Tiền Giang: Bứt phá kinh tế - xã hội dựa trên 3 trụ cột 'khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số'

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng cho khoa học - công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS), từ đó đã đạt được những kết quả bước đầu. Để KH&CN, ĐMST và CĐS trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Tiền Giang đang tập trung triển khai thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

Xác định phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS là một trong những công việc trọng tâm, Tiền Giang đã tập trung triển khai thực hiện. Một trong những nội dung quan trọng là đầu tư hoàn thiện hạ tầng. Theo đó, để thúc đẩy hoạt động phát triển KH&CN, tỉnh đã quan tâm đầu tư hoàn thành 2 dự án gồm: Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ; Nâng cao năng lực của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học giai đoạn 2.

Bên cạnh đó, Trung tâm tích hợp dữ liệu (Trung tâm CĐS) được nâng cấp đầu tư bổ sung các thiết bị đảm bảo cho việc duy trì, khai thác cho 29 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, các phần mềm ứng dụng dùng chung của tỉnh và các hệ thống phần mềm chuyên ngành của các sở ngành, hạ tầng truyền thanh không dây để kết nối quản lý đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin.

Với việc tập trung triển khai, hoạt động nghiên cứu khoa học đã đạt một số kết quả nổi bật. Theo đó, ngành KH&CN đã hoàn thiện các quy trình sản xuất để đa dạng hóa các sản phẩm từ nguồn mãng cầu xiêm tỉnh Tiền Giang; nghiên cứu xây dựng các mô hình vườn sầu riêng áp dụng kỹ thuật tiên tiến phục hồi sau hạn, mặn và thích ứng với xâm nhập mặn ở xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy; hoàn thiện các quy trình công nghệ và xây dựng mô hình sản xuất một số sản phẩm từ trái sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Sở KH&CN còn tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đến nay, Sở đã hỗ trợ được 55 DN. Cùng với đó, Sở KH&CN đã triển khai đề tài nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh Tiền Giang. Theo đó, có 20 sản phẩm được xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, đến nay, tỉnh có 10 DN được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN.

Trao giải Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tiền Giang lần thứ 2, năm 2024”.

Trao giải Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tiền Giang lần thứ 2, năm 2024”.

Thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Sở KH&CN đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu mang tên địa danh như: Mai chiếu thủy nu Gò Công, Gạo Gò Công, dưa hấu Gò Công, kẹo khóm Tân Phước, lạp xưởng Cai Lậy. Đồng thời, hỗ trợ theo Nghị quyết 06/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ TSTT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho 23 nhãn hiệu, trong đó, có 11 nhãn hiệu đã được công nhận OCOP 3 sao; 1 nhãn hiệu được công nhận OCOP 4 sao.

Công tác thẩm định, góp ý công nghệ cho các dự án cơ bản đạt được hiệu quả tốt. Sở KH&CN đã cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho hơn 100 tổ chức, cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ gần 230 người. Sở KH&CN đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tại khu vực Quảng trường Hùng Vương, TP. Mỹ Tho.

Song song đó, hoạt động khởi nghiệp, ĐMST được các ngành quan tâm triển khai thực hiện một cách chủ động, bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp như: Tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tiền Giang” thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân với những ý tưởng mới lạ và sáng tạo; tổ chức nhiều lớp tập huấn về khởi nghiệp, ĐMST cho các đối tượng sinh viên, học sinh, DN….

Trong hoạt động CĐS, các cơ sở dữ liệu quốc gia và nhiều cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của tỉnh qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) tỉnh.

Nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh đang từng bước tạo lập, xây dựng, phát triển các phần mềm ứng dụng, hình thành Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đảm bảo phục vụ hiệu quả nhu cầu giao dịch trực tuyến của người dân, DN với các cơ quan nhà nước.

Công tác phát triển, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội rất được tỉnh chú trọng. Hiện HĐND và UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách đào tạo, thu hút cán bộ có trình độ cao về tỉnh công tác với cơ chế đãi ngộ phù hợp.
Hằng năm, UBND tỉnh tổ chức vinh danh những tiến sĩ mới tốt nghiệp nhân Ngày KH&CN Việt Nam (18-5).

Định kỳ 2 năm/lần, UBND tỉnh quyết định thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” cấp tỉnh để kịp thời tôn vinh, biểu dương, khen thưởng những cá nhân có công trình khoa học, đề tài, giải pháp sáng chế được ứng dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực.

Đến năm 2024, Tiền Giang có 3 trí thức được tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu toàn quốc”, 124 tri thức được tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu cấp tỉnh” và 94 tiến sĩ được vinh danh.

Đặc biệt, việc xây dựng Đề án Công viên Phần mềm Mekong Tiền Giang, trung tâm phát triển hạ tầng, dịch vụ công nghệ số; nghiên cứu - phát triển sản phẩm công nghệ số phục vụ cho việc đào tạo và thu hút các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi số, ươm tạo DN công nghệ số.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã lập Dự án hoàn chỉnh thủ tục pháp lý để thực hiện đầu tư khu Công viên phần mềm Mekong.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có hạ tầng Internet cáp quang băng thông rộng, 100% dân cư được phủ sóng thông tin di động với 2.211 trạm thu phát sóng thông tin di động và các khu công nghiệp và khu Công viên Phần mềm Mekong.

Việc CĐS, ứng dụng KH&CN, ĐMST trong hoạt động của cơ quan trong hệ thống chính trị được áp dụng rộng rãi. Hạ tầng mạng viễn thông đã phủ rộng đến các khu phố, ấp; thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại diện tử đã được triển khai đạt được kết quả và từng bước nâng cao tỷ lệ…

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã hoàn thiện tính năng số hóa hồ sơ và kết nối với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Qua đó, đáp ứng quy trình tiếp nhận và xử lý giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thuận lợi; bảo đảm liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã).

Hệ thống thông tin dùng chung hoạt động hiệu quả; trên 3,3 triệu văn bản (năm 2024) trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh; cung cấp 1.165 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 62,53%) và 585 dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 31,4% trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; 1.217 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 70%.

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt 53,85%, với trên 388.880 hồ sơ trực tuyến; trên 3.345 phản ánh, kiến nghị của người dân, DN được tiếp nhận và xử lý qua Tổng đài 1022 Tiền Giang.

Nền tảng chia sẻ, tích hợp LGSP được cài đặt, vận hành tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh và đã thiết lập, kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng thanh toán tập trung quốc gia. Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh (IOC) đang được đẩy nhanh tiến độ vận hành thử nghiệm.

Đề án 06 được triển khai thực hiện nghiêm, quyết liệt; tỷ lệ giải quyết 25 thủ tục hành chính thiết yếu qua dịch vụ công trực tuyến đạt cao; tỉnh triển khai 39 mô hình điểm, với nhiều mô hình tiện ích cho người dân.

Tiền Giang còn tăng cường các hoạt động hợp tác thỏa thuận về hỗ trợ DN CĐS như: Ký kết hợp tác tư vấn chuyển đổi số cho các DN tỉnh Tiền Giang giữa Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang và Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Tiền Giang…

TẬP TRUNG TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ NGHỊ QUYẾT 57

Theo Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang Lê Quang Khôi, trong những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng. Để đạt được những kết quả đó, bên cạnh sự đóng góp của các sở, ban, ngành, KH&CN, ĐMST và CĐS giữ vai trò là động lực thúc đẩy.

Đặc biệt là có những bước đi chủ động, tích cực tham gia vào Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ KHCN, ĐMST còn hạn chế. Chính vì thế mà KHCN, ĐMST và CĐS chưa trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS Quốc gia. Quan điểm chỉ đạo là phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội; ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỹ nguyên mới.

Nhận thức sâu sắc quan điểm chỉ đạo trên, Sở KH&CN đã luôn nỗ lực, chủ động, sáng tạo và quyết tâm thực hiện tốt vai trò tiên phong, là lực lượng nồng cốt tham mưu triển khai, thực hiện Nghị quyết 57.

Với phương châm hành động “Tiên phong, sáng tạo, trọng tâm, bứt phá”, Sở KH&CN đã triển khai nhiều chương trình, đề án, nhiệm vụ KH&CN trọng điểm, để đáp ứng thiết thực nhu cầu của DN và cộng đồng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tăng khả năng cạnh tranh và phát triển kinh tế.

Đặc biệt, trong xu thế hội nhập và CĐS, Sở KH&CN sẽ tham mưu thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy CĐS toàn diện từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, DN đến từng hộ dân, từng cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đưa công nghệ số trở thành công cụ xây dựng nền hành chính công minh bạch, hiệu quả, giúp DN và người dân tiết kiệm thời gian, công sức, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức quốc tế nhằm chuyển giao công nghệ tiên tiến; khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp và thúc đẩy ĐMST trong các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: Nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường.

Sở KH&CN sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tham mưu cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS; thúc đẩy những đột phá trong phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS. Nhiệm vụ này đã được xác định là trọng tâm trong Kế hoạch 195 ngày 6-5-2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 57.

T. ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/khoa-hoc-doi-song/202505/tien-giang-but-pha-kinh-te-xa-hoi-dua-tren-3-tru-cot-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-1043024/