Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng

Hiện Ninh Bình đang là địa phương kiểm soát tương đối tốt dịch COVID-19 được đánh giá là 'vùng xanh' của cả nước, để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, tỉnh Ninh Bình đã huy động các nguồn lực để có vắc xin tiêm phòng cho toàn dân. Để hiểu rõ và đánh giá đúng hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19, tạo miễn dịch cộng đồng, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh về vấn đề này, sau đây là nội dung cuộc trao đổi

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh kiểm tra công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình. Ảnh: Minh Quang

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh kiểm tra công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình. Ảnh: Minh Quang

Phóng viên: Bác sỹ có thể khẳng định lại tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19?

Bs Lê Hoàng Nam: Từ trước đến nay, đối với các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, dịch COVID-19 nói riêng, việc tiêm vắc xin rất quan trọng, là yêu cầu và nhiệm vụ mà mọi người dân nên và cần phải tuân thủ, để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

Đối với vi rút SARS-CoV-2, đặc biệt là chủng Delta rất nguy hiểm, có tốc độ lây nhiễm nhanh và tăng nguy cơ tử vong, thì càng cần tiêm sớm vắc xin phòng COVID-19 cho nhân dân, từ đó mới có hiệu quả trong quá trình ngăn chặn và dập dịch.

Vắc xin phòng COVID-19 đã được nhiều nhà khoa học, y học của các quốc gia phát triển nghiên cứu, trải qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm và giám sát diện rộng đã chứng minh, vắc xin phòng COVID-19 mà các nước sản xuất đều an toàn và hiệu quả. Vì vậy, khi mỗi người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 giúp bảo vệ không bị nhiễm, chống sự lây lan của vi rút gây bệnh, hình thành hệ miễn dịch trong cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là lựa chọn an toàn cho mỗi người. Mỗi cá nhân tiêm phòng cho mình chính là góp phần bảo vệ những người xung quanh, bảo vệ cộng đồng, xã hội. Do đó, mỗi người dân hãy tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho dù bản thân có mắc COVID-19 hay không.

Bởi các nghiên cứu cho thấy, tiêm vắc xin giúp tăng cường sự bảo vệ ở những người đã phục hồi sau khi mắc COVID-19. Đối với những người chưa được tiêm vắc xin, họ sẽ chưa có miễn dịch, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao. Đặc biệt, khi đã bị lây nhiễm có thể bị bệnh rất nghiêm trọng, kéo dài thời gian chữa trị và có thể dẫn tới nguy hiểm về tính mạng.

Phóng viên: Miễn dịch cộng đồng (MDCĐ) được hiểu như thế nào và cần các điều kiện gì để có thể tạo MDCĐ, thưa bác sỹ?

Bs Lê Hoàng Nam: Miễn dịch được định nghĩa là sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh khác nhau. Khi nó hoạt động đúng cách, hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại các vi sinh vật gây bệnh, chẳng hạn như virus, vi khuẩn, nấm mốc và ký sinh trùng. Hệ thống miễn dịch cũng bảo vệ chống lại chất gây dị ứng, tế bào ung thư và tế bào chết.

Hệ thống miễn dịch là rất phức tạp, vai trò chính của nó là để duy trì sự cân bằng của môi trường bên trong của cơ thể và bảo đảm chống lại các tác nhân có hại. Có hai loại miễn dịch, là miễn dịch tự nhiên liên quan về mặt di truyền và do đó, mang tính bẩm sinh và không đặc hiệu. Miễn dịch đặc hiệu là miễn dịch phát triển suốt cuộc đời của một người dựa trên tiếp xúc với vật lạ từ bên ngoài và tiêm vắc xin là cách tạo miễn dịch chủ động và đặc hiệu.

Rất hiếm có vắc xin nào có thể tạo miễn dịch cho 100% các cá thể trong một quần thể. Mặt khác, cũng gần như không thể tiêm vắc xin cho 100% các cá thể trong quần thể. Do vậy, người ta cố gắng tiêm phòng đạt tỷ lệ sao cho bệnh không lây lan nữa. Lúc đó chúng ta đạt ngưỡng MDCĐ. Nói cách khác, cộng đồng có miễn dịch (với dịch chứ không phải với bệnh).

Tóm lại, ngưỡng MDCĐ là tỷ lệ tối thiểu số cá thể có miễn dịch làm cho bệnh không thể lây lan thành dịch trong cộng đồng đó. Bằng cách tiêm phòng để đạt ngưỡng MDCĐ 86%, nếu vắc xin có hiệu lực 100% và công tác tiêm phòng cũng như bảo quản vắc xin tốt thì cần tiêm 86% dân số. Tuy nhiên, miễn dịch sau tiêm phòng thường chỉ đạt 80-85% số người được tiêm. Do vậy, việc đạt ngưỡng MDCĐ 85% nói trên là tuyệt đối để dịch ngừng lại. Tóm lại, ngưỡng MDCĐ là tỷ lệ người có miễn dịch tối thiểu để dịch không còn lây lan nữa, việc tiêm vắc xin sớm nhất là yếu tố quan trọng để thực hiện điều này.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn xã Trường Yên (Hoa Lư). Ảnh: Quang Minh

Phóng viên: Thưa bác sỹ, trong 8 đợt tiêm phòng vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã tiêm phòng được trên 661 nghìn liều, với nhiều loại vắc xin. Ngành Y tế đã chuẩn bị các điều kiện gì để tiêm phòng an toàn?

Bs Lê Hoàng Nam: Tính đến ngày 27/10/2021, tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận từ nhiều nguồn 96.241 liều vắc xin phòng COVID-19, do Bộ Y tế phân bổ và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tặng, gồm chủ yếu 4 loại vắc xin là AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Sputnik V. Theo đó, cộng dồn tất cả các nguồn được tiêm, toàn tỉnh đã tổ chức 8 đợt tiêm phòng, đã tiêm trên 661 nghìn liều vắc xin cho các đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên.

Đến nay, số người tiêm 1 mũi là trên 564 nghìn người, chiếm trên 87,5% dân số từ 18 tuổi trở lên; số người tiêm đủ 2 mũi là trên 97 nghìn người, chiếm trên 15,3%. Để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện tiếp nhận vắc xin, bảo quản đúng quy trình và phân bổ về các điểm tiêm theo đúng kế hoạch.

Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng của vắc xin, Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ hệ thống dây truyền lạnh để bảo quản vắc xin COVID-19, có cán bộ theo dõi nhiệt độ hàng ngày để đảm bảo chất lượng vắc xin. Cùng với đó, lực lượng làm nhiệm vụ và phục vụ công tác tiêm chủng được tập huấn kỹ càng, qua các đợt tiêm đều được đánh giá, rút kinh nghiệm. Đồng thời, công tác truyền thông cũng rất tích cực để người dân hiểu mục đích, tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn tiêm chủng tại cơ sở trong thời gian thực hiện tiêm vắc xin COVID-19, các điểm tiêm đều được bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, thuốc (hộp thuốc chống sốc, oxy, máy đo SPO2 cầm tay...) và có phương án sẵn sàng, kịp thời xử lý các phản ứng sau tiêm chủng.

Đồng thời, trong quá trình tiêm, người dân được hướng dẫn nên có thể dễ dàng tự phát hiện các triệu chứng, biểu hiện bất thường sau khi tiêm vắc xin để đi khám và được xử trí kịp thời. Ngành Y tế Ninh Bình đánh giá, công tác tiêm vắc xin COVID-19 tại Ninh Bình đến nay đã thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong quá trình tiêm không xảy ra sai sót, đảm bảo an toàn tiêm chủng và công tác phòng, chống dịch.

Phóng viên: Theo bác sỹ, việc tiêm muộn mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 có ảnh hưởng đến hiệu lực bảo vệ?

Bs Lê Hoàng Nam: Hiện nay, tại Việt Nam và tỉnh Ninh Bình đã và đang sử dụng 5 loại vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho người dân, gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna và Sinopham. Nhà sản xuất các loại vắc xin này đều khuyến cáo cần tiêm đủ 2 mũi. Theo nhà sản xuất, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của các loại vắc xin là khác nhau, cụ thể là: AstraZeneca từ 8-12 tuần; Sputnik V là 3 tuần; Pfizer 3 tuần; Sinopharm là 3-4 tuần; Moderna là 28 ngày.

Tuy nhiên, trong tình trạng khan hiếm vắc xin trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, đang có hực tế người đã tiêm mũi 1 nhưng quá thời hạn vẫn chưa được tiêm mũi 2. Những khuyến cáo về mốc thời gian (khoảng cách giữa hai mũi tiêm) mà nhà sản xuất đưa ra là mốc lý tưởng nhất, trong bối cảnh dồi dào và sẵn nguồn vắc xin. Còn trong tình trạng thiếu vắc xin như hiện nay ở Việt Nam, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo không đòi hỏi người dân phải tiêm lại từ đầu.

Đến nay, chưa có thời gian quy định tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu. Khi được tiêm mũi 1, người được tiêm đã được bảo vệ ở một mức độ an toàn nhất định. Đối với các quốc gia không cung cấp đủ vắc xin ngay lập tức như Việt Nam, thì có thể tập trung vào việc tiêm mũi 1 cho càng nhiều người càng tốt, điều đó có nghĩa là có thể kéo dài thời gian mũi 2 nhiều hơn khuyến cáo.

Thực tế tại Ninh Bình, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng kế hoạch thật khoa học để tiêm mũi 2 cho người dân đúng theo khoảng thời gian mà Bộ Y tế và các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 khuyến cáo về khoảng thời gian giữa 2 mũi tiêm.

Phóng viên: Thưa bác sỹ, hiện Ninh Bình đang rà soát, tiến tới tiêm phòng cho trẻ em dưới 18 tuổi? Việc tiêm phòng cho đối tượng này có ý nghĩa như thế nào trong công tác phòng, chống dịch hiện nay?

Bs Lê Hoàng Nam: Ngày 14/10/2021, Bộ Y tế đã có công văn 8688/BYT-DP gửi cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Theo đó, Bộ Y tế cho biết sẽ mở rộng đối tượng tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 -17 tuổi, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.

Loại vắc xin sử dụng là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vắc xin được sử dụng 2 liều cơ bản cho mỗi trường hợp và tiêm cùng loại vắc xin.

Ninh Bình hiện đang triển khai rà soát, thống kê số lượng trẻ em từ 12-17 tuổi để chuẩn bị tổ chức tiêm chủng phòng bệnh COVID-19 cho nhóm đối tượng này ngay sau khi nhận được phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế. Việc tiêm phòng cho trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin, tiến tới đạt MDCĐ nhanh nhất có thể.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sỹ!

Mai Phương (Thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tiem-vac-xin-phong-covid-19-cho-toan-dan-de-tao-mien-dich/d20211029083735905.htm