Tiềm năng phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn

Ngành Công nghiệp bán dẫn (CNBD) đã và đang trở thành xu thế tất yếu của toàn cầu với những giá trị kinh tế, khoa học - công nghệ rất lớn. Việt Nam nói chung, tỉnh Long An nói riêng được đánh giá có nhiều lợi thế để kêu gọi thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, ngành CNBD. Song, do đang trong quá trình tiếp cận nên để phát triển ngành này cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp.

Hiện nay, Việt Nam là đối tác toàn diện và tin cậy với nhiều cường quốc về bán dẫn, trong đó có Hoa Kỳ - quốc gia số một thế giới về ngành CNBD. Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm. Các nền công nghiệp 4.0 trên toàn cầu đang chạy đua để có được nguồn cung khoáng sản quan trọng như đất hiếm.

Để phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn đòi hỏi người lao động có trình độ cao (Ảnh: Thanh Mỹ)

Để phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn đòi hỏi người lao động có trình độ cao (Ảnh: Thanh Mỹ)

Long An có nhiều lợi thế phát triển ngành CNBD khi ngành này đang là xu hướng chung của thế giới. Là địa phương giao thoa 2 vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Long An có vị trí chiến lược quan trọng khi tiếp giáp TP.HCM - trung tâm công nghiệp, đô thị hàng đầu cả nước; giáp Campuchia, có Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) và Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ); sở hữu Cảng Quốc tế Long An với 7 cầu cảng, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 70.000 tấn.

Hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Long An kết nối với TP.HCM qua các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, khoảng cách từ trung tâm TP.Tân An đến trung tâm TP.HCM khoảng 40km, cách Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất 45km, cách các cảng: Cát Lái, Sài Gòn, Hiệp Phước khoảng 30-40km. Trong tương lai, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối Long An với Sân bay Quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với khoảng cách khoảng 80km.

Theo Quy hoạch tỉnh, tổng diện tích đất công nghiệp được quy hoạch 16.422ha, với 51 khu công nghiệp có tổng diện tích 12.433ha; 72 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.989ha. Định hướng trong tương lai gần, tỉnh sẽ xây dựng Khu kinh tế Long An tại huyện Cần Giuộc và huyện Cần Đước trở thành động lực tăng trưởng mới theo hướng hệ sinh thái công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và trung tâm logistics của tỉnh.

Long An có môi trường đầu tư thông thoáng. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 2 cả nước. Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) xếp thứ 12 cả nước. Duy trì trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Theo đó, Long An đã tiếp nhận 1.312 dự án FDI từ khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 11,3 tỉ USD.

Phó Chủ tịch UBND Phạm Tấn Hòa chủ trì Hội thảo nhu cầu nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn tỉnh Long An ngày 31/7/2024

Phó Chủ tịch UBND Phạm Tấn Hòa chủ trì Hội thảo nhu cầu nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn tỉnh Long An ngày 31/7/2024

Long An có cơ cấu dân số trẻ với khoảng 1 triệu người trong độ tuổi lao động. Lao động trẻ năng động, sức sáng tạo cao có thể đáp ứng được các yêu cầu về phát triển nguồn lao động phục vụ ngành CNBD cho thị trường trong nước và quốc tế trong tương lai gần.

Phát triển ngành CNBD đòi hỏi lao động có trình độ cao. Vì thế, công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng đặt ra một thách thức lớn cho tỉnh. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực CNBD.

Tỉnh đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ giúp việc xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực ngành CNBD tỉnh Long An; đồng thời, tổ chức các đoàn công tác tham dự các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm về hoạch định phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và vi mạch điện tử tại Singapore; học tập về chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành CNBD tại Trung Quốc (Đài Loan).

Tỉnh cũng đã tổ chức Hội thảo khoa học về nhu cầu nguồn nhân lực ngành CNBD nhằm rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo nhân lực ở các ngành nghề, công việc có liên quan phục vụ ngành CNBD của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và tham vấn ý kiến chuyên gia, một số trường đại học, cung cấp nhiều thông tin hữu ích, thúc đẩy sự quan tâm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về ngành CNBD, gắn với nhu cầu sử dụng lao động ngành CNBD của doanh nghiệp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn - Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM, Long An cần chiến lược 20 năm cho ngành CNBD. Đồng thời, tỉnh cũng cần xây dựng hệ sinh thái cho ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn định hướng ATP như tập trung đào tạo nguồn nhân lực ATP; xây dựng chính sách thuế, thu hút chuyên gia; xây dựng môi trường thu hút đầu tư FDI và phát triển công ty nội địa.

PGS.TS Lê Mỹ Hà - Phó Trưởng Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trình bày tại Hội thảo nhu cầu nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn tỉnh Long An ngày 31/7/2024

PGS.TS Lê Mỹ Hà - Phó Trưởng Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trình bày tại Hội thảo nhu cầu nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn tỉnh Long An ngày 31/7/2024

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mỹ Hà - Phó Trưởng khoa Điện-Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng Long An có nhiều tiềm năng phát triển vi mạch, bán dẫn. Ông gợi ý tỉnh cần hỗ trợ, đầu tư hạ tầng và công nghệ hiện đại; xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển ngắn hạn, dài hạn; thu hút, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư, thu hút doanh nghiệp vi mạch bán dẫn; kết nối vào chuỗi doanh nghiệp cả nước và toàn cầu.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đã tham gia trao đổi, tập trung đánh giá khả năng liên kết, phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học với các doanh nghiệp trong đào tạo, cung ứng nhân lực ngành CNBD. Đẩy mạnh hoàn thiện và thực thi cơ chế hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp tại địa phương và các vùng lân cận.

Việc phát triển ngành CNBD đóng góp rất lớn vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế và cũng là cơ hội để nâng cao vị thế của tỉnh Long An nói riêng và Việt Nam nói chung. Tin rằng, với những điều kiện thuận lợi, sự tiên phong nắm bắt thời cơ cùng những hành động thiết thực sẽ là tiền đề, đề ra cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng và thực hiện các chương trình thúc đẩy đào tạo, phát triển, cung ứng nhân lực cho ngành sản xuất bán dẫn, phấn đấu đưa Long An trở thành một trong những trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực kỹ thuật cao, góp phần thúc đẩy phát triển ngành CNBD trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.

Huỳnh Thông

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tiem-nang-phat-trien-nganh-cong-nghiep-ban-dan-a182382.html