Tiền Giang: Chủ động các giải pháp phòng, chống sạt lở

Tình trạng sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Để chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn tính mạng và sản xuất của người dân, nhiều giải pháp đã được tỉnh triển khai thực hiện.XUẤT HIỆN NHIỀU ĐIỂM SẠT LỞ

Thời gian qua, bờ sông Ba Rài thường xuyên xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và đi lại của người dân địa phương. Mới đây, bờ Đông sông Ba Rài tiếp tục xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng.

Điểm sạt lở vừa xảy ra tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè.

Điểm sạt lở vừa xảy ra tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè.

Vụ sạt lở khiến một đoạn đường nhựa thuộc tuyến đường huyện 54B (ấp 4, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) dài hơn 50 m đổ sụp xuống sông. Ghi nhận tại khu vực này vào những ngày cuối tháng 7-2024, vụ sạt lở làm giao thông tại đây bị chia cắt hoàn toàn.

Nhiều vết nứt tiếp tục xuất hiện tại đoạn đường tiếp giáp khu vực sạt lở. Bà Nguyễn Thị Bé, có nhà trước đoạn đường bị sạt lở cho biết, khu vực này trước kia sạt lở chỉ một đoạn nhỏ, không ăn sâu vào bên trong như bây giờ.

Để đảm bảo đi lại cho người dân, địa phương đã tiến hành gia cố, xử lý. Tuy nhiên, cách nay khoảng 3 tháng, dù đang trong quá trình xử lý, nhưng sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra và kéo dài một đoạn khoảng 50 m. “Sạt lở làm sụp nguyên đoạn đường nhựa xuống sông và ăn sâu vào đất vườn của nhà tôi khoảng 2,5 m. Ngoài việc đi lại khó khăn, gia đình tôi cũng rất lo lắng, phập phồng sợ sạt lở ăn sâu vào nhà” - bà Bé bày tỏ.

Sông Phú An (đoạn qua huyện Cai Lậy) cũng là điểm nóng về sạt lở trong thời gian qua. Hiện nay, tại tuyến đường Tây sông Phú An đã xảy ra một điểm sạt lở nghiêm trọng dài khoảng 220 m tại ấp 6, xã Phú An. Ghi nhận thực tế tại khu vực này, có một đoạn bị sụp lún, nhưng xe máy vẫn còn lưu thông được.

Tuy nhiên, đoạn tiếp giáp dài khoảng 100 m thì sạt lở rất nghiêm trọng. Đường và cột điện bị đổ sụp xuống sông, gây chia cắt giao thông. Hiện khu vực này vẫn đang chờ các ngành, các cấp đầu tư xử lý sạt lở.

Theo UBND tỉnh, những năm gầy đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh vẫn thường xuyên xảy ra và có chiều hướng gia tăng về cường độ lẫn phạm vi.

Mức độ ngày càng xảy ra nghiêm trọng và nguy hiểm hơn. Hằng năm, sạt lở thường xảy ra tại nhiều địa phương ở các huyện phía Tây trên địa bàn tỉnh.

Nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do mật độ sông, rạch dày đặc với nhiều đoạn sông cong, nhiều ngã ba, ngã tư là những vị trí dễ bị sạt lở. Dòng chảy đạp thẳng vào bờ lâu ngày tạo hàm ếch kết hợp thủy triều xuống thấp kèm theo những đợt mưa to đầu mùa và phương tiện thủy lưu thông qua lại với mật độ nhiều tạo sóng góp phần gây ra sạt lở. Bên cạnh đó, do nền đất yếu, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chế độ bán nhật triều Biển Đông; đồng thời, do tập quán của người dân thường sinh sống ven sông, kinh, rạch từ đó làm gia tăng nguy cơ sạt lở.

Trong những năm gần đây, sạt lở bờ sông, kinh, rạch gia tăng phần lớn do hậu quả từ các hoạt động nhân sinh như: Lấn chiếm, vi phạm, xây dựng công trình thượng nguồn không tuân thủ quy hoạch; phát triển thủy điện ở thượng nguồn làm suy giảm lượng bùn cát về hạ lưu; cải tạo cảnh quan, phát triển đất ven sông...

Ông Nguyễn Văn Kiểu (ấp 6, xã Phú An) cho biết: “Vụ sạt lở xảy ra cách nay khoảng 1 năm, lấn vào phần đất của gia đình. Sạt lở làm mất đường giao thông vào 4 - 5 hộ dân bên trong. Các hộ này không chạy xe được về nhà, phải gửi xe tại nhà tôi. Tôi nghe nói đã có kinh phí làm kè nhưng tới nay chưa thấy làm”.

Còn tại huyện Cái Bè, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện cũng xảy ra nhiều điểm sạt lở. Mới đây, vào cuối tháng 6-2024, bờ Tây sông Mỹ Thiện (đoạn qua tổ 3, ấp Mỹ Hưng A, xã Mỹ Đức Đông) tiếp tục xảy ra sạt lở nghiêm trọng gây chia cắt giao thông.

Ghi nhận thực tế tại khu vực này, đoạn sạt lở dài khoảng 70 m đã cắt đứt đường giao thông liên xã Mỹ Đức Đông và xã Mỹ Đức Tây của huyện Cái Bè và ăn sâu vào bên trong. Chính quyền địa phương đã lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm, tạm thời không cho lưu thông qua điểm sạt lở.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phan Thanh Sơn cho biết, đối với điểm sạt lở này, trong tuần này, địa phương sẽ thông qua đóng góp phương án xử lý. Do đây là điểm sạt lở nguy hiểm nên phải kết hợp nhiều nguồn vốn để đầu tư xử lý.

CHỦ ĐỘNG NHIỀU GIẢI PHÁP

Trước tình trạng sạt lở thường xuyên xảy ra và có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Sạt lở bờ sông Ba Rài gây chia cắt đường giao thông.

Sạt lở bờ sông Ba Rài gây chia cắt đường giao thông.

Theo đó, tỉnh sẽ triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt, căn cơ lâu dài để phòng, chống sạt lở. Theo đó, tỉnh sẽ chủ động triển khai các giải pháp phi công trình trong phòng, chống sạt lở. Cụ thể, UBND huyện, thị xã, thành phố sẽ chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án ứng phó cụ thể cho từng khu vực đang sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra trong thời gian tới.

Một trong những công việc quan trọng là tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa sạt lở; trồng cỏ mái sông, kinh, rạch để hạn chế sạt lở. Đặc biệt là kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông tránh bị ảnh hưởng do sạt lở và làm gia tăng nguy cơ sạt lở...

Bên cạnh các giải pháp phi công trình, đầu tư các công trình xử lý sạt lở cũng được tỉnh xác định là một trong những biện pháp căn cơ hiện nay. Thực tế cho thấy, thời gian qua, các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông được Trung ương, tỉnh và cấp huyện đầu tư trên địa bàn đã phát huy hiệu quả.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, những tháng cuối năm 2023 và trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo và TX. Cai Lậy xảy ra 64 điểm sạt lở với tổng chiều dài ước tính là 6.310 m, ước kinh phí 200,874 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện có 42 điểm sạt lở có quy mô lớn và nguy hiểm, với chiều dài khoảng 4.829 m, kinh phí xử lý 152,324 tỷ đồng vượt quá nguồn ngân sách cấp huyện. Các điểm sạt lở này cần được xử lý khẩn cấp để bảo vệ vườn cây ăn trái, tính mạng, tài sản của người dân và kết hợp ngăn lũ, triều cường trong thời gian tới.

Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, trước mắt, Sở NN&PTNT đã đề xuất Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh hỗ trợ khoảng 68,424 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công cho các địa phương thực hiện xử lý khẩn cấp 25 điểm sạt lở với chiều dài 2.820 m.

Đối với các điểm sạt lở còn lại với chiều dài 2.355m, kinh phí khoảng 92,33 tỷ đồng, tùy theo mức độ khẩn cấp mà UBND các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để bố trí từ nguồn ngân sách cấp huyện để xử lý.

Ý PHƯƠNG - HỮU THÔNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202408/tien-giang-chu-dong-cac-giai-phap-phong-chong-sat-lo-1017152/