Tiềm năng phế phẩm nông nghiệp

Sóc Trăng là một trong những tỉnh chuyên về sản xuất nông nghiệp nên có nguồn phụ phẩm từ ngành nông nghiệp hàng năm khá lớn và nguồn phụ phẩm từ rơm rạ, chất thải trong chăn nuôi, kể cả trong nuôi trồng thủy sản đã được người dân tận dụng trong việc sản xuất nông nghiệp. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, công nghệ, phụ phẩm từ ngành nông nghiệp đã được sử dụng rộng rãi hơn vào các mục đích khác nhau, góp phần tăng thu nhập cho các đối tác sản xuất, chế biến trong ngành.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, diện tích trồng lúa của tỉnh hàng năm trên 325.000ha, sản lượng lúa trên 2 triệu tấn/năm nên lượng phụ phẩm thải ra khoảng 2 triệu tấn rơm rạ/năm và số lượng rơm rạ được người dân tận dụng làm nguyên liệu trồng nấm, ủ phân bón hữu cơ, làm chất đốt, làm thức ăn chăn nuôi… khoảng 47%. Ngoài ra còn có lượng lớn các phụ phẩm trong lĩnh vực trồng trọt của các loại cây ăn trái, rau màu, nguồn phụ phẩm này, người dân ít tận dụng phục vụ cho việc cung ứng lại sản xuất.

Rơm là một trong những phụ phẩm nông nghiệp được sử dụng nhiều vào việc tái sản xuất nông nghiệp. Ảnh: THÚY LIỄU

Riêng ngành thủy sản thì hàng năm, sản lượng trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản tương ứng từ 300.000 - 330.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 250.000 - 260.000 tấn, sản lượng khai thác 60.000 - 70.000 tấn. Theo đó, phụ phẩm trong nuôi trồng bao gồm vỏ đầu tôm, xương đầu cá, tỷ lệ phụ phẩm được tính theo tỷ lệ 6.4 - 7.0 và phụ phẩm trong khai thác gồm cá phân. Về tận dụng vỏ đầu tôm, trên địa bàn tỉnh có 1 công ty thu mua vỏ đầu tôm để sản xuất Chitin cho công ty tại Cà Mau xuất đi Trung Quốc (tỷ lệ 30kg vỏ được 1kg thành phẩm) và sản lượng thu mua vỏ đầu tôm của công ty khoảng 60 - 80 tấn/tháng. Lượng còn lại, các nhà máy chế biến ký hợp đồng thu gom phụ phẩm với các công ty khác ngoài tỉnh như: Cà Mau, Hậu Giang với giá khoảng 1.000 - 1.300 đồng/kg phụ phẩm và số phụ phẩm còn lại tiếp tục sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi gà, vịt. Còn xương đầu cá và cá phân được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi hoặc sử dụng tái chế bột cá, bán cho các lái thu mua trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh có đàn bò sữa, bò thịt lớn nên số lượng chất thải do đàn bò thải ra hàng ngàn tấn/năm, nguồn này được người dân tận dụng làm chất đốt, phân bón hữu cơ, nuôi trùn quế… Tận dụng nguồn phụ phẩm từ trồng trọt, ngành nông nghiệp cũng đã triển khai các mô hình trong việc sử dụng thân bắp ủ chua để làm thức ăn cho bò, giúp đàn bò sữa kéo dài thời gian cho sữa và giúp bò béo hơn, đặc biệt là thân bắp ủ mềm hơn, bò sẽ ăn hết thân cây ủ. Với lượng phân thải của bò, nhiều hộ nuôi triển khai mô hình nuôi trùn quế hay dùng làm chất đốt, góp phần giảm chi phí mua chất đốt sử dụng tại hộ, tăng thu nhập khi bán trùn quế làm thức ăn cho các loài thủy sản, giúp người nuôi giảm chi phí mua thức ăn công nghiệp. Đặc biệt, việc tận dụng nguồn phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi góp phần trong việc giảm thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp tại khu vực nông thôn, góp phần đạt tiêu chí môi trường, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Tấn Phương cho biết: “Nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp hiệu quả, bảo vệ môi trường và giảm chi phí sản xuất, chế biến, ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân trong thu gom, xử lý và tái sử dụng các phụ phẩm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã triển khai các mô hình tận dụng phụ phẩm để làm thức ăn chăn nuôi hay nuôi trùn quế, đem lại thu nhập tốt tại hộ. Cùng với đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo hộ dân sử dụng các loại máy cuốn rơm để thu gom rơm và tận dụng nguồn rơm, rạ cho chăn nuôi, ủ phân bón hữu cơ cung cấp cho cây trồng. Đối với nguồn phụ phẩm trong chăn nuôi, ngành khuyến cáo hộ dân tận dụng ủ phân hữu cơ dùng bón cho cây trồng, xây dựng hầm biogas làm chất đốt cũng như khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, sử dụng phụ phẩm từ sản phẩm thủy sản làm nguyên liệu…”.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/tiem-nang-phe-pham-nong-nghiep-52062.html