Tiêm vaccine COVID-19 giúp giảm nguy cơ đau tim?

Theo RT, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh đã khẳng định việc tiêm vaccine phòng COVID-19 không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh mà còn giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) của gần 46 triệu người được thực hiện bởi các trường đại học Cambridge, Bristol và Edinburgh.

Một trung tâm tiêm chủng COVID-19 ở London, Vương quốc Anh, ngày 28/4/2023. (Nguồn: Getty Images)

Một trung tâm tiêm chủng COVID-19 ở London, Vương quốc Anh, ngày 28/4/2023. (Nguồn: Getty Images)

Theo Tiến sĩ Samantha Ip từ Đại học Cambridge, tác giả chính của nghiên cứu: "Chúng tôi đã phân tích dữ liệu từ 45,7 triệu người lớn ở Anh và phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch phổ biến như đau tim và đột quỵ không cao hơn hoặc thậm chí thấp hơn so với trước khi tiêm hoặc không tiêm vaccine".

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, thời điểm mà hơn 90% dân số Vương quốc Anh trên 12 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Nhóm nghiên cứu đã xem xét tỷ lệ mắc các biến cố tim mạch trước và sau khi tiêm vaccine, dựa trên dữ liệu liên kết từ các phòng khám đa khoa, hồ sơ nhập viện, tử vong.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy, tỷ lệ đau tim và đột quỵ đã giảm gần 10% trong khoảng thời gian 13-24 tuần sau mũi tiêm đầu tiên. Con số này giảm xuống còn 27% sau mũi tiêm thứ hai của vaccine AstraZeneca; giảm 20% sau mũi tiêm thứ hai của Pfizer.

William Whiteley, Phó giám đốc Trung tâm Khoa học Dữ liệu BHF và giáo sư tại Đại học Edinburgh nhấn mạnh: "Nghiên cứu này cung cấp thêm sự yên tâm về tính an toàn tim mạch của các liều vaccine COVID-19, bao gồm cả liều đầu tiên, thứ hai và liều tăng cường". Ông cũng chỉ ra rằng lợi ích của liều thứ hai và liều tăng cường vượt trội so với những biến chứng tim mạch rất hiếm gặp.

Nghiên cứu cho thấy rằng các loại vaccine ngừa COVID-19 như Pfizer và Moderna (dùng công nghệ mRNA) có thể gây ra một số vấn đề về tim ở một số người, trong khi vaccine AstraZeneca (dùng vector virus) có thể liên quan đến tình trạng giảm tiểu cầu. Tuy nhiên, đây là những tác dụng phụ hiếm gặp và các nhà khoa học đã tìm thấy thêm bằng chứng cho thấy việc tiêm vaccine vẫn rất an toàn, hiệu quả.

Tiến sĩ Samantha Ip nhấn mạnh rằng chương trình tiêm chủng đã chứng minh khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 nghiêm trọng và cứu sống hàng triệu sinh mạng trên toàn thế giới.

Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật hồi quy Cox để tính toán khả năng xảy ra các sự kiện bất lợi sau khi tiêm vaccine. Các nhà nghiên cứu đã xem xét nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, các bệnh khác và tiền sử mắc COVID-19 để có kết quả chính xác nhất. Họ đã tính toán khả năng xảy ra sự kiện này trong một khoảng thời gian nhất định sau khi tiêm vaccine, độ tin cậy của kết quả này là 95%.

Một số người phản đối việc tiêm chủng đưa ra các lý do như: vaccine chưa được thử nghiệm đủ lâu để đảm bảo an toàn, vaccine không thể ngăn ngừa hoàn toàn việc lây nhiễm và có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người có sức khỏe tốt.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tiem-vaccine-covid-19-giup-giam-nguy-co-dau-tim-16924080308552441.htm