Tiềm năng thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp ở Đồng Nai mới

Thời gian qua, sự bùng nổ đầu tư vào Đồng Nai được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, số lượng khu công nghiệp và quy mô kinh tế lớn, lại nằm trong khu vực tăng trưởng sôi động nhất cả nước. Môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp (DN) trong nước khi Đồng Nai hợp nhất với Bình Phước để tạo thành tỉnh Đồng Nai mới sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn với không gian địa lý, quy mô kinh tế, nguồn nhân lực được mở rộng hơn.

Khởi công xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Hố Nai của Công ty CP Sản xuất kinh doanh hóa chất và môi trường An Phú. Ảnh:V.Gia

Khởi công xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Hố Nai của Công ty CP Sản xuất kinh doanh hóa chất và môi trường An Phú. Ảnh:V.Gia

Cùng với đó, cộng đồng DN mong muốn địa phương mới tiếp tục chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, phát huy tiềm năng lợi thế của mình đóng góp vào các mục tiêu của địa phương.

Sức hút cho cộng đồng doanh nghiệp

Trong năm 2024, có 138 ngàn tỷ đồng đã được các DN Việt Nam đầu tư vào Đồng Nai, gấp nhiều lần vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ năm trước. Cùng với các dự án, trong năm 2024, có hơn 4,5 ngàn DN đã được thành lập mới. Nguồn vốn đăng ký thành lập mới và bổ sung vốn điều lệ đạt hơn 100 ngàn tỷ đồng, đây là nguồn lực lớn mà DN đầu tư vào thị trường để phát triển sản xuất, kinh doanh. Riêng 5 tháng đầu năm nay, có hơn 8 ngàn tỷ đồng được các DN đầu tư vào các dự án, đồng thời có 28,7 ngàn tỷ đồng được bổ sung từ các DN.

Tương tự, năm 2024, tỉnh Bình Phước (cũ) có gần 1,3 ngàn DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 15,4 ngàn tỷ đồng. Bình Phước có tiềm năng để mở rộng phát triển các khu công nghiệp, xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến dựa trên nền nông nghiệp đa dạng.

Theo Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 10-4-2025 của UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2025, tỉnh phấn đấu bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ đối với các thủ tục hành chính, 30% chi phí đầu tư thực hiện thủ tục hành chính. Năm 2026, tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, 50% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính so với năm 2024.

Tập đoàn Hùng Nhơn vốn xuất thân là trang trại chăn nuôi, hiện đã trở thành DN hàng đầu trong lĩnh vực này với hệ sinh thái DN đa lĩnh vực, hoạt động mạnh ở Đồng Nai cũng như khu vực Tây Nguyên. Không những vậy, Tập đoàn Hùng Nhơn còn đang đẩy mạnh hợp tác nước ngoài để triển khai những dự án lớn.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, các dự án của đơn vị sử dụng công nghệ cao theo hướng bền vững, hợp tác với đối tác lớn của nước ngoài là để nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị.

Một dự án khác là Nhà máy Chiếu xạ và trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phát triển công nghệ bức xạ Ánh Dương có diện tích trên 2 hécta, do Công ty CP Công nghệ chiếu xạ Ánh Dương làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư trên 650 tỷ đồng đã được triển khai tại Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (Amata Long Thành).

Ông Nguyễn Quốc Trường, Tổng giám đốc công ty, chia sẻ Amata Long Thành có vị trí vô cùng thuận lợi trong tam giác khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc đặt nhà máy tại Amata Long Thành sẽ giúp công ty tiếp cận gần hơn với các đối tác, khách hàng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Công ty cũng đã đặt mục tiêu trở thành một trong những DN khoa học công nghệ dẫn đầu của tỉnh Đồng Nai và khu vực.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

Việc hợp nhất để tạo thành tỉnh Đồng Nai mới sẽ giúp địa phương phát huy những lợi thế vốn có từ trước, tiếp tục thu hút vốn đầu tư, mở rộng dư địa phát triển ra các ngành, lĩnh vực có tính cạnh tranh cao.

Sản xuất ở một doanh nghiệp ngành cơ khí tại xã Long Thành mới. Ảnh:V.Gia

Sản xuất ở một doanh nghiệp ngành cơ khí tại xã Long Thành mới. Ảnh:V.Gia

Vừa khởi công nhà máy với tổng mức đầu tư 126 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Hố Nai vào cuối tháng 6-2025, ông Nguyễn Hữu Bảy, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất kinh doanh hóa chất và môi trường An Phú, nhận định tiềm năng cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp là rất lớn. Nhà máy của công ty không chỉ tập trung sản xuất các loại hóa chất công nghiệp và hóa chất vô cơ cơ bản, mà còn cung cấp dịch vụ cho thuê kho chứa hóa chất, bồn chứa hóa chất đạt chuẩn an toàn cho các DN trong vùng, phù hợp với yêu cầu của địa phương.

Mặc dù tiềm năng phát triển và cơ hội cho đầu tư, thành lập DN, mở rộng sản xuất, kinh doanh, trong đó có các DN nội địa, là rộng mở song thực tế, hoạt động của DN cũng còn có những khó khăn.

Chủ tịch Liên đoàn DN Đồng Nai Đặng Văn Điềm cho hay, qua khảo sát, hiện cộng đồng DN mong muốn được tạo thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, dòng vốn tín dụng xanh và hỗ trợ kết nối vào chuỗi cung ứng sản xuất.

Với địa phương, để tạo thuận lợi cho cộng đồng DN thì việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh là vô cùng cần thiết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai xác định kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Kinh tế tư nhân đóng góp hơn 60% nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Do đó, tỉnh xây dựng những chính sách để hỗ trợ các DN nhỏ, siêu nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh chuyển đổi loại hình kinh doanh lên DN. Những điểm nghẽn, các nút thắt, rào cản sẽ lần lượt được lắng nghe, tháo gỡ để tạo môi trường cho kinh tế tư nhân phát triển.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/tiem-nang-thu-hut-dau-tu-va-phat-trien-doanh-nghiepo-dong-nai-moi-27717cf/