Tiến độ chậm do khó giải phóng mặt bằng
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác đấu thầu trong thực hiện các công trình giao thông trọng điểm phải thực hiện nghiêm túc
Ngày 10-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) - chủ trì hội nghị trực tuyến của Ban với 33 địa phương. Đây là phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo sau khi được thành lập vào ngày 23-7.
Phải thay đổi cách làm
Theo quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT gồm 9 dự án và 31 dự án thành phần, gồm: Ðường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc: Bắc - Nam phía Ðông, Bến Lức - Long Thành, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM; Ðường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP HCM; dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành)...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện nay trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều triển khai các dự án lớn của ngành GTVT (gồm dự án lớn trên 10.000 tỉ đồng phải báo cáo cấp có thẩm quyền; dự án dưới 10.000 tỉ đồng; dự án hợp tác công - tư). Các dự án đã được phân bổ vốn nhưng để giải ngân phải thực hiện theo đúng quy trình, quy định, thủ tục. Khối lượng vốn phải giải ngân rất lớn so với các năm trước, đòi hỏi phải thay đổi về cách làm, trên cơ sở rút kinh nghiệm trong những năm vừa qua.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nêu rõ công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án và cần ưu tiên thực hiện trước một bước để bảo đảm tiến độ. Như dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, triển khai giữa năm 2019, đến nay vẫn còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời; dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương triển khai từ năm 2011 đến nay giải phóng mặt bằng mới đạt 84%...
Theo ông Lâm, một số thời điểm xuất hiện tình trạng khan hiếm, nâng giá, ép giá nguyên vật liệu ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án. Trong 2 năm qua, thời tiết tại một số khu vực có diễn biến bất thường, mưa nhiều và đến sớm hơn thường lệ làm tiến độ thi công một số dự án bị chậm. Đặc biệt, năng lực của một số chủ đầu tư/ban quản lý dự án, của lực lượng tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công xây dựng còn hạn chế, chưa đồng đều.
Đối với các dự án sử dụng vốn vay các tổ chức quốc tế như đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức - Long Thành, thủ tục triển khai phức tạp đan xen giữa các thông lệ quốc tế và các quy định trong nước nên việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng khá phức tạp và kéo dài.
Đồng bộ các giải pháp
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu tới năm 2030 cả nước phải có ít nhất 5.000 km cao tốc, trong khi từ năm 2000 tới năm 2021 cả nước mới hoàn thành được gần 1.100 km cao tốc.
Trước thực tế này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các dự án này, rút kinh nghiệm từ những cách làm hay và cả những hạn chế, bất cập trong nhiều năm qua, trong đó khâu yếu nhất vẫn là tổ chức thực hiện.
Thủ tướng cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, tổng nguồn vốn cho các dự án này là 734.000 tỉ đồng, riêng các dự án cao tốc là hơn 500.000 tỉ đồng, chưa kể các dự án hợp tác công tư, nguồn vốn vay…
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiêm, đồng bộ các giải pháp về nguyên vật liệu cho các dự án theo các nghị quyết của Chính phủ; tăng cường kiểm tra các địa phương, nếu làm không đúng thì kiên quyết thu hồi các mỏ vật liệu và xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan ngay trong tháng 8.
"Công tác chỉ định thầu, đấu thầu phải thực hiện nghiêm túc theo Luật Đấu thầu và Nghị quyết của Chính phủ; Kiểm toán Nhà nước tham gia ngay từ đầu để bảo đảm việc thực hiện đúng quy định" - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công tôn trọng hợp đồng, bảo đảm chất lượng, tiến độ; kiên quyết phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm.
UBND TP Hà Nội và TP HCM khẩn trương triển khai các thủ tục, hoàn thành đúng kế hoạch theo kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng về các dự án đường sắt, nếu vướng mắc thì tiếp tục giải quyết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ ban hành ngay các nghị quyết về các tuyến đường Vành 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM. Các bộ ngành, địa phương khẩn trương phê duyệt các dự án di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật và mỏ vật liệu với các dự án đang triển khai. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, trực tiếp, tránh giấy tờ, thủ tục lòng vòng. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động giải quyết vấn đề liên quan tới các thủ tục vay vốn ODA của các nhà tài trợ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tien-do-cham-do-kho-giai-phong-mat-bang-20220810223411773.htm