Tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam
Một số nhà sản xuất lớn của nước ngoài đang mở rộng dấu ấn ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam trong bối cảnh chiến lược tái cơ cấu chuỗi cung ứng và đa dạng hóa rủi ro được thực hiện trên quy mô lớn.
Một số nhà sản xuất lớn của nước ngoài đang mở rộng dấu ấn ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam trong bối cảnh chiến lược tái cơ cấu chuỗi cung ứng và đa dạng hóa rủi ro được thực hiện trên quy mô lớn.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ hưởng lợi
Trong bài viết trên trang Vietnam Briefing, ông Filippo Bortoletti - Giám đốc quốc gia Công ty tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates Việt Nam - cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong các ngành công nghiệp hỗ trợ có thể được hưởng lợi khi Việt Nam được lựa chọn là điểm đến thay thế trong chiến lược "Trung Quốc+1" của các công ty đa quốc gia. Trong 15 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều thay đổi, từ sự bùng nổ sản xuất cho đến lĩnh vực khởi nghiệp mới nổi giành được chỗ đứng.
Sự xuất hiện chiến lược "Trung Quốc+1" (chiến lược kinh doanh mà các tập đoàn quốc tế áp dụng để tránh chỉ đầu tư vào Trung Quốc, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sản xuất sang các nước khác) dẫn đến các chiến lược tái cơ cấu chuỗi cung ứng và đa dạng hóa rủi ro được thực hiện trên quy mô lớn. Trong khi đó, Việt Nam cũng đã mở cửa cho đầu tư nước ngoài nhiều hơn, từ đó tận dụng những xu hướng này để chuyển đổi thành một trung tâm sản xuất của khu vực.
Trong khi xu hướng "Trung Quốc+1” đã thúc đẩy các tập đoàn lớn như Samsung và Nike chuyển hoạt động sang Việt Nam, thì động thái của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lại ít được công nhận. Trong khi đó, các SME này - thường đi theo các khách hàng đa quốc gia hàng đầu của mình - cũng bị thu hút đến Việt Nam do môi trường kinh doanh thuận lợi và quy mô kinh tế của đất nước.
Mặc dù các SME có thể không hoạt động trong những ngành hấp dẫn như điện thoại di động hay máy tính xách tay, nhưng họ đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ nền kinh tế nào, kể cả Việt Nam. Trên thực tế, các SME ở Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và cung cấp đào tạo kỹ năng thậm chí còn lớn hơn so với các tổ chức lớn, cho thấy tầm quan trọng của họ đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Các SME thường hoạt động trong lĩnh vực rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành sản xuất Việt Nam là công nghiệp hỗ trợ. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã được thừa nhận không chỉ là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn là một phần quan trọng của các cấu trúc ngày càng phức tạp này.
Theo đó, chính phủ đã thiết lập các chính sách giảm thuế và ưu đãi cho các ngành công nghiệp hỗ trợ muốn thành lập tại Việt Nam. Ví dụ, Nghị định 57 cung cấp các ưu đãi từ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đến thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm đầu tiên đối với thu nhập phát sinh từ các dự án mới trong lĩnh vực này. Các SME, dù là doanh nghiệp mới gia nhập khu vực hay đang đi theo chiến lược "Trung Quốc +1" vào Việt Nam, sẽ được hưởng lợi đáng kể từ việc tận dụng các ưu đãi nói trên.
Thách thức nhỏ so với thuận lợi lớn
Tiến trình phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng nội địa dài hơn của Việt Nam còn chậm. Năm 2022, tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ khoảng 36%, thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh chính là Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng đối với các SME muốn đa dạng hóa vào Việt Nam, đây chỉ là một thách thức nhỏ.
Việt Nam đã trở thành một bên tham gia hội nhập cao ở châu Á trong những năm gần đây, một phần nhờ vào việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do. Nước này đã ký hiệp định với các nước Đông Nam Á láng giềng cũng như các thỏa thuận song phương và đa phương với các nước trên thế giới, giúp tạo thuận lợi cho thương mại và dòng đầu tư trong và ngoài khu vực.
Do đó, việc tìm nguồn cung ứng linh kiện và vận chuyển đến Việt Nam để lắp ráp, hoặc vận chuyển các bộ phận và linh kiện từ Việt Nam đi nơi khác để lắp ráp ngày càng trở nên rẻ hơn và dễ dàng hơn.
Hơn nữa, có động lực cho sự thay đổi trên toàn bộ nền kinh tế. Các diễn đàn, hội thảo quảng bá Việt Nam là điểm đến của ngành công nghiệp hỗ trợ ngày càng phổ biến. Các vấn đề đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng là trọng tâm tại các sự kiện này.
Một số nhà sản xuất lớn đang mở rộng dấu ấn ngành công nghiệp phụ trợ của họ tại Việt Nam. Chẳng hạn, Samsung đã thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 200 triệu USD tại Hà Nội. Gần đây cũng có thông tin về việc Sunny Optical của Trung Quốc đầu tư 2,5 tỉ USD vào việc phát triển các cơ sở ở Việt Nam.
Với đường bờ biển rộng lớn kết nối các cảng biển với phần còn lại của thế giới, Việt Nam nằm ở vị trí rất thuận tiện, không chỉ là lối vào Thái Bình Dương. Là một trong những nước láng giềng phía nam của Trung Quốc, Việt Nam là điểm đến tuyệt vời trong chiến lược "Trung Quốc +1". Các linh kiện và bộ phận của nhiều nhà sản xuất đã được đưa qua biên giới theo cả hai hướng mỗi ngày với giá trị hàng trăm triệu USD.
Hiện tại, các SME trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng lớn để phát triển, đặc biệt là ở Việt Nam - tác giả bài viết kết luận.