Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ 5-12 tuổi, trẻ mắc bệnh nào không được tiêm?

Sáng nay, TP HCM bắt đầu tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong tuần tới cả nước đồng loạt triển khai tiêm chủng cho nhóm trẻ này. Vậy việc tiêm vắc-xin cho trẻ cần những lưu ý gì, khi trẻ gặp phản ứng nên làm gì?

Hôm nay, 16-4, TP HCM bắt đầu tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tại Hà Nội, chiến dịch tiêm chủng cho nhóm trẻ dự kiến từ ngày 17-4. Theo Bộ Y tế, trong tuần tới các địa phương sẽ đồng loạt triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 5 đến dưới 15 tuổi.

Để việc tiêm chủng được an toàn các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ ăn, uống đầy đủ trước và sau khi tiêm. Không để trẻ tiêm vắc-xin trong tình trạng đói hay quá no.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi tại Quảng Ninh

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi tại Quảng Ninh

Ngoài ra, không nên cho trẻ uống những loại nước có ga, cồn, chất kích thích, nước tăng lực... trước, trong và sau ngày tiêmm chủng vì những chất này có thể gây tim đập nhanh, ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.

Dưới đây là những lưu ý khi tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và hướng xử lý.

Đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng

Theo giới chuyên môn dù số mắc và tử vong do Covid-19 ở trẻ em thấp hơn so với người lớn, các biểu hiện khi mắc bệnh thường nhẹ hơn, nhiều trường hợp không có triệu chứng, nhưng hậu quả của bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe các em.

Thực tế thời gian qua ở nhiều cơ sở y tế đã ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc MIS-C (hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em) với các biểu hiện viêm đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau nhiễm SARS-CoV-2, bao gồm trẻ có biểu hiện bệnh Covid-19 hoặc không có biểu hiện bệnh.

Tuy vậy, theo bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Bệnh Viện Nhi Trung ương, đối với việc khám sàng lọc, có 3 nhóm đối tượng trẻ cần phải thận trọng và khám sàng lọc, thực hiện tiêm tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Đó là nhóm trẻ mắc bệnh mạn tính bẩm sinh; tại thời điểm khám sàng lọc phát hiện trẻ có bất thường về tim, phổi; trẻ có phản ứng phản vệ với bất kỳ dị nguyên nào trước đó.

Các trường hợp cần thận trọng khi tiêm chủng là trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; trẻ có rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động, giảm chú ý,…

Bác sĩ Lê Kiến Ngãi cũng đặc biệt lưu ý chống chỉ định tiêm đối với nhóm trẻ có tiền sử phản vệ với vắc-xin-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc-xin

Vì vậy, các cơ sở tiêm chủng phải nghiên cứu kỹ các thành phần của vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất, để nếu phát hiện trẻ có tiền sử phản vệ với bất cứ thành phần nào của vắc-xin như muối, lipid, đường… phải xếp vào nhóm chống chỉ định tiêm.

"Ngoài ra, nhóm trẻ đang mắc bệnh cấp tính, bệnh mạn tính tiển triển hoặc các vấn đề khác, cũng lưu ý phải trì hoãn tiêm chủng cho trẻ. Cụ thể, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; đang trong đợt điều trị bệnh mạn tính như hóa trị liệu ung thư,… cần trì hoãn cho đến khi trẻ kết thúc tình trạng bệnh cấp tính hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính"- bác sĩ Ngãi lưu ý.

Với những trẻ sau mắc Covid-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C), cần trì hoãn tiêm chủng cho đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý này.

Vắc-xin Moderna được tiêm cho trẻ tại Quảng Ninh - Ảnh: Hoàng Nguyễn

Vắc-xin Moderna được tiêm cho trẻ tại Quảng Ninh - Ảnh: Hoàng Nguyễn

Phản ứng thường xảy ra sau tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng giống như các phản ứng ghi nhận ở đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Với vắc-xin Pfizer, các phản ứng thường gặp phổ biến là đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, biểu hiện mệt mỏi, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2 so với liều thứ 1, khoảng 50-80%), sưng tại chỗ tiêm, buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm (khoảng 10%).

Các phản ứng rất ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn như phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch, giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm.

Các phản ứng rất hiếm gặp từ 1/10.000 đến 1/1.000.000 liều vắc-xin sử dụng là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. "Hiện chúng tôi chưa ghi nhận báo cáo nào tại các quốc gia đã triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho đối tượng trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (từ đầu năm 2022 đến nay) gặp phản ứng về viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim"- PGS Hồng nói.

"An toàn tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu. Để tránh nhầm lẫn với vắc xin dùng cho người lớn, lọ vắc-xin Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có nắp màu cam, liều 0,2 ml chứa 10 mcg vắc-xin mRNA, bằng 1/3 hàm lượng so với liều dành cho người từ 12 tuổi trở lên. Mỗi lọ chứa 10 liều. Bộ Y tế đã tập huấn rất kỹ, bao gồm việc sử dụng vắc-xin và xử trí phản ứng sau tiêm”- bà Hồng nhấn mạnh.

Với vắc-xin Moderna, các phản ứng rất thường gặp ở trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi là sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác ở cổ, trên xương đòn, đau đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.

Các phản ứng được báo cáo nhiều nhất ở nhóm đối tượng này sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn, nôn (29,3%), sưng, đau ở nách (27%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%), đau khớp (21,3%).

Các phản ứng ít gặp hơn gồm tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm (khoảng 1-10%)...

Vắc-xin Moderna có liều sử dụng cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi bằng 1/2 liều cơ bản so với liều sử dụng cho người lớn. Liều cho trẻ em 0,25 ml chứa 50 mcg vắc-xin Covid-19 mRNA (được bọc trong các hạt nano lipid). Vắc-xin này có dạng hỗn dịch tiêm có màu trắng đến trắng ngà. Một lọ vắc-xin Moderna sẽ tiêm được 20 liều. Trẻ tiêm vắc-xin Moderna 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 28 ngày.

Trẻ có dấu hiệu bất thường sau tiêm vắc-xin cần đưa đến cơ sở y tế - Ảnh minh họa

Trẻ có dấu hiệu bất thường sau tiêm vắc-xin cần đưa đến cơ sở y tế - Ảnh minh họa

Trẻ bị sốt, sưng đau chỗ tiêm cần làm gì?

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị cha mẹ, người giám hộ cần thông báo cho nhân viên y tế biết chính xác về tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng của trẻ với các triệu chứng và điều trị cụ thể, tình trạng bệnh lý nền, các loại thuốc điều trị trẻ đang sử dụng.

Những điều này rất quan trọng để bác sĩ có thể ra quyết định phù hợp trong việc chống chỉ định, chuyển viện hay cẩn trọng khi tiêm vắc- xin Covid-19 cho trẻ và có kế hoạch theo dõi kỹ sau khi tiêm.

Sau tiêm vắc-xin Covid-19, trẻ phải được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút, tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm, đặc biệt là trong vòng 7 ngày sau tiêm, trong đó 3 ngày đầu sau tiêm luôn có người hỗ trợ và chăm sóc 24/24, tránh để trẻ vận động mạnh.

Hiện tượng sốt và đau tại chỗ tiêm là phản ứng phổ biến nhất mà trẻ có thể gặp sau khi tiêm vắc-xin Covid-19. Theo các bác sĩ phụ huynh không nên quá lo lắng về các triệu chứng này vì các phản ứng tại vết tiêm như: đau, nhức chỗ tiêm, nổi u cục, phát ban... sẽ mất sau khoảng một thời gian mà không ảnh hưởng gì tới sức khỏe.

Nếu thấy tình trạng đau nhiều, sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có: Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 giờ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Đưa trẻ đi viện khi thấy một trong các dấu hiệu dưới đây

- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;

- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;

- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

- Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

- Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường;

- Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn;

- Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/tiem-vac-xin-covid-19-cho-tre-5-12-tuoi-tre-mac-benh-nao-khong-duoc-tiem-20220416095410958.htm