Tiền ảo Pi Network lên sàn, giá liên tục 'nhảy múa': Chuyên gia cảnh báo
Hôm qua 20/2, tiền ảo Pi Network đã được niêm yết và có thể giao dịch trên một số sàn, khiến dân đào Pi nhiều năm qua sốt xình xịch, lập tức truy cập để giao dịch.
Tuy nhiên, trước cơn say của nhiều "Pi thủ", các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, đầu tư tiền ảo giống như một hoạt động đầu cơ, người ta đổ tiền vào, mong một ngày giá lên cao để bán lấy lãi. Thế nhưng yếu tố nào khiến giá trị của những đồng tiền ảo tăng lên thì gần như không ai trả lời được. Như vậy không khác gì đánh bạc, dù cơ hội kiếm lời vẫn có nhưng rủi ro lại nhiều hơn.
Ông Dũng phân tích, khác với những loại hình đầu tư tài chính khác là nhà đầu tư có thể có những căn cứ thị trường để tính được sự lên xuống thì với tiền ảo, hầu như các quốc gia trên thế giới đều chưa công nhận, do đó đầu tư vào mô hình này sẽ kèm theo nguy cơ dễ mất thanh khoản.

Tiền ảo Pi Network lên sàn OKX. (Ảnh minh họa)
"Ví dụ như với Bitcoin, một nhà sản xuất đồng ý cho khách mua ô tô bằng đồng tiền ảo này thì ngay lập tức giá trị của nó sẽ tăng lên. Thế nhưng, chỉ cần ngày hôm sau họ nói không cho mua xe bằng tiền ảo nữa thì giá trị lại nhanh chóng đi xuống. Như vậy, không có quy luật nào để tính giá lên xuống của loại hình tài chính này", ông Dũng dẫn chứng.
Tiền ảo Pi Network chắc chắn cũng không phải ngoại lệ. Trong ngày giao dịch đầu tiên, giá đồng tiền này cũng liên tục "nhảy múa", không thể dự đoán được xu hướng. Chỉ 1 phút sau khi "lên sàn" OKX, Pi Network đã có giá 2 USD/Pi, thậm chí có lúc lên gần 3 USD. Nhưng khoảng 30 phút sau đó, giá trị của đồng Pi đã nhanh chóng tụt xuống mức 0,9 USD/Pi, rồi lại tăng lên 1,6 và về 1,1 USD.
Trong khi đó, trên sàn Bitget, tiền ảo này lại có mức giá hoàn toàn khác. Trong 1 phút đầu tiên sau khi "lên sàn", giá trị của Pi tại Bitget đã đạt 3,4 USD.
Với góc nhìn của một chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, ông Dũng hướng tới mục tiêu giữ an toàn cho nguồn tài chính của nhà đầu tư, do đó, ông khuyến cáo "Pi thủ" cần cân nhắc thật kỹ khi tìm tới kênh đầu tư tiền ảo mới là Pi Network.
Nhận định về sự kiện đồng tiền Pi Network lên sàn, ông Dũng cho rằng cần theo dõi thêm các biến động của thị trường khi có thể nhìn thấy, trong ngày đầu lên sàn, lượng đồng Pi được "xả hàng" rất lớn khiến giá trị giảm mạnh so với giá mở cửa.
"Trước đây, người đầu tư có thể kiếm Pi miễn phí bằng điện thoại thông minh. Thời gian nhiều năm qua, lượng tiền ảo này được tích cóp khá lớn, nên đến khi được lên sàn thì hiện tượng thi nhau xả hàng đã xảy ra. Thực tế, chưa ghi nhận các trường hợp bán được Pi trên sàn giao dịch. Do đó, nhiều người tìm đến các kênh thu gom trên chợ đen để kiếm lời. Điều này có thể xảy ra trong ngắn hạn, đem lại tiền lời với những người xả hàng. Thế nhưng, với những nhà đầu tư có ý định đổ tiền vào để ôm hàng sẽ xuất hiện rất nhiều rủi ro", ông Dũng phân tích.
Ngoài ra, hôm qua, App Pi Network gặp sự cố kỹ thuật, khiến nhiều người không thể truy cập. Theo chuyên gia, tình trạng này chứng tỏ hệ thống hạ tầng của tiền ảo này có thể chưa hoàn thiện, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người đầu tư.
Trong khi đó, phân tích ở góc độ pháp lý, nhiều luật sư cho biết, theo các quy định hiện hành, tiền ảo Pi Network không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Quy định pháp luật hiện cũng chưa công nhận tiền điện tử nói chung và tiền ảo Pi Network nói riêng là tài sản. Do đó tính rủi ro của tiền điện tử này rất cao.

Mạng xã hội chia sẻ hình ảnh đồng tiền ảo Pi trên sàn giao dịch OKX. (Ảnh: Facebook)
Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch nhấn mạnh, do pháp luật Việt Nam chưa công nhận các loại tiền ảo nên việc giao dịch, mua bán các loại tiền ảo trên mạng là hoàn toàn không thuộc quyền bảo hộ của pháp luật Việt Nam. Nhà đầu tư vì thế cần cẩn trọng khi giao dịch để tránh mất mát tài sản hoặc bị kẻ xấu lừa đảo.
"Giao dịch tiền ảo hoàn toàn diễn ra trên mạng là giao dịch tự phát với nhau. Pháp luật Việt Nam cũng không bảo hộ cho các hoạt động đầu tư vào những đồng tiền ảo chưa được công nhận. Nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng khi xuống tiền, bởi các đối tượng lừa đảo hoàn toàn có thể làm giả hệ thống để lừa đảo", ông Tuấn Anh nói.
Luật sư Tuấn Anh cũng cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần theo dõi sát diễn biến của hoạt động kinh doanh đồng tiền ảo Pi Network, bởi nếu đây là giao dịch được thế giới công nhận thì cơ quan chức năng cần có cơ chế để nghiên cứu, quản lý các hoạt động đầu tư liên quan.
Cuối tháng 6/2023, Bộ Công an cũng đã phối hợp với công an địa phương để điều tra hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi. Theo đại diện Bộ, các hoạt động liên quan đến Pi tại Việt Nam có dấu hiệu của việc lôi kéo, tiền người trước trả cho người sau trong mô hình kinh doanh dạng nhị phân, đa cấp, do đó người dân cần thận trọng trước hành vi lôi kéo tham gia mô hình tiền ảo có lợi nhuận cao bất thường.
Pi Network ra đời vào năm 2019 và bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam từ đầu năm 2021. Đồng tiền ảo này thu hút nhiều sự chú ý bởi nó được quảng cáo là có thể “đào” thông qua ứng dụng Pi Network trên những chiếc smartphone. Tuy nhiên, dự án này cũng gây ra nhiều tranh cãi về tính minh bạch và rủi ro pháp lý. Một số ý kiến bày tỏ lo ngại rằng Pi Network có thể sớm bị “sập” sau khi mở mạng. Nguyên nhân là do việc khai thác và nhận về đồng Pi đều được thực hiện hoàn toàn miễn phí trong nhiều năm.