Tiềm năng từ mô hình nuôi giun quế ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 313
BHG - Giun quế (hay trùn quế) là loại giun đã được thuần hóa, nhập nội và đưa vào nuôi công nghiệp ở nước ta với quy mô vừa và nhỏ. Đây là loại giun mắn đẻ, dễ nuôi, dễ nhân rộng và có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, mô hình phát huy hiệu quả khi áp dụng vào các quy trình chăn nuôi khép kín. Nắm bắt được ưu điểm đó, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT - QP) 313, Quân khu 2 đã khảo sát một số mô hình nuôi giun quế hiệu quả trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, sau đó áp dụng nuôi thử nghiệm, bước đầu đã thu được kết quả tích cực.
Đoàn KT - QP 313, Quân khu 2 thuộc vùng dự án KT - QP Xín Mần - Vị Xuyên; đóng quân trên địa bàn 18 xã, 138 thôn, trong đó có 41 thôn giáp biên giới thuộc 4 huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Quản Bạ của tỉnh Hà Giang. Năm 2023, Đoàn đã áp dụng thử nghiệm mô hình nuôi giun quế tại đơn vị; tổ chức tham quan, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho đồng bào trên địa bàn. Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Đinh Văn Phong, nhân viên Đội Sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 8, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) được giao nhiệm vụ chăm sóc mô hình nuôi giun quế của đơn vị, cho biết: Nuôi giun quế rất đơn giản, chỉ cần có chuồng trại kiên cố, có mái che, cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn cho giun và duy trì độ ẩm phù hợp là giun có thể phát triển tốt. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần rải 1 lớp phân gia súc khoảng 10 - 15 cm ở đáy chuồng, sau đó rải 1 lớp sinh khối khoảng 10 - 15 cm lên trên. Hằng ngày, hòa phân gia súc vào nước và tưới cho các chuồng nuôi để bổ sung độ ẩm và thức ăn cho giun. Công việc này không tốn nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ cần khoảng 30 phút là có thể chăm sóc được 60 m2 chuồng nuôi giun quế. Giun quế sinh sản nhanh, khi đã phát triển ổn định thì cứ 20 - 25 ngày mô hình sẽ cho thu hoạch khoảng 180 kg giun và từ 3 - 4 tháng có thể thu hoạch được trên 2 tấn phân giun hữu cơ.
Thiếu tá Nguyễn Minh Thảo, Trưởng phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Đoàn KT - QP 313 cho biết: Nuôi giun quế giúp tận dụng triệt để được nguồn phân từ các mô hình chăn nuôi của Đoàn, nhất là từ nuôi trâu, bò, lợn. Sau khi thu hoạch lại được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cho các mô hình khác, nhờ đó đã có sự ưu việt hơn so với thức ăn truyền thống. Hơn nữa, thịt giun có hàm lượng dinh dưỡng cao với lượng protein thô trên 65% trọng lượng khô kết hợp với các loại chất kích thích sinh trưởng tự nhiên cùng hàng chục loại axit amin, vitamin, chất khoáng cần thiết cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Khi trộn giun hoặc bột giun với thức ăn chăn nuôi theo tỷ lệ phù hợp có thể tăng năng suất từ 15 đến 45% tùy loại vật nuôi.
Phân giun quế được đánh giá là loại phân bón hữu cơ có hàm lượng NPK, Ca và các chất khoáng vi lượng cao (gấp khoảng 1,5-3 lần so với phân gia súc thông thường). Trong phân giun còn chứa rất nhiều vi sinh vật có lợi giúp ngăn chặn sự phát triển của các mầm bệnh và côn trùng gây hại cho cây trồng. Chất nhầy trong phân giun giúp giữ nước cho cây có thời gian lâu hơn để hấp thụ chất dinh dưỡng, đồng thời giảm sự xói mòn và cải thiện đặc tính cho đất. Trong phân giun còn có chứa nhiều axit hữu cơ và hormone tăng trưởng, giúp kích thích sự phát triển của rễ cây, tăng khả năng hấp thụ nước và dinh dưỡng, tăng khả năng ra hoa, kết trái, cũng như khả năng chống chịu trước sâu bệnh và thời tiết bất lợi cho cây trồng…
Từ đầu năm 2023, Đoàn KT - QP 313 đã khảo sát, học hỏi kinh nghiệm xây dựng mô hình nuôi, thu hoạch, nhân giống giun quế ở các trang trại lớn. Sau đó nuôi thử nghiệm với diện tích chuồng 60 m2. Chi phí ban đầu khoảng 3 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã thu hoạch được 15 lứa giun và khoảng 6 tấn phân giun hữu cơ, giá trị thu lãi ước tính đạt gần 40 triệu đồng. Đối với giun sau khi thu hoạch, đơn vị bổ sung ngay vào thức ăn cho các mô hình nuôi gà trống thiến, vịt thả suối và cá thương phẩm. Đoàn đang nghiên cứu, học tập chế biến giun quế thành dung dịch để bổ sung vào khẩu phần ăn của đàn lợn nhằm tăng năng suất vật nuôi. Phân giun sử dụng bón lót, bón thúc cho các mô hình trồng cây ăn quả và cải tạo chất lượng đất cho vườn ươm cây giống lâm nghiệp. Ngoài ra, Đoàn đã tận dụng lượng phân giun dồi dào, để chăm sóc cỏ voi. Cỏ phát triển tốt làm phong phú thêm nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò của đơn vị…
Đánh giá về tiềm năng của mô hình nuôi giun quế, Đại tá Nguyễn Quốc Hưng, Đoàn trưởng Đoàn KT - QP 313 cho biết: Trong những năm gần đây, mô hình chăn nuôi khép kín được nhiều trang trại chăn nuôi lựa chọn. Bởi mô hình này không những giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thiểu tối đa dịch bệnh mà còn mang đến hiệu quả kinh tế cao và hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững. Mô hình nuôi giun quế đang triển khai kết hợp với các mô hình nuôi gia súc, gia cầm, vườn ươm cây giống và trồng cỏ chăn nuôi bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Trong khi đó, việc triển khai mô hình khá đơn giản, vốn đầu tư thấp, dễ phát triển, dễ nhân rộng, đem lại sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thực sự là mô hình phù hợp để đồng bào học tập và làm theo.
Được biết, trong năm vừa qua, mặc dù trong giai đoạn nuôi thử nghiệm nhưng Đoàn đã tổ chức được 5 lượt tham quan, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho đồng bào trên địa bàn các xã Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải và Lao Chải (Vị Xuyên), thu được nhiều tín hiệu tích cực. Trong thời gian tới, Đoàn sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển mô hình nuôi giun quế. Sản phẩm thu được vừa để nâng cao chất lượng các mô hình khác của Đoàn vừa giúp đồng bào con giống, nhân rộng mô hình trong nhân dân, số còn lại đơn vị có thể cung cấp cho thị trường.