Tiến độ cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn chậm do vướng mắc giải phóng mặt bằng
Dự án cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, sau gần 5 tháng kể từ lễ khởi công, hiện mới hoàn tất hơn 55% khối lượng bàn giao mặt bằng, gây ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thi công và làm dấy lên lo ngại về khả năng hoàn thành đúng thời hạn.
Theo kế hoạch, toàn tuyến dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, đến cuối tháng 7/2025, khối lượng mặt bằng được bàn giao chỉ đạt 15,96/28,83km, tương đương 55,4%. Nhiều hạng mục then chốt như di dời hệ thống điện, xây dựng khu tái định cư vẫn chưa được triển khai. Bên cạnh đó, việc huy động nhân lực, thiết bị và các trạm thí nghiệm hiện trường của nhà thầu còn hạn chế. Đáng chú ý, chưa có sản lượng thi công nào được nghiệm thu để thực hiện thanh toán.
Dự án triển khai trong điều kiện địa hình phức tạp, hệ thống giao thông tiếp cận còn hạn chế. Mặc dù chỉ có một gói thầu, song việc thi công của liên danh nhà thầu lại thiếu tính liên tục và đồng bộ, tiềm ẩn nhiều bất cập trong công tác triển khai và ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể.

Ảnh minh họa
Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng cảnh báo nguy cơ không hoàn thành đúng cam kết nếu không có giải pháp tổng thể, kịp thời và quyết liệt. Đặc biệt, khu vực dự án hiện đang bước vào mùa mưa, càng làm gia tăng thách thức trong tổ chức thi công trên diện rộng.
Để tháo gỡ các vướng mắc, Bộ Xây dựng yêu cầu Ban Quản lý Dự án 2 – đơn vị chủ đầu tư – và các nhà thầu tăng cường phối hợp với địa phương, đặc biệt sau quá trình sáp nhập tỉnh và tổ chức lại chính quyền hai cấp. Mục tiêu là sớm giải quyết triệt để các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật; hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trong tháng 9/2025.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các bên rà soát lại nhu cầu vốn phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và di dời hạ tầng để làm cơ sở báo cáo, đề xuất bố trí vốn, bảo đảm tiến độ giải ngân năm 2025 và mục tiêu thông xe trong năm 2026. Trong trường hợp phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền, Ban Quản lý Dự án 2 cần chủ động báo cáo Bộ để kịp thời xử lý.
Ngoài ra, chủ đầu tư và nhà thầu có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác cấp phép các bãi đổ thải; đánh giá lại nhu cầu vật liệu xây dựng như đất đắp, cát, đá... nhằm kịp thời điều chỉnh công suất khai thác các mỏ vật liệu nếu cần thiết, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và đáp ứng yêu cầu thi công.
Về công tác tổ chức thi công, Ban Quản lý Dự án 2 được giao nhiệm vụ yêu cầu liên danh nhà thầu bố trí đầy đủ bộ máy nhân sự, thiết bị; vận hành ngay ban điều hành thi công, tiếp nhận và thu dọn mặt bằng, triển khai các thủ tục liên quan để đẩy nhanh tiến độ. Các hạng mục đã có mặt bằng, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết như hầm chui, cống, cọc khoan nhồi, dầm... phải được triển khai toàn bộ trước ngày 30/8/2025.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần khẩn trương xây dựng đường công vụ dọc tuyến, cầu và cống tạm để tạo điều kiện lưu thông vật tư, thiết bị thi công. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng phục vụ thi công như lán trại, bãi đúc dầm, kho chứa vật liệu, thiết bị và các khu đổ thải.
Bộ Xây dựng cũng lưu ý đến việc sử dụng các tuyến đường địa phương làm đường công vụ, đẩy nhanh thủ tục cấp phép thi công tại các vị trí đặc thù như sông Cầu, suối Quận, đường tỉnh 259, quốc lộ 3... Đặc biệt, cần rà soát kỹ các khu vực địa hình phức tạp – nơi có địa hình đồi núi cao, xen kẽ giữa các đoạn tuyến do các nhà thầu khác nhau thi công – để tổ chức phương án triển khai phù hợp.
Cuối cùng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chất lượng các hạng mục như nền đường, mái taluy, cầu, hầm chui dân sinh và hệ thống thoát nước. Chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị giám sát phải thường xuyên kiểm tra nguồn gốc, chất lượng vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định hợp đồng. Trong suốt quá trình thi công, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.