Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm
Để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 5 Tổ công tác kiểm tra các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. Với vai trò và trách nhiệm của mình, ngoài việc tham mưu, đề xuất các giải pháp, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp, từ việc đôn đốc phân bổ vốn sớm, đến việc cải cách các thủ tục hành chính trong kiểm soát, thanh toán vốn... Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của cả nước trong 5 tháng đầu năm vẫn chậm.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Bộ Tài chính cho biết, ngay sau khi nhận được văn bản báo cáo phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 của các đơn vị, Bộ Tài chính đã kịp thời thực hiện kiểm tra phân bổ theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Kịp thời giải đáp, tổng hợp vướng mắc làm chậm giải ngân
Ngày 16/6/2023, Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) phối hợp với Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức hội nghị "Tọa đàm về cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hàng năm". Tại hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày, hướng dẫn về quản lý, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành.
Cũng tại hội nghị, Vụ Đầu tư đã kịp thời giải đáp, ghi nhận và tổng hợp các vướng mắc về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công để đưa đến một cách hiểu, cách làm chung nhất, giúp cho công tác giải ngân vốn đầu tư công ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực hơn.
Đối với những đơn vị phân bổ đúng quy định và những dự án đủ điều kiện giải ngân, Bộ Tài chính thực hiện nhập, hoặc phê duyệt ngay dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) để Kho bạc Nhà nước (KBNN) kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời cho các dự án.
Đối với những đơn vị phân bổ không đúng quy định, Bộ Tài chính có văn bản gửi từng đơn vị đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết theo đúng quy định, làm căn cứ để nhập dự toán và kiểm soát thanh toán cho các dự án. Sau khi được kiểm tra phân bổ, cơ bản các đơn vị đã có báo cáo bổ sung, hoặc điều chỉnh lại phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN theo đúng quy định.
Ngoài việc ban hành các văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, Bộ Tài chính (KBNN) đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 đối với 11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, đồng thời đã tích hợp 11 thủ tục hành chính lên cổng thông tin Dịch vụ công quốc gia, trong đó có thủ tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN. KBNN cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về nhân lực, hệ thống để tiếp nhận và xử lý ngay các hồ sơ giải ngân vốn cho các dự án.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã kịp thời tổng hợp tình hình giải ngân của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác điều hành, trong đó đã tổng hợp, báo cáo rõ các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm. Đồng thời phục vụ Tổ công tác của Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, ngành, địa phương theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Mới giải ngân được trên 20% kế hoạch vốn
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hết tháng 5/2023 tổng số vốn đã phân bổ là 692.138,4 tỷ đồng, đạt 97,89% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (707.044,2 tỷ đồng), ước thanh toán vốn đầu tư công nguồn NSNN từ đầu năm đến ngày 31/5/2023 là 157.095,4 tỷ đồng, đạt 20,80% kế hoạch (đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 20,67% kế hoạch và đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và kết quả làm việc của 5 Tổ công tác của Chính phủ, tỷ lệ giải ngân 5 tháng còn thấp là do các bộ, ngành, địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án; hoàn thiện thủ tục đầu tư, tập trung thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp.
Một số dự án có nhu cầu thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 nhưng không được bố trí vốn, vì trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt không tách riêng vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án. Do vậy, dự án không có vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tư.
Một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư còn chậm do vướng mắc về thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng chưa được chủ đầu tư chú trọng triển khai ngay từ khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, chủ đầu tư chưa chủ động ngay từ khâu triển khai thực hiện dự án dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân.
Ngoài ra là các vướng mắc do giá vật liệu xây dựng tăng, quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định về phương án thiết kế đối với dự án không có cấu phần xây dựng.
Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân qua những tháng đầu năm thấp còn có nguyên nhân liên quan đến việc các cơ chế, chính sách mới chưa được cập nhật, chưa có sự thống nhất trong triển khai thực hiện, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thanh, quyết toán vốn, dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã chậm lại càng chậm.
Ông Vũ Đức Trọng - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Bắc Ninh:Rút ngắn tối đa thời gian kiểm soát, thanh toán vốn
Vướng mắc lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công tại Bắc Ninh đang gặp phải là công tác giải phóng mặt bằng. Do nhận thức của người dân, do lịch sử đất cát cực kỳ phức tạp, có nơi vẫn còn tồn tại sự tranh chấp, vì thế lại mất rất nhiều thời gian, không thể giải quyết được. Đây là tồn tại mà tất cả các địa phương đều vướng hiện nay.
Các năm trước Bắc Ninh đứng đầu trong toàn quốc về tỷ lệ giải ngân nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân hơi thấp, hiện mới đạt 18% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Trong số đó vẫn tập trung vào giải phóng mặt bằng là chính, cụ thể là dự án Đường vành đai 4 đã chiếm hàng nghìn tỷ đồng, vì tổng số vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh trong năm 2023 xấp xỉ 8.000 tỷ đồng.
Với trách nhiệm của mình, ngoài việc là thành viên của Tổ công tác của tỉnh để đôn đốc, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, KBNN Bắc Ninh đang tiếp tục tham mưu cho tỉnh những giải pháp tối ưu trong việc tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại để đưa nguồn vốn ngân sách đến nhanh với các dự án, công trình, mang lại hiệu quả cao trong đầu tư công của tỉnh.
Ngoài ra, KBNN Bắc Ninh đã quán triệt tới công chức kiểm soát chi rút ngắn tối đa thời gian kiểm soát. Theo quy định là 1 ngày và 3 ngày giải quyết hồ sơ thanh toán vốn thì bây giờ chúng tôi cố gắng khi chứng từ gửi đến kho bạc đã hoàn thiện và đầy đủ sẽ thực hiện kiểm soát và thanh toán ngay.
KBNN Bắc Ninh cũng lưu ý các chủ đầu tư cần xác định lộ trình giải ngân, có khối lượng đến đâu thì nghiệm thu hoàn thành và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, chứng từ để thanh toán, giải ngân vốn đến đó, hạn chế để dồn hồ sơ thanh toán vào thời điểm cuối năm.
KBNN Bắc Ninh cũng chỉ ra những tình huống sai sót thường lặp đi lặp lại để chủ đầu tư lưu ý, tổ chức kiểm tra, đối chiếu giữa hồ sơ với chứng từ kế toán, bảo đảm thông tin, số liệu đề nghị thanh toán phù hợp với quy định, được kho bạc tiếp nhận, kiểm soát, thanh toán ngay từ lần đầu.
Đồng thời, KBNN Bắc Ninh thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư đẩy mạnh việc thu hồi vốn tạm ứng để các chủ đầu tư thực hiện cuốn chiếu, không làm ảnh hưởng đến vẫn đề quyết toán, nhất là quyết toán dự án hoàn thành sau này.
Ông Đặng Hồng Quang - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Sơn La: Tiếp tục cải cách hành chính giúp giải ngân vốn đầu tư công thuận lợi
Trong những năm gần đây, Sơn La luôn đứng trong top đầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao của cả nước. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Sơn La mới giải ngân được 15% kế hoạch vốn được giao. Những nguyên nhân trong việc giải ngân chậm của Sơn La cũng nằm trong tình hình chung của cả nước.
Mặc dù tỷ lệ giải ngân chưa đạt cao, nhưng các con số và tín hiệu đang ở chiều hướng tích cực, vì trong các chỉ đạo của UBND tỉnh cũng đã có những giải pháp rất cụ thể với sự phối hợp của các sở, ngành và sự tham mưu tích cực của Kho bạc Nhà nước (KBNN) Sơn La.
KBNN Sơn La đã có những tham mưu khá cụ thể, ví dụ như trong việc giải ngân vốn đầu tư có nguồn vốn của năm trước chuyển sang và năm nay. Trong một số trường hợp, khi nhà thầu và chủ đầu tư đã có sự thống nhất về khối lượng, KBNN Sơn La đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện giải ngân bằng nguồn vốn được giao của năm 2023 và không chờ việc chuyển nguồn của năm 2022 chuyển sang. Vì nếu chúng ta cứ chờ đầy đủ việc chuyển nguồn của năm trước sang, thì dự án lại bị chậm về tiến độ giải ngân.
Bên cạnh đó, KBNN Sơn La cũng tích cực trong việc kịp thời báo cáo số liệu về tiến độ giải ngân của các chủ đầu tư. Trong việc thực hiện báo cáo, KBNN Sơn La cũng có 1 cách làm riêng, khác với các tỉnh bạn đó là, đơn vị báo cáo tiến độ giải ngân theo chủ đầu tư để có những chỉ đạo, điều hành kịp thời giúp công tác giải ngân vốn đầu tư công được thuận lợi hơn.
Trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn, KBNN Sơn La tiếp tục cải cách hành chính, đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến và áp dụng linh hoạt 2 phương thức thanh toán vốn là “thanh toán trước, kiểm soát sau” và “kiểm soát trước, thanh toán sau” giúp cho công tác giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương đạt được kết quả cao nhất khi kết thúc năm ngân sách.
Tô Ngọc (ghi)