Tiềm năng trà hoa vàng Bù Gia Mập
Trà hoa vàng Bù Gia Mập có tên khoa học là Camellia bugiamapensis Orel, Curry, Luu & Q. D.Nguyen, đây là loài thực vật đặc hữu của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, được công bố vào năm 2014. Theo công bố của các nhà khoa học trong Sách đỏ thế giới (IUCN Red List, 2018), đây là loài chỉ ghi nhận duy nhất ở một phạm vi nhỏ hẹp (1km2) tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, nằm trong khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia… Số lượng cây trưởng thành vô cùng ít (ước lượng khoảng từ 49-70 cây) và được xếp bảo tồn vào bậc CR (cực kỳ nguy cấp).
Trà hoa vàng Bù Gia Mập là loài thực vật quý hiếm trong họ chè (theaceae) ở Việt Nam, nó có tiềm năng vô cùng to lớn trong ứng dụng sản xuất dược liệu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, nước giải khát… Ngoài ra, do có hoa đẹp nên loại trà này có giá trị cảnh quan rất cao.
Theo kết quả nghiên cứu phân loại học về họ chè, ở Việt Nam có khoảng hơn 100 loài chè (trà) khác nhau và có khoảng hơn 40 loài trà hoa vàng, trong tất cả loài trà hoa vàng đều được đánh giá có giá trị dược liệu. Cho đến nay, trong nước cũng như trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu riêng biệt về dược liệu cho một số loài trà hoa vàng, kết quả nghiên cứu phân tích cho thấy, có hơn 400 hoạt chất được ghi nhận có trong các loài trà hoa vàng đã được phân tích và trong đó có nhiều hợp chất quý giá như: Saponin, polyphenol, polysaccharide, flavonoids và các nguyên tố như selenium (Se), germannium (Ge), kalium (K), kẽm (Zn), molypden (Mo), vanadium (V), mangan (Mn) và các vitamin B1, B2, C… Đây là những chất quan trọng ứng dụng vào hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, ổn định đường huyết, thải độc gan, thanh lọc cơ thể, chống lão hóa, tăng cường sinh lực, giảm căng thẳng… Các kết quả nghiên cứu nêu trên đã được ứng dụng thực tiễn trong điều trị bệnh, sản xuất thực phẩm chức năng…
Trà hoa vàng Bù Gia Mập được đánh giá là loài mang giá trị dược liệu như các loài trà hoa vàng khác. Tuy nhiên, mỗi loài trà hoa vàng mọc trên loại đất và ở vùng khí hậu khác nhau thì sẽ sinh ra các hợp chất, hàm lượng chất khác nhau… Xét về giá trị bảo tồn, giá trị cảnh quan thì hiện nay trà hoa vàng Bù Gia Mập là loài vô cùng quý hiếm cần được bảo tồn và rất phù hợp cho việc phát triển giống phục vụ trồng cây cảnh quan…
Đặc biệt, cây trà hoa vàng Bù Gia Mập có đặc điểm sống dưới tán rừng, cây ưa bóng, chịu được khô hạn, đất bạc màu... Đây là tiềm năng cho việc ứng dụng trồng xen loại cây này dưới tán vườn cao su, điều… nhằm tận dụng tối đa đất sản xuất, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Nhằm bảo tồn đa dạng sinh học của vườn cũng như bảo tồn loài trà hoa vàng Bù Gia Mập, Vườn quốc gia Bù Gia Mập định hướng trong thời gian tới thực hiện các giải pháp: Nghiên cứu, đánh giá về hiện trạng và trữ lượng trà hoa vàng phân bố tại khu vực, từ đó đưa ra kế hoạch bảo tồn và phát triển phù hợp; nghiên cứu, phát triển giống, với mục tiêu trước tiên là trồng bảo tồn loài tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập và ứng dụng trồng phát triển cây cảnh quan; nghiên cứu thành phần hóa học, dược liệu, khi có kết quả khả quan, đủ hàm lượng, hoạt chất đáp ứng sản xuất sẽ xây dựng kế hoạch phát triển mở rộng...
Trà hoa vàng chỉ ghi nhận ở vùng nhỏ trong lâm phần của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, điều này cho thấy điều kiện sống tự nhiên của loài này vô cùng khắt khe (mang tính đặc hữu).
Nhìn chung, trà hoa vàng Bù Gia Mập có tiềm năng rất lớn về ứng dụng vào phát triển kinh tế địa phương… Song hiện nay, với bậc bảo tồn loài là cực kỳ nguy cấp (CR) thì trước tiên chúng ta cần có những nghiên cứu cơ sở một cách bài bản, nhằm mục tiêu bảo tồn tốt loài này, tiếp đến mới đưa vào sản xuất… Tránh hiện tượng người dân mới nghe thông tin cơ bản đã trồng ồ ạt, gây ảnh hưởng đến kinh tế, cũng như thiệt hại đến bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài thực vật đặc hữu của tỉnh nhà.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/90/131003/tiem-nang-tra-hoa-vang-bu-gia-map