Liên kết thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh
Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh là bài toán khó đối với các doanh nghiệp trong 4 tỉnh, thành phố dọc trục cao tốc phía Đông nói riêng và cả nước nói chung. Chính vì vậy, cần phải nhanh chóng tìm ra các giải pháp để sớm tháo gỡ các khó khăn…
Tại diễn đàn “Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024: Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh” do Ban Pháp chế VCCI, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 12/12, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về các giải pháp nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại các khu công nghiệp tiểu vùng, từ đó mở cơ hội để các khu công nghiệp trên trục cao tốc phía Đông kết nối một cách hiệu quả với chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết cách đây hơn 2 năm, tháng 7/2022, Thỏa thuận Kết nối Kinh tế trục cao tốc phía Đông (VEHEC) đã được ký kết giữa VCCI và 4 địa phương gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên.
“Đây là một mô hình kết nối tiểu vùng đầu tiên, hướng đến thiết lập một cơ chế phối hợp nhằm tối ưu hóa các nguồn lực, khai thác thế mạnh của từng tỉnh, và tăng cường hợp tác liên tỉnh trong khu vực VEHEC, qua đó tối đa hóa khả năng kinh tế của khu vực”, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, khẳng định.
Theo ông Phạm Tấn Công, VEHEC là một động lực kinh tế quan trọng của miền Bắc Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GRDP toàn khu vực VEHEC trong những năm vừa qua đạt mức cao, dao động từ 9% đến 12% mỗi năm, cao hơn mức GRDP trung bình của 63 tỉnh, thành. Trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2024, các thành viên VEHEC vẫn đang duy trì mức tăng trưởng cao với thành phố Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Hải Dương (9,31%), và Hưng Yên (8,07%), vượt xa mức 6,82% của cả nước.
VEHEC cũng dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với các dự án lớn từ Samsung, LG, Foxconn, và các tập đoàn đa quốc gia khác. Môi trường đầu tư ngày càng minh bạch và thuận lợi, đặc biệt nhờ vào các chính sách cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh vẫn đang còn là bài toán khó đối với các doanh nghiệp trong 4 tỉnh, thành phố dọc trục cao tốc phía Đông nói riêng và cả nước nói chung. Chính vì vậy, cần phải nhanh chóng tìm ra các giải pháp để sớm tháo gỡ các khó khăn về công nghệ, chi phí đầu tư phát triển chuỗi sản xuất thông minh, xây dựng khu công nghiệp xanh tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn.
Theo TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế ISC, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu đã nổi lên rất rõ. Trong xu thế đó, chúng ta phải chủ động để đón nhận các dòng đầu tư mà chúng ta mong muốn. Chúng ta phải đón được những dự án đầu tư chất lượng cao nhất.
“Diễn đàn là nơi để hiểu rõ về nhau. Hiểu được sẽ chủ động được”, TS. Phan Hữu Thắng nói. Cùng với đó, các bộ ban ngành, các địa phương cũng cần nhanh chóng đưa ra các cơ chế chính sách, thuế kịp thời, đảm bảo điều kiện cho các doanh nghiệp vận hành hiệu quả, thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư lớn, chất lượng trong khu vực và vươn ra toàn cầu.
Tại diễn đàn này, VCCI đã công bố “Báo cáo kinh tế tiểu vùng Trục cao tốc phía Đông”. Báo cáo kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông cung cấp một phân tích toàn diện về tình hình kinh tế, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, và các nỗ lực phát triển bền vững của khu vực VEHEC; mà trong những năm gần đây, tầm quan trọng chiến lược của khu vực bốn tỉnh thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên đã được nâng cao, khi khu vực định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, logistics và phát triển xanh, phù hợp với các ưu tiên quốc gia về tăng trưởng bền vững và toàn diện.
Báo cáo này đóng vai trò cung cấp thông tin dành cho các bên liên quan bao gồm nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và doanh nghiệp địa phương muốn hiểu rõ hơn về các động lực kinh tế, thách thức và cơ hội của khu vực VEHEC.
Thông qua phân tích số liệu về kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh, xác định các hạn chế chính và đề xuất các khuyến nghị chính sách cụ thể, báo cáo hướng đến cung cấp những thông tin hữu ích để hỗ trợ VEHEC tiếp tục chuyển mình thành một trung tâm kinh tế tăng trưởng bền vững và phát triển cao.
Các phát hiện và khuyến nghị trong báo cáo nhằm củng cố vị thế của VEHEC như một khu vực kinh tế chiến lược, phù hợp với các chỉ đạo quốc gia và khát vọng khu vực nhằm thúc đẩy thịnh vượng lâu dài và toàn diện.
Ngày 28/7/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng 4 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh - Hải Phòng - Hải Dương - Hưng Yên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.
Ngay sau đó, Hội đồng kết nối kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông (VEHEC) được thành lập để hiện thực hóa các thỏa thuận, trên cơ sở phát huy vai trò của kết nối giữa các địa phương nằm trên trục cao tốc.
Sau 2 năm triển khai Hội đồng kết nối kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông đã thể hiện sức mạnh tổng hợp, tổ chức thực hiện nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn liên kết, các chương trình xúc tiến đầu tư, tập huấn cho các doanh nghiệp về chính sách và pháp luật…
Đặc biệt, Hội đồng kết nối kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông đã cùng phối hợp tổ chức thành công diễn đàn Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông năm 2023.
Hội đồng kết nối kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông đã tạo ra vùng cân bằng, bền vững, gắn với việc phát triển các hành lang kinh tế; kết nối phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các địa phương gắn với các địa phương khác trong vùng để tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho toàn vùng và cả nước…
Đặc biệt, Hội đồng kết nối kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông đã tạo cơ hội để kết nối các nhà phát triển khu công nghiệp, các nhà đầu tư và chính quyền theo định hướng xanh, bền vững trong tương lai.