Tiền đề quan trọng
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) tại Canada đã khép lại với một dự thảo kỹ thuật và một thỏa thuận họp giữa kỳ để các nước tiếp tục thảo luận trước vòng đàm phán cuối cùng (INC-5) dự kiến ở Busan, Hàn Quốc, vào tháng 11 năm nay.
Tuy không trả lời được câu hỏi gây tranh cãi về việc liệu có nên hạn chế sản xuất nhựa hay không, nhưng kết quả này vẫn mở ra cơ hội tiến tới một thỏa thuận pháp lý quốc tế đầy tham vọng nhằm giải quyết vấn đề mà Ban tổ chức hội nghị gọi là “tai họa toàn cầu” về ô nhiễm nhựa. Đây là điều quan trọng nhất và được coi là bước đột phá tạo tiền đề thuận lợi cho thỏa thuận cuối sau những nỗ lực thương thuyết không mệt mỏi và kéo dài của hơn 2.500 đại biểu từ 176 nước cũng như 480 tổ chức quốc tế có mặt tại vòng đàm phán lần này.
Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Inger Andersen nhận xét các đại biểu đến Ottawa để thúc đẩy đạt được một bộ công cụ toàn cầu đối phó với ô nhiễm nhựa và hy vọng các thành viên sẽ nhất trí có thêm một cuộc họp giữa kỳ trước khi INC-5 diễn ra. Phiên họp giữa kỳ này được kỳ vọng sẽ giúp các bên có thể đạt được sự nhất trí về các vấn đề chính còn tranh cãi. Ngoài ra, việc nhất trí thành lập nhóm soạn thảo kỹ thuật để xem xét các yếu tố của dự thảo thỏa thuận sửa đổi là cần thiết để đảm bảo về mặt pháp lý.
Giờ đây, các nước đã đạt được cả hai mục tiêu đó và con đường để đạt một thỏa thuận đầy tham vọng ở Busan đang mở ra. Tuy nhiên, công việc vẫn còn nhiều, các thành viên cần tiếp tục thể hiện cam kết và tính linh hoạt để đạt được mục tiêu cuối cùng.
Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada Steven Guilbeault cho rằng tất cả các phương án để loại bỏ rác thải nhựa đều đã được đưa ra thảo luận, nhưng chưa rõ liệu các bên có thể hoàn tất trong vòng đàm phán sắp tới hay không. Điểm chung thống nhất trong thỏa thuận toàn cầu bao gồm việc loại bỏ nhựa sử dụng một lần, quy định nhãn mác tốt hơn và tăng cường sử dụng nhựa tái chế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc hạn chế sản xuất nhựa chưa chắc đã là giải pháp duy nhất để đối phó với ô nhiễm nhựa.
Trong suốt các phiên họp của INC-4, các đại biểu đã tập trung đàm phán về dự thảo số 0 sửa đổi được xây dựng sau INC-3. Một số vấn đề khác như khí thải và phát thải, sản xuất và thiết kế sản phẩm, quản lý chất thải nhựa, tài chính và chuyển đổi công bằng là những chủ đề được quan tâm.
Các tổ chức về môi trường mong muốn thúc đẩy một cam kết rõ ràng về việc giảm sản xuất nhựa vì họ cho rằng đây là biện pháp quan trọng để giảm rác thải nhựa, vấn đề cải thiện tái chế hay quản lý vòng đời nhựa sẽ không đủ giải quyết ảnh hưởng và quy mô của ô nhiễm nhựa.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Ottawa, bà Hellen Kahaso Dena, Trưởng nhóm dự án nhựa Vành đai châu Phi của Greenpeace khu vực châu Phi, cho biết tới phiên bế mạc vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về đề xuất của Rwanda và Peru liên quan tới việc giảm sản xuất nhựa nguyên sinh. Các bên hy vọng nội dung này sẽ được đưa vào dự thảo cuối cùng, nhưng thực tế lại không phải vậy. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn hy vọng việc giảm sản xuất nhựa sẽ được cân nhắc cùng với các vấn đề đã được đưa ra như quản lý tốt hơn chất thải nhựa và tái chế nhựa.
Rwanda và Peru đã cùng đưa ra đề xuất yêu cầu các nước tham dự vòng đàm phán này xem xét cắt giảm 40% sản lượng nhựa mới vào năm 2040, trong khi các nhà sản xuất phản đối vì cho rằng làm như vậy sẽ khiến giá thành cao hơn và cản trở việc sản xuất nhựa cần thiết trong các ứng dụng bao gồm quản lý chất thải, chăm sóc sức khỏe và xây dựng. Đây chính là điểm tranh cãi nhiều nhất trong các phiên đàm phán.
Chủ tịch Hội đồng Nhựa thế giới Benny Mermans đã hoan nghênh việc đạt thỏa thuận đàm phán giữa kỳ, nhưng cho rằng nên loại bỏ giới hạn sản xuất. Ông đánh giá việc tùy tiện giới hạn sản xuất, dù có vẻ hợp lý, nhưng sẽ làm giảm đầu tư và đổi mới cần thiết để tạo ra một hệ thống nhựa tuần hoàn và chấm dứt ô nhiễm nhựa.
Số liệu của UNEP cho thấy sản xuất nhựa đã mở rộng theo cấp số nhân trong những thập niên gần đây và thế giới đang sản xuất khoảng 400 triệu tấn nhựa mỗi năm. Trên khắp thế giới, mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa được mua và có tới 5.000 tỷ túi nhựa được sử dụng mỗi năm. 50% số nhựa được sản xuất ra trên thế giới là phục vụ cho mục đích sử dụng một lần.
Đánh giá về các cuộc đàm phán, Trưởng đoàn đàm phán của Ecuador, ông Walter Schuldt, cho biết bất chấp những khác biệt, các quốc gia đại diện có chung tầm nhìn để tiến tới tiến trình đàm phán hiệp ước. Ông Stewart Harris, người phát ngôn thuộc Hiệp hội Hóa chất quốc tế, cho biết các thành viên muốn có một hiệp ước tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng nhựa, được gọi là “tính tuần hoàn”.
Björn Beeler, điều phối viên quốc tế của Mạng lưới loại bỏ chất ô nhiễm quốc tế, nêu rõ: “Chúng tôi đã đạt được một bước tiến lớn sau 2 năm thảo luận. Bây giờ, chúng tôi có văn bản để đàm phán. Cần có nhiều ý chí chính trị hơn nữa để giải quyết tình trạng sản xuất nhựa leo thang ngoài tầm kiểm soát”.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài nguyên Môi trường, nhận xét trước khi đến vòng đàm phán này, các bên đều hy vọng sẽ tìm ra điểm chung và thu hẹp các quan điểm còn trái ngược để hướng tới việc có thể giải quyết những vấn đề ở Busan. Tuy nhiên, qua hơn một tuần làm việc, vẫn còn rất nhiều nội dung chưa được thống nhất và nhiều nội dung trong dự thảo vẫn chưa được các bên thảo luận.
Vì vậy sẽ còn những phiên đàm phán căng thẳng ở vòng tới. Các bên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về các vấn đề như quản lý sản xuất nhựa nguyên sinh, hóa chất trong sản xuất, sản phẩm nhựa dùng một lần. Các nội dung này sẽ được các bên thống nhất thế nào còn là một câu hỏi lớn mà các thành viên tham gia đàm phán sẽ phải giải quyết ở Busan.
Các chuyên gia cho rằng một thỏa thuận pháp lý toàn cầu về nhựa thành công sẽ dẫn đến một điều tương tự như với Nghị định thư Montreal năm 1987, trong đó các quốc gia đồng ý loại bỏ dần các hóa chất gây tổn hại cho tầng ozone. Hiệp ước này ban đầu được 24 quốc gia ký, nhưng giờ đây đã được 197 quốc gia tham gia. Bởi vậy, có thể nói kết quả của INC-4 chính là tiền đề quan trọng cho một thỏa thuận chống ô nhiễm rác thải nhựa trong tương lai.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tien-de-quan-trong-20240502155622069.htm