Tiêm vaccine phòng Covid-19 trên tinh thần minh bạch và tự nguyện

Thời gian qua, Tây Ninh đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng Covid-19. Đây được xem là giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, tạo miễn dịch cộng đồng, góp phần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Tiêm nhắc vaccine mũi hai cho người dân huyện Tân Châu. Ảnh: Dương Đức Kiên

Tiêm nhắc vaccine mũi hai cho người dân huyện Tân Châu. Ảnh: Dương Đức Kiên

Nhiều đối tượng ưu tiên được tiêm chủng

Trong những đợt tiêm chủng vaccine được triển khai thời gian qua, người dân thuộc diện đối tượng ưu tiên đã được tiêm phòng nhanh chóng, thuận lợi theo đúng quy định và chỉ đạo của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Tấn Hạp, một người dân ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh, tháng 9.2021, ông và vợ đều đã tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19, vì thuộc diện đối tượng ưu tiên là người trên 60 tuổi.

Quá trình đăng ký tiêm chủng rất thuận lợi, mặc dù đã đăng ký tiêm chủng trực tuyến nhưng ông vẫn được địa phương đến nhà ghi tên. “Là người có bệnh nền, sức khỏe không tốt, tôi rất vui mừng, cảm thấy yên tâm hơn khi được tiêm đủ 2 liều vaccine”- ông Hạp nói.

Thuộc diện đối tượng ưu tiên tiêm chủng trong đợt tiêm chủng tháng 10.2021, Nguyễn Thị Thanh Thảo, ngụ Thị trấn huyện Tân Biên, sinh viên một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhận được thông tin về việc ưu tiên tiêm chủng cho học sinh, sinh viên, Thảo nhanh chóng đến phường đăng ký.

“Sau vài ngày đăng ký, tôi đã nhận thông báo đi tiêm. Tôi rất vui mừng khi được tiêm chủng kịp thời, nhanh chóng, để có thể quay lại học theo kế hoạch của trường”- chị Thảo nói.

Minh bạch, công khai trong công tác tiêm phòng

Trong quá trình đăng ký tiêm chủng xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế khiến nhiều người dân hoang mang, vì đã đăng ký rất lâu hoặc quá hạn tiêm mũi 2 nhưng vẫn chưa được tiêm chủng.

Chị Hà Thị Kim Yến (SN 1991), ngụ xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành cho biết, gia đình chị gồm 4 người, trong đó có 2 người trên 50 tuổi đều chưa được tiêm vaccine dù đã đăng ký gần 3 tháng nay. Gia đình chị hy vọng được tiêm phòng sớm để có thể đi làm trở lại.

Giải đáp thắc mắc của người dân trong việc chậm trễ tiến độ tiêm chủng, ông Nguyễn Đức Hảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hòa Thành cho biết, trong thời gian qua, người dân trên địa bàn đăng ký tiêm phòng, nếu phù hợp với tiêu chí ưu tiên theo quy định của từng đợt tiêm sẽ được Thị xã thông báo đến tiêm chủng. Đến nay, theo thống kê của địa phương, thị xã Hòa Thành có 66.000 người đăng ký tiêm qua các hệ thống tiêm chủng điện tử.

Tuy nhiên, số lượng vaccine Hòa Thành được phân bổ đến ngày 10.10.2021 là 60.000 liều, chỉ đủ triển khai tiêm mũi 1 và mũi 2 cho 37.000 người. Vì vậy, vẫn có số lượng lớn người dân đã đăng ký đến nay chưa được tiêm.

Việc tiêm không đúng đối tượng có xảy ra 1 trường hợp trên địa bàn. Khi phát hiện sai sót trong tiếp nhận thông tin đối tượng tiêm chủng, địa phương đã kiểm tra, nhắc nhở điểm tiêm thực hiện đúng quy định. Trong đợt tiêm tháng 9.2021 vừa qua, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành xảy ra việc tiêm vaccine không phù hợp cho đối tượng tiêm chủng, địa phương phát hiện kịp thời và cho dừng, điều chuyển vaccine phù hợp để tiêm trả mũi 2 cho người dân theo đúng quy định.

Tương tự, tại thành phố Tây Ninh, công tác triển khai tiêm chủng gặp không ít khó khăn trong xử lý và tiếp nhận thông tin đăng ký tiêm chủng. Theo ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Thành phố thống nhất quan điểm việc tiêm vaccine phải đúng đối tượng tiêm. Các phường, xã chịu trách nhiệm hỗ trợ người dân đăng ký tiêm chủng.

Những người đăng ký trước sẽ được tiêm sớm. Cũng có nhiều trường hợp đăng ký sai sót thông tin, gây chậm trễ trong việc tiếp nhận thông báo. Đến nay, Thành phố có 32.000 người tiêm đủ 2 mũi, chỉ chiếm khoảng 35% đối tượng được tiêm. Hiện còn rất nhiều người đăng ký nhưng chưa được tiêm.

Giải đáp thắc mắc của người dân về việc nhiều người vừa đăng ký đã được tiêm chủng, trong khi có người đăng ký từ lâu vẫn chưa được tiêm, lãnh đạo UBND thành phố Tây Ninh cho biết, việc các đối tượng vừa đăng ký đã được tiêm đều là những đối tượng phù hợp với tiêu chí ưu tiên theo quy định.

Một số trường hợp, dù không thuộc đối tượng ưu tiên, nhưng là người trong các khu vực phong tỏa cũng được tiêm sớm để ngăn chặn các nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các đối tượng nhận được tin nhắn tiêm chủng nhưng đang thực hiện cách ly sẽ được địa phương tạo điều kiện tiêm chủng sau khi hoàn thành cách ly.

Hiện thành phố Tây Ninh đang tăng tốc triển khai tiêm chủng cho người dân theo lượng vaccine được phân bổ. Về quy trình tiêm chủng, lãnh đạo Thành phố nhận định tương đối ổn định, hiệu quả. Thành phố tiếp tục hỗ trợ đăng ký tiêm chủng cho các đối tượng yếu thế để việc tiêm chủng được triển khai một cách công bằng.

Nhiều người dân đã được tiêm chủng sau thời gian đăng ký. Ảnh chụp tại điểm tiêm Nhà thi đấu Tây Ninh (đường Hoàng Lê Kha, phường 3, thành phố Tây Ninh)..

Nhiều người dân đã được tiêm chủng sau thời gian đăng ký. Ảnh chụp tại điểm tiêm Nhà thi đấu Tây Ninh (đường Hoàng Lê Kha, phường 3, thành phố Tây Ninh)..

Tăng cường giám sát trong tiêm chủng

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế, công tác tiêm chủng được triển khai theo tinh thần công bằng, minh bạch và tự nguyện; ưu tiên từng đối tượng trong mỗi đợt tiêm, như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, học sinh, sinh viên, nhân viên các ngành dịch vụ thiết yếu...

Tuy nhiên, công tác triển khai tiêm chủng cho người dân gặp một số khó khăn, gây chậm trễ, trong đó, việc vaccine về từng đợt chưa kịp thời và không đúng loại đã tiêm mũi 1 dẫn đến thời gian người dân chờ đợi lâu hơn thời gian tiêm mũi 2 theo quy định.

Bên cạnh đó, việc người dân đăng sai thông tin cá nhân cần sửa chữa nhiều lần gây khó khăn cho công tác tiếp nhận, xử lý thông tin đăng ký tiêm chủng cho người dân cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ tiêm chủng.

Để bảo đảm quy trình tiêm chủng được triển khai công bằng, minh bạch, Sở Y tế giám sát xử lý thông tin và quy trình tiêm bằng nhiều hình thức: thông qua báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương; trích xuất số liệu từ phần mềm quản lý để biết số lượng tiêm được triển khai như thế nào, có đúng đối tượng hay không; giám sát qua các cuộc họp với Ban Chỉ đạo các huyện, thị, thành phố.

Mặt khác, Sở Y tế tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra trực tiếp các điểm tiêm về quy trình tiếp nhận và tiêm chủng; đồng thời ban hành nhiều văn bản nhắc nhở các điểm tiêm thực hiện đúng quy trình tiêm chủng.

Ngoài ra, để bảo đảm tính minh bạch, danh sách tiêm sẽ được công khai, người dân có thể theo dõi và yêu cầu điểm tiêm kiểm tra thông tin trước khi tiêm. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục giám sát quy trình tiêm, người dân thắc mắc về vấn đề tiêm chủng có thể phản ánh đến cơ quan chức năng để đơn vị chấn chỉnh, thực hiện tốt quy trình tiêm chủng.

Bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế cũng thông tin, đến nay, Tây Ninh được phân bổ 1,3 triệu liều vaccine các loại. Trong đó, tỉnh đã tiêm 800 ngàn liều, còn lại 500 ngàn liều đang triển khai tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người dân.

Về tỷ lệ tiêm chủng, hiện số người tiêm đủ 2 mũi trên địa bàn tỉnh là 30%, tiêm mũi 1 đạt 50%. Dự kiến đến ngày 18.10.2021, tỉnh đạt được gần 80% người dân được tiêm mũi 1. Để tạo miễn dịch cho cộng đồng, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, công tác tiêm phòng vaccine được đẩy mạnh. Hiện công tác tiêm chủng đang được triển khai tăng tốc với mục tiêu đạt tỷ lệ 85% dân số tiêm vaccine phòng Covid-19 vào cuối năm 2021.

Để quy trình tiêm chủng được triển khai thuận lợi, Sở Y tế mong muốn có sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng khác và sự chia sẻ, động viên từ cộng đồng. Các địa phương, cơ quan chức năng cần quan tâm, chỉ đạo sát sao quy trình tiêm chủng và hỗ trợ về mặt tinh thần, vật chất để người dân an tâm hơn khi tham gia tiêm chủng. Bên cạnh đó, người dân phải tỉnh táo trước những thông tin sai lệch về vaccine, tin tưởng chính quyền và tiêm phòng sớm nhất có thể để tạo được miễn dịch cộng đồng.

Ngọc Bích

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế, để quản lý chặt chẽ quy trình tiêm chủng, Tây Ninh áp dụng nguyên tắc “tiêm mũi 1 ở đâu, tiêm mũi 2 ở đó”. Đối với người dân trở về từ địa phương khác đã tiêm mũi 1, cần có giấy chứng nhận tiêm và đăng ký tiêm chủng mũi 2 qua hệ thống đăng ký trực tuyến để được tiêm chủng kịp thời.

Có 2 cách đăng ký tiêm chủng cơ bản: đăng ký trực tuyến và đăng ký trực tiếp.

Người dân có thể đăng ký trực tuyến thông qua các ứng dụng: Tây Ninh Smart, Cổng thông tin điện tử Tây Ninh, Sổ sức khỏe điện tử, trang đăng ký tiêm chủng quốc gia tiemchungcovid19.gov.vn.

Ngoài ra, người dân thuộc các diện ưu tiên phải đăng ký thêm bằng hình thức thứ 2 qua phường, xã áp dụng cho các đối tượng ưu tiên trong từng đợt tiêm: người trên 60 tuổi, phụ nữ có thai, học sinh, sinh viên… do hệ thống không lọc chỉ tiêu này nên cần đăng ký trực tiếp để ưu tiên tiêm chủng. Đối với các cơ quan, doanh nghiệp phải đăng ký tại Ban Chỉ đạo địa phương để tiêm tập trung cho đơn vị.

Người dân ở vùng sâu, vùng xa không có phương tiện công nghệ, người dân ở Campuchia về Việt Nam không có giấy tờ tùy thân... phải đăng ký trực tiếp tại địa phương để được tiêm chủng kịp thời.

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tiem-vaccine-phong-covid-19-tren-tinh-than-minh-bach-va-tu-nguyen-a138158.html