Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ được quyết toán theo sản lượng thực tế

Một nội dung mới của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản trên giấy phép khai thác, hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

Chiều 20/6, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận tại tổ về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.

Thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng còn nhiều bất cập

Trình bày tờ trình về dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho hay, một trong những tồn tại của Luật Khoáng sản 2010 là việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập.

Cụ thể, việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt chưa đảm bảo tính chính xác. Thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản mỏ. Trường hợp khai thác không đủ trữ lượng được cấp phép hiện chưa có quy định việc hoàn trả tiền cấp quyền.

Ngoài ra, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cũng có điểm mới về sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn (Điều 52); Cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản (Điều 62)…

Do đó, tại dự thảo Luật, nội dung này được quy định theo hướng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản, hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành quan điểm của Chính phủ trong quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Cơ sở pháp lý của việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, thu thuế tài nguyên được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 121 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế. Luật Tài nguyên nước cũng quy định về hai khoản thu này đối với tài nguyên nước. Tiền cấp quyền khai thác cũng đã được quy định tại Điều 77 Luật Khoáng sản hiện hành, Luật Tài nguyên nước. Số tiền thu về cho NSNN thời gian qua khá lớn.

Tuy nhiên, cũng có các ý kiến đề nghị bỏ quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp khoáng sản. Theo quan điểm này, tất cả nghĩa vụ tài chính nên được thể hiện trong khoản thuế mà doanh nghiệp khoáng sản phải nộp, có thể tăng thuế tài nguyên để bù đắp nguồn thu NSNN do không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Sử dụng vốn ngân sách để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng

Về phương pháp xác định, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, hiện trong cơ quan thẩm tra cũng đang có các loại ý kiến khác nhau.

Kết quả lấy ý kiến thành viên Ủy ban KHCN&MT về nội dung này cho thấy: có 53,5% đồng ý loại ý kiến thứ nhất; 39,5% đồng ý loại ý kiến thứ hai; 4,7% có ý kiến khác; 2,3% không chọn phương án nào.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản và được thu theo năm, quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế như quan điểm của Chính phủ tại dự thảo Luật là phù hợp. Bởi tiền cấp quyền nộp theo năm sẽ giúp doanh nghiệp không mất khoản chi phí lớn tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án. Việc quyết toán tiền cấp quyền theo sản lượng thực tế sẽ giải quyết vấn đề chênh lệch giữa trữ lượng thăm dò với sản lượng thực tế. Ngoài ra, nếu tính tiền cấp quyền chỉ căn cứ trên cơ sở sản lượng thực tế thì có thể trùng với thuế tài nguyên.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định chỉ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế, vì việc tính tiền theo trữ lượng khoáng sản không bảo đảm chính xác, có thể rủi ro cho tổ chức, cá nhân. Có trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy phép, đã nộp tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng, nhưng chưa thể khai thác do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp gặp khó khăn khi rất cần kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản mỏ, nhưng đã phải nộp tiền cấp quyền lớn theo trữ lượng khi chưa phát sinh doanh thu.

Ngoài ra, có ý kiến khác đề nghị nên thu tiền cấp quyền theo đợt (2-3 đợt) thay cho việc thu theo năm, không nên quyết toán theo thực tế vì không phù hợp với bản chất. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu có phương án đảm bảo sự công bằng giữa phương án thu, nộp đối với mỏ đấu giá và không đấu giá.

Các đại biểu tại hội trường Quốc hội chiều 20/6.

Các đại biểu tại hội trường Quốc hội chiều 20/6.

Về thăm dò khoáng sản sử dụng vốn NSNN, một số ý kiến tán thành quy định sử dụng vốn NSNN để tổ chức thăm dò khoáng sản đối với khoáng sản chiến lược, quan trọng và khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn do việc thăm dò loại khoáng sản này thường yêu cầu chi phí lớn và chịu rủi ro cao. Việc bố trí nguồn vốn NSNN để thăm dò đầy đủ trữ lượng, xác định đúng giá trị của mỏ sẽ bảo đảm lợi ích kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh trong hoạt động khoáng sản.

Đối với nội dung này, Ủy ban KH CN&MT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ căn cứ của việc chỉ quy định nguồn vốn sử dụng là "nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản”, căn cứ quy định việc thăm dò khoáng sản sử dụng vốn NSNN không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; giải trình cụ thể hơn tác động của chính sách về lợi ích, chi phí, nguồn lực thực hiện./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tien-cap-quyen-khai-thac-khoang-san-se-duoc-quyet-toan-theo-san-luong-thuc-te-153384.html