Tiềm năng to lớn cho đầu tư xã hội trong lộ trình chuyển đổi xanh

Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư xã hội. Tận dụng điều này, Việt Nam cần áp dụng các phương pháp hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư có trách nhiệm xã hội.

Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư xã hội. (Nguồn: CIEM)

Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư xã hội. (Nguồn: CIEM)

Các cơ hội đầu tư xã hội là một khía cạnh quan trọng của quá trình ra quyết định trong chuyển đổi năng lượng. Những cơ hội này thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến cả tác động xã hội của khoản đầu tư và khả năng tạo ra lợi nhuận.

Bà Kitty Bu, Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP) cho rằng, chuyển đổi năng lượng là nền tảng để thúc đẩy đầu tư xã hội vì quá trình này thúc đẩy phát triển kinh tế liên kết, môi trường bền vững và công bằng xã hội. Bằng cách chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, các quốc gia có thể thiết kế lại các hệ thống năng lượng để giải quyết các chênh lệch năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy tạo việc làm.

Công cuộc chuyển đổi năng lượng tái tạo (Energiewende) của Đức là ví dụ điển hình. Các chính sách như thuế suất ưu đãi không chỉ khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo mà còn trao quyền cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố tham gia tích cực vào nền kinh tế xanh. Hệ thống năng lượng dân chủ hóa này đã thúc đẩy đầu tư rộng rãi vào các cơ sở tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và tạo ra các trung tâm kinh tế địa phương cho việc làm xanh và đổi mới sáng tạo.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA) hợp tác cùng GEAPP tổ chức buổi hội thảo kỹ thuật thảo luận về BESS. (Nguồn: GEAPP)

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA) hợp tác cùng GEAPP tổ chức buổi hội thảo kỹ thuật thảo luận về BESS. (Nguồn: GEAPP)

Tại Việt Nam, tiềm năng cho đầu tư xã hội nằm ở việc áp dụng các mô hình tập trung vào cộng đồng tương tự. Các dự án năng lượng tái tạo phi tập trung, như lưới điện siêu nhỏ năng lượng mặt trời, có thể cung cấp điện cho các vùng nông thôn, giải quyết tình trạng thiếu năng lượng đồng thời thúc đẩy tinh thần kinh doanh tại địa phương.

Các hệ thống này cho phép cộng đồng cùng sở hữu và hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, thúc đẩy chu kỳ tái đầu tư vào giáo dục, y tế và doanh nghiệp địa phương. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo thường đòi hỏi sự thay đổi lực lượng lao động trên diện rộng, tạo cơ hội cho các chính phủ thiết kế các chương trình đào tạo toàn diện giúp người lao động chuẩn bị cho các công việc thân thiện với môi trường hơn và thu nhập cao hơn.

Quá trình chuyển đổi năng lượng cũng thu hút vốn tư nhân và đầu tư từ thiện bằng cách tích hợp với các ưu tiên ESG (môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp) toàn cầu. Dòng tiền đổ vào quá trình này cho phép phát triển các dự án ưu tiên khả năng phục hồi cộng đồng lâu dài, dù là thông qua việc tiếp cận nước sạch, cải thiện sức khỏe cộng đồng hay cơ sở hạ tầng được xây dựng để chống chịu tác động của khí hậu.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Ngân hàng ADB Masatsugu Asakawa ngày 6/11/2024. (Ảnh: Quang Hòa)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Ngân hàng ADB Masatsugu Asakawa ngày 6/11/2024. (Ảnh: Quang Hòa)

Đơn cử, GEAPP đang hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Viện Rocky Mountain (RMI) và Viện Năng lượng Việt Nam (IE) triển khai dự án thí điểm Hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) kết nối lưới điện đầu tiên của Việt Nam. BESS là một lĩnh vực ưu tiên để thu hút đầu tư.

Việc tích hợp BESS vào lưới điện quốc gia sẽ tăng cường độ tin cậy của lưới điện và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu truyền thống. Các dự án BESS không chỉ góp phần hiện đại hóa lưới điện mà còn tạo ra cơ hội việc làm trong các lĩnh vực như sản xuất, lắp đặt, cung ứng và các ngành liên quan khác.

Nhằm thu hút đầu tư cho năng lượng xanh, Việt Nam đã có nhiều cơ chế “bật đèn xanh” cho các nhà đầu tư. Trong buổi tiếp Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa tại Côn Minh (Trung Quốc) ngày 6/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị mở rộng quy mô hoạt động của ADB tại Việt Nam trong lĩnh vực tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hỗ trợ vốn cho khu vực tư nhân. Việt Nam sẽ xây dựng chính sách khuyến khích khối tư nhân vay vốn các đối tác như ADB.

Ông Masatsugu Asakawa cho biết với vai trò "ngân hàng khí hậu của châu Á", ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ, cung cấp nguồn vốn cho Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển, nhất là chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Có thể thấy rằng, bằng cách ưu tiên các khoản đầu tư xã hội trong quá trình chuyển đổi năng lượng, các quốc gia như Việt Nam có thể đạt được không chỉ quá trình khử carbon mà còn là quá trình chuyển đổi kinh tế rộng hơn, công bằng hơn.

Công cuộc chuyển đổi năng lượng tái tạo (Energiewende) của Đức là ví dụ điển hình về thu hút đầu tư xã hội. (Nguồn: Hive Power)

Công cuộc chuyển đổi năng lượng tái tạo (Energiewende) của Đức là ví dụ điển hình về thu hút đầu tư xã hội. (Nguồn: Hive Power)

Huyền Trâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tiem-nang-to-lon-cho-dau-tu-xa-hoi-trong-lo-trinh-chuyen-doi-xanh-297051.html