Tiền Giang: Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cần nỗ lực ngăn chặn đà lây lan

Sáng 10-3, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp trực tuyến 3 cấp về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cuộc họp do đồng chí Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Đồng chí Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh, nhiệm vụ của các cấp, ngành trong tỉnh là nỗ lực kiểm soát ngăn chặn đà lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo bác sĩ Thảo, nguyên nhân tăng nhanh số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cả nước nói chung và tại Tiền Giang nói riêng trong những ngày qua là do thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covidd-19, các hoạt động kinh tế, xã hội hầu như đã trở về trạng thái bình thường nên có sự giao lưu rộng và khó kiểm soát nguồn lây; biến chủng Omicron dòng BA.2 đang chiếm ưu thế làm tốc độ lây lan nhanh dịch ở Tiền Giang.

Bác sĩ Thảo cho rằng: “Chúng ta không nên quá lo lắng chủng mới xuất hiện ở tỉnh, vì thực tế nó đã diễn ra rồi. Với làn sóng mới thì vắc xin vẫn có hiệu quả, bởi Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định, vắc xin vẫn có hiệu quả giúp người mắc Covid-19 không chuyển nặng, nhưng không thể bảo vệ người dân không bị lây nhiễm. Do đó, kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 vẫn phải tiếp tục trong thời gian tới. Hiện tại, tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 2 đối với người từ 18 tuổi trở lên tại Tiền Giang đạt trên 102,9% và 57% đã tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại; nhóm trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin đạt 97,7%.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang.

Thực tế số ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giảm rõ rệt dù số ca mắc tăng cao. Đã 22 ngày liên tiếp Tiền Giang không có bệnh nhân Covid-19 tử vong, số bệnh nhân nặng và nguy kịch cũng giảm. Hiện toàn tỉnh có 362 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong số này có trên 82,6% bệnh nhân nhẹ và vừa, hơn 17% trường hợp bệnh nặng và không có bệnh nhân nguy kịch.

Về điều trị tại nhà, hiện đang điều trị 1 ca F0 xét nghiệm PCR và 6.105 ca test nhanh dương tính. Địa phương có số ca theo dõi, điều trị tại nhà cao nhất là TP. Mỹ Tho (1.374 ca), huyện Chợ Gạo (807 ca), huyện Gò Công Đông (698 ca) và địa phương có số ca theo dõi, điều trị tại nhà thấp nhất là huyện Tân Phú Đông (113 ca), Tân Phước (167 ca). Hầu hết các trường hợp theo dõi, điều trị tại nhà là các trường hợp ít hoặc không có triệu chứng.

Các địa phương báo cáo về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, trong đó đáng chú ý là số học sinh có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 tăng nhanh trong trường học. Tuy nhiên, đa số các trường hợp học sinh nhiễm không có hoặc có triệu chứng rất nhẹ nên được theo dõi sức khỏe tại nhà. Do đó, tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương cho học sinh các bậc học tập trung tại trường dựa trên công bố cấp độ dịch.

Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh, nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong tỉnh là nỗ lực kiểm soát ngăn chặn đà lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19. Tỉnh vẫn tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ". Nỗ lực bao phủ mũi 3 vắc xin phòng Covid-19 cho ít nhất 75% người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1-2022. Sẵn sàng tiêm vắc xin cho trên 310 ngàn trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi khi Bộ Y tế phân bổ vắc xin.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền người dân hiểu tác dụng của các loại vắc xin trong phòng ngừa Covid-19, từ đó chủ động thực hiện việc tiêm chủng vắc xin theo kế hoạch của ngành Y tế, đặc biệt là mũi tiêm bổ sung và mũi nhắc lại (mũi 3). Căn cứ vào cấp độ dịch được công bố, các huyện, thị xã, thành phố phải áp dụng ngay các biện pháp tương ứng để kiểm soát dịch trên địa bàn.

Quản lý chặt chẽ các đối tượng F0, F1 được điều trị, cách ly tại nhà, người về từ vùng dịch được theo dõi sức khỏe tại nhà. Các địa phương phải giao trách nhiệm cho Tổ Covid cộng đồng, chính quyền ấp/khu phố, chính quyền cấp xã trong việc quản lý các đối tượng trên, tuyên truyền cho người dân, hỗ trợ giám sát phát hiện các đối tượng không thực hiện cách ly đúng quy định. Đồng thời, đảm bảo tất cả các trường hợp có triệu chứng phải được quan tâm theo dõi sức khỏe điều trị kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong.

Lập kế hoạch quản lý, xét nghiệm tầm soát đối với đối tượng nguy cơ, như: Lực lượng tuyến đầu chống dịch, người làm trong các cơ quan công sở, công ty doanh nghiệp, các nhà hàng, quán ăn… Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân trong việc khai báo cho các cơ sở y tế khi có kết quả tự test nhanh dương tính hoặc phát hiện người nghi nhiễm Covid-19. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc ứng phó với chủng vi rút mới Omicron.

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202203/tien-giang-dich-covid-19-dang-dien-bien-phuc-tap-can-no-luc-ngan-chan-da-lay-lan-945916/