Tiêm vaccine là giải pháp cấp bách để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Từ đầu tháng 5/2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt tại tỉnh Bắc Kạn. Trước tình hình này, việc thúc đẩy tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là giải pháp cấp bách…

Tiêm vaccine AVAC ASF LIVE cho lợn tại xã Huy Tân, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh Chu Khôi.

Tiêm vaccine AVAC ASF LIVE cho lợn tại xã Huy Tân, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh Chu Khôi.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết dịch tả lợn châu Phi đã và đang gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Từ đầu năm 2024 đến ngày 12/7/2024, cả nước đã xảy ra 632 ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 40.500 con lợn.

So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch tả lợn châu Phi tăng gấp 2,4 lần và số lợn bị chết và buộc tiêu hủy tăng gấp 3,25 lần. Dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình.

BẮC KẠN TRIỂN KHAI ĐỒNG LOẠT TIÊM PHÒNG VACCINE DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại Việt Nam đã có 2 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi được cấp phép lưu hành thương mại, gồm: Vaccine AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất; Vaccine NAVET- ASFVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất. Thực tế cho thấy các vaccine này đều cho hiệu quả rất cao, đạt miễn dịch lên đến 97-99%.

Tuy nhiên, số lượng lợn được tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi ở nước ta vẫn rất thấp, nguyên nhân do người dân vẫn còn thờ ơ, chưa quan tâm đến việc tiêm vaccine. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng ước tính số lợn được tiêm vaccine từ đầu năm đến nay chỉ khoảng 2-3 triệu con, quá ít so với tổng đàn lợn 28,6 – 28,7 triệu con của cả nước.

Theo Cục Thú y, hầu hết các ổ dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra là ở những đàn lợn chưa được tiêm phòng Vaccine. Trong khi những lợn được tiêm vaccine AVAC ASF LIVE hoặc vaccine NAVET- ASFVAC hầu như không bị dịch tả lợn châu Phi. Một số trường hợp tiêm vaccine vẫn bị nhiễm bệnh, kiểm tra cho thấy người dân đã mua nhầm phải vaccine rởm, chưa được cấp phép bán trôi nổi trên thị trưởng.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh đề nghị tập trung mọi nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp để kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, có nhấn mạnh đến giải pháp thúc đẩy tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho lợn.

Những đàn lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi, tỷ lệ chết có thể lên đến 100%. Virus dịch tả lợn Châu Phi có thể tồn tại lâu dài trong môi trường và các sản phẩm thịt lợn. Do đó việc tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi là giải pháp trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”.

Tại tỉnh Bắc Kạn, tính từ đầu năm đến ngày 10/7/2024, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.188 hộ dân thuộc 624 thôn của 98/108 xã, thuộc 8 huyện, thành phố. Dịch bệnh đã làm 15.629 con lợn chết, phải tiêu hủy với khối lượng 591.690 kg, chiếm hơn 40% số lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi của cả nước. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi quét tan hoang Bắc Kạn, nhiều thôn, xã trắng không còn lợn nuôi do lợn bị dịch, chết và tiêu hủy hết. Nhiều hộ chăn nuôi phải bỏ không chuồng trại, chờ dịch chấm dứt mới tái nuôi trở lại.

Ngày 12/7/2024, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch số 467/KH-UBND về việc triển khai đồng loạt tiêm vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi năm 2024 từ ngày 12/7 đến ngày 30/8/2024.

Theo đó, tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung và ưu tiên tiêm phòng theo thứ tự từ địa bàn các thôn, xã chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi, đến các xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch và địa bàn các thôn chưa có dịch thuộc các xã đã công bố dịch. Hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi lựa chọn, sử dụng một trong hai loại vacxin đã được cấp phép lưu hành gồm: vacxin NAVET- ASFVAC hoặc vacxin AVAC ASF LIVE.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát và hướng dẫn kỹ thuật, cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ xử lý sự cố trong quá trình tiêm phòng vaccine dịch tả lợn Châu Phi tại cơ sở. Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi hằng ngày áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh.

SƠN LA KHỐNG CHẾ DỊCH THÀNH CÔNG NHỜ TIÊM VACCINE

Thông tin về tình hình dịch bệnh và tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi của tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Sơn La, cho biết tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện khoảng hơn 700 nghìn con. Từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Sơn La lần đầu tiên triển khai một đợt thí điểm cấp ngân sách nhà nước hỗ trợ mua vaccine dịch tả lợn châu Phi để chống dịch.

Đầu năm nay, tại huyện Phù Yên xảy ra 3 ổ dịch tả lợn châu Phi, đã sử dụng ngân sách được cấp mua 700 liều vaccine AVAC ASF LIVE để tiêm bao vây các ổ dịch. Đến nay, có 2 xã đã công bố hết dịch và một xã đã qua 21 ngày không phát sinh thêm lợn bệnh, hiện đang làm báo cáo và thủ tục để công bố hết dịch.

“Tại huyện Phù Yên, sau khi tiêm vaccine, tất cả các con lợn này đều khỏe mạnh, không có biểu hiện bỏ ăn hoặc ốm. Sau tiêm được 28 ngày, Chi Cục Chăn nuôi thú y đã tổ chức lấy 40 mẫu để xét nghiệm, kết quả tất cả các mẫu đều có kháng thể bảo vệ. Hiện nay, tất cả các lợn này đều đã được các hộ xuất chuồng bản thịt”, ông Toàn khẳng định.

Tại xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, vào giữa tháng 5/2024 cũng xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi. Do không có ngân sách nhà nước hỗ trợ, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân tự bỏ tiền ra mua vaccine AVAC ASF LIVE để tiêm bao vây ổ dịch. Người dân xã Chiềng Sơn đã tiêm 2.000 liều vaccine, đến thời điểm này đã hết dịch và tất cả lợn được tiêm phòng đều khỏe mạnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Toàn thừa nhận tỷ lệ lợn tiêm vaccine tại tỉnh Sơn La rất thấp. Thống kê chưa đầy đủ, ước người dân toàn tỉnh mới chỉ tiêm khoảng 20 nghìn liều vaccine trên tổng đàn khoảng 700 nghìn con.

"Ngân sách của các tỉnh miền núi không dồi dào. Tỉnh Sơn La có chính sách hỗ trợ một phần vaccine cho người dân, tuy nhiên không thể bao được cho mọi đối tượng dịch bệnh. Hàng năm, tỉnh chỉ hỗ trợ vaccine lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dại chó, nhiệt thán cho một số vùng, nên không cân đối được kinh phí để hỗ trợ vaccine dịch tả lợn châu Phi" ông Toàn nêu thực tế; đồng thời cho biết một số quy định, chính sách đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

Cụ thể, Quyết định số 972/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020 - 2025", được ban hành ngày 7/7/2020. Thời điểm đó, Việt Nam chưa sản xuất được vaccine dịch tả lợn châu Phi, nên trong chương trình này không đề cập đến việc tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi. Trong danh mục các bệnh vật nuôi bắt buộc phải tiêm phòng vaccine (được ban hành đã nhiều năm) cũng không có dịch tả lợn châu Phi.

Do đó, ông Toàn kiến nghị Bộ Nông nghiệp bổ sung quy định, đưa dịch tả lợn châu Phi vào danh mục các bệnh bắt buộc phải tiêm vaccine.

"Trước mắt chưa có quy định, chúng tôi đã họp, bàn với các cấp huyện, xã và đưa ra chủ trương: Những loại bệnh trong danh mục bắt buộc phải tiêm phòng, thì người dân buộc phải tiêm phòng. Những bệnh chưa bắt buộc phải tiêm phòng, như dịch tả lợn châu Phi thì chỉ khuyến cáo vận động người dân tiêm phòng. Với chủ trường xã hội hóa, chúng tôi đang vận động bà con nông dân tự bỏ tiền ra mua vaccine để tiêm phòng dịch cho lợn. Đây là bệnh không thể kiểm soát được nếu không có vaccine”, ông Toàn nhấn mạnh

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tiem-vaccine-la-giai-phap-cap-bach-de-ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi.htm