Tiêm phòng vắc xin là cách đẩy lùi dịch bệnh tả lợn châu Phi

Rủi ro từ dịch bệnh tả lợn châu Phi là rất lớn, khi vật nuôi đã lây bệnh sẽ khó có thể chữa khỏi, theo khuyến cáo của ngành chức năng chỉ có tiêm phòng vắc xin là cách phòng bệnh tốt nhất tính tới thời điểm hiện tại.

 Người dân đến cửa hàng kinh doanh thuốc thú y để mua vắc xin DTLCP.

Người dân đến cửa hàng kinh doanh thuốc thú y để mua vắc xin DTLCP.

Ngày 10/7/2024, UBND tỉnh Bắc Kạn có Kế hoạch số 467/KH-UBND về triển khai đồng loạt tiêm vắc xin phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Mục tiêu là để tạo miễn dịch chủ động nhằm sớm ngăn chặn, khống chế DTLCP trên đàn lợn, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Đối tượng lợn được phổ biến tiêm từ 4 tuần tuổi trở lên; không tiêm cho lợn nái đang mang thai, nái đang nuôi con và lợn đực giống; không tiêm cho lợn có thể trạng yếu, đang sốt, bị bệnh mãn tính. Phạm vi tiêm là tại các thôn, xã chưa có dịch tả lợn châu Phi; các xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch…

Từ khi phổ biến kế hoạch tiêm phòng, nhiều địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiêm phòng. Tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước, công ty sản xuất vắc xin và các huyện, thành phố để được thông tin, tư vấn sâu hơn về tác dụng của việc tiêm vắc xin DTLCP, những vấn đề lưu ý khi tiêm phòng loại vắc xin này. Đồng thời đưa ra những nhân chứng là các hộ có vật nuôi từng tiêm phòng vắc xin DTLCP để giúp người dân có cái nhìn khách quan trước khi quyết định tiêm.

Hiện tại, có 2 loại vắc xin được cấp phép lưu hành trên thị trường là vắc xin NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO và vắc xin AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam. Hiện cả 2 loại vắc xin này đều có bán tại các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh.

Nhờ chủ động triển khai rộng rãi về tác dụng của việc tiêm phòng vắc xin DTLCP, nhiều hộ dân trong tỉnh đã chủ động đến các cửa hàng mua vắc xin về tiêm.

Ông Triệu Văn Thành, thôn Bản Piềng, xã Thượng Giáo (Ba Bể) là hộ tiên phong tiêm phòng vắc xin DTLCP. Loại vắc xin mà ông tiêm cho tổng đàn 14 con lợn lần này là NAVET-ASFVAC. Sau khi tìm hiểu về công dụng của loại vắc xin này, ông đã tự đi mua hơn 10 liều về tiêm cho đàn, sau một thời gian tiêm, đàn lợn khỏe mạnh, phát triển tốt, trong đó có con đã đến tuổi xuất bán.

 Nhờ công tác tuyên truyền, nhiều hộ dân trong tỉnh đã chú trọng tiêm phòng vắc xin DTLCP.

Nhờ công tác tuyên truyền, nhiều hộ dân trong tỉnh đã chú trọng tiêm phòng vắc xin DTLCP.

Ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn thông tin: “Qua kiểm tra, thăm nắm tại cơ sở, người dân một số nơi đã có nhận thức về tác dụng của việc tiêm phòng vắc xin DTLCP, tuy nhiên các cấp chính quyền cần vào cuộc nhiều hơn nữa. Đặc biệt là cần tuyên truyền, hướng dẫn để người chăn nuôi nhận thấy ưu điểm của vắc xin, tích cực hưởng ứng, có như vậy mới sớm đẩy lùi dịch bệnh ra khỏi cộng đồng”.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ e ngại khi lựa chọn tiêm vắc xin DTLPC vì sợ rủi ro. Có hộ cho rằng vắc xin giá thành cao, không có loại lẻ từ 1-2 liều cho hộ nuôi ít, điều này dẫn tới chưa khuyến khích được số đông tham gia.

Tính đến nay, DTLCP đã xảy ra đối với trên 3.000 hộ dân thuộc 98 xã của 8 huyện, thành phố, làm trên 17.000 con lợn chết, tiêu hủy với khối lượng trên 667 tấn. Từ khi có kế hoạch tiêm phòng vắc xin DTLCP, toàn tỉnh đã tiêm được cho trên 7.000 con, trong đó huyện Ba Bể và Chợ Đồn tiêm nhiều nhất (mỗi huyện trên 2.000 con)./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/tiem-phong-vac-xin-la-cach-day-lui-dich-benh-ta-lon-chau-phi-post65020.html