phụ phẩm từ các loại cây công nghiệp này cũng là nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất than sinh học tạo ra tín chỉ carbon.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Việt Nam bắt đầu thí điểm và từ năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Sau đó, sẽ ban hành các quy định về kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon các nước.
“Hiện nay, chúng ta đã có những bước đi cụ thể, khi sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức vận hành thì nhu cầu mua bán trên thị trường này rất lớn. Vì vậy, với tiềm năng sẵn có của địa phương, các nhà đầu tư rất mong lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cần có những chính sách cụ thể, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Nguyễn Ngọc Tùng - Giám đốc Quỹ Công ty VinaCarbon nói.
Theo ông Tùng, VinaCarbon muốn đầu tư vào các dự án có tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon. Các dự án đó phải đáp ứng được điều kiện là tạo ra kinh tế đem lại lợi ích cho cộng đồng người dân và môi trường. Vì vậy, VinaCarbon đang tập trung nhiều vào mảng lâm nghiệp, đặc biệt là quan tâm đến sản xuất than sinh học từ các phụ phẩm cây công nghiệp mà Tây Nguyên hiện đang có rất nhiều. Đối với các dự án tín chỉ carbon tại khu vực Tây Nguyên, Quỹ VinaCarbon sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) về mặt tài chính, nhân sự, nếu họ muốn chuyển đổi xanh. Nếu DN tạo ra được tín chỉ carbon thì chi phí cho toàn bộ quy trình tạo ra tín chỉ đó sẽ được Quỹ hỗ trợ cũng như đồng hành cùng với DN và dự án đó.
Tại TP Hồ Chí Minh, hiện có tới hơn 500.000 DN đang hoạt động với tổng lượng phát thải khí nhà kính hơn 57 triệu tấn (chiếm đến 23,3% cả nước) nên đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí nặng nề. Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng tín chỉ carbon của các DN tại TP Hồ Chí Minh khá lớn. Đặc biệt là khi ngày càng có nhiều DN XK theo đuổi mục tiêu về trách nhiệm xã hội, môi trường và tăng trưởng xanh. Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Vấn đề carbon rất mới và rất cấp bách, nếu chúng ta không làm kịp thời thì sản phẩm của chúng ta không thể đi xa được, mà chỉ tiêu thụ lòng vòng trong nước”.
Ông Hoan cũng thông tin, hiện giờ các DN lớn về mặt XK đang chuẩn bị tự rà soát, tự kiểm kê theo tiêu chí ESG (môi trường - xã hội - quản trị). Đến năm 2026, các DN đối tác ở nước ngoài sẽ kiểm tra chặt chẽ tiêu chí ESG, nếu DN trong nước không đạt tiêu chí này thì không thể XK. Tiêu chí ESG có liên quan đến vấn đề quan trọng nhất hiện nay, đó là năng lượng tái tạo thay thế cho năng lượng hóa thạch và suy cho cùng, đó chính là tín chỉ carbon.
Tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, các DN đầu tư gặp rất nhiều khó khăn do không có năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối) thay thế năng lượng hóa thạch, nên các DN không thể mở rộng dự án đầu tư. Để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là từng bước hình thành thị trường tín chỉ carbon, TP Hồ Chí Minh đang xây dựng huyện Cần Giờ là huyện xanh, lấy rừng Cần Giờ để chuẩn bị kiểm kê, kiểm đếm và đánh giá phát hành tín chỉ carbon. Trước mắt, tín chỉ carbon từ rừng Cần Giờ sẽ bán cho DN sản xuất trong nước. Các DN sử dụng năng lượng hóa thạch cũng có cơ hội chuyển sang sử dụng tín chỉ carbon. Ngoài lợi thế rừng Cần Giờ, dự án về điện mặt trời trên mái nhà cũng đang triển khai để bán lại cho các DN đang sử dụng năng lượng hóa thạch.
Với tiềm năng lớn về tín chỉ carbon từ rừng và sự cần thiết của tín chỉ carbon đối với DN sản xuất, thì việc kiểm tra, rà soát lại diện tích rừng, diện tích trồng mới là hết sức cần thiết.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/tiem-nang-lon-cua-thi-truong-tin-chi-carbon-tu-rung-i727783/