Tiềm năng phát triển điện mặt trời chi phí thấp của Việt Nam vẫn còn rất lớn

Việt Nam đang ở vị thế hoàn hảo để tận dụng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào trên khắp đất nước. Với chưa đến 1% mái nhà được lắp đặt điện mặt trời áp mái, tiềm năng phát triển điện mặt trời chi phí thấp vẫn còn rất lớn.

Ngày 10/1, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ đã tổng kết dự án “Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp” (CIRTS).

Dự án do Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức (BMZ) tài trợ và được thực hiện từ tháng 2/2021 đến tháng 1/2025, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại Việt Nam.

Đại sứ Đức tại Việt Nam Helga Barth phát biểu tại sự kiện

Đại sứ Đức tại Việt Nam Helga Barth phát biểu tại sự kiện

Các kết quả chính của dự án bao gồm: Nâng cao hiệu suất và tuổi thọ của hệ thống ĐMTMN thông qua hướng dẫn về vận hành và bảo dưỡng, và an toàn cháy nổ; Tăng cường công tác điều phối và vận hành hệ thống điện của EVN; Mở rộng chương trình đào tạo về điện mặt trời; Cập nhật chính sách phát triển ĐMTMN thông qua các phân tích kỹ thuật.

Phát biểu tại sự kiện, bà Helga Barth - Đại sứ Đức tại Việt Nam chia sẻ, trên toàn cầu, năng lượng mặt trời tiếp tục dẫn đầu xu hướng chuyển đổi năng lượng tái tạo và đã trở thành nguồn năng lượng có chi phí hiệu quả nhất. Đầu tư vào năng lượng mặt trời đã đạt mức kỷ lục với hơn 300 tỷ USD mỗi năm, cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của loại hình nguồn điện này trong hệ thống năng lượng toàn cầu.

Theo Đại sứ Helga Barth, năng lượng tái tạo tại Đức đã chiếm 58% tổng sản lượng điện. Ví dụ, mới đây, vào ngày 1/1, toàn bộ nhu cầu điện của Đức thậm chí đã được đáp ứng 100% bằng năng lượng gió và mặt trời.

Đánh giá về cơ hội và tiềm năng hợp tác kỹ thuật giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Đại sứ Helga Barth cho biết, Đức là đối tác lâu năm và thân thiết của Việt Nam, đã hợp tác với Việt Nam hơn 15 năm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Vẫn còn rất nhiều tiềm năng để tiếp tục hợp tác chặt chẽ, vì cả hai quốc gia đều đối mặt với những thách thức và cơ hội tương tự trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Đại sứ Helga Barth nhấn mạnh tiềm năng to lớn của ĐMTMN là một cơ hội có thể dễ dàng nắm bắt được. Bà cho biết: “Kinh nghiệm của cả hai quốc gia trong phát triển thị trường điện mặt trời và tích hợp hệ thống đặt nền tảng vững chắc cho những nỗ lực trong tương lai. Quan hệ đối tác phát triển giữa hai bên sẽ giúp Việt Nam tiếp tục phát triển điện mặt trời trong cơ cấu năng lượng của mình, thiết lập một trụ cột chính trong chiến lược giảm phát thải carbon của quốc gia”.

Nói về cơ hội của Việt Nam, Đại sứ Helga Barth cho rằng, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong phát triển năng lượng mặt trời. Việc lắp đặt hơn 16 GW công suất điện mặt trời thông qua cơ chế giá FIT là một bước khởi đầu quan trọng.

Nhìn về tương lai, Việt Nam đang ở vị thế hoàn hảo để tận dụng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào trên khắp đất nước. Với chưa đến 1% mái nhà được lắp đặt điện mặt trời áp mái, tiềm năng phát triển điện mặt trời chi phí thấp vẫn còn rất lớn.

Các quy định mới được thông qua về Hợp đồng mua bán điện trực tiếp và Cơ chế thanh toán sản lượng điện dư từ điện mặt trời mái nhà cần sớm được đưa vào thực tiễn. Việc thực thi các chính sách này này sẽ tiếp tục phát triển thị trường điện mặt trời, thể hiện cam kết của Việt Nam hướng tới tương lai năng lượng tái tạo…

“Để đạt được mục tiêu điện mặt trời tham vọng hơn vào năm 2030, việc phát triển lưới điện cần đi đôi với cơ chế giá mới cho điện mặt trời và lưu trữ năng lượng - đây là một nhiệm vụ đầy thách thức mà ngay cả Đức cũng đang phải đối mặt” - Đại sứ Helga Barth chia sẻ.

Hà My

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tiem-nang-phat-trien-dien-mat-troi-chi-phi-thap-cua-viet-nam-van-con-rat-lon-168446.html