Tiền Giang: Lấy ý kiến quy trình vận hành các cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864
Chiều 27-4, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban Quản lý dự án) phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức Hội thảo xin ý kiến (lần 1) lập quy trình vận hành hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 giai đoạn 1 (gọi tắt là Dự án).
Theo Ban Quản lý dự án, các cống được xây dựng dọc sông Tiền từ rạch Gầm đến rạch Cái Sơn (dọc theo huyện Châu Thành và Cai Lậy).
Vùng hưởng lợi ngăn mặn của Dự án có diện tích khoảng 26.360 ha; vùng hưởng lợi từ việc dâng nước, trữ nước có diện tích khoảng 61.590 ha.
Mục tiêu của Dự án là kiểm soát được nguồn nước ngọt ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp, vùng trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; chủ động chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường; đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước phục vụ dân sinh và kết hợp tăng cường tuyến giao thông nông thôn.
Ngoài 6 cống chính gồm: Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Hai Tân, Mù U, Cái Sơn, Dự án còn xây dựng thêm 28 cống tròn dưới đê dọc sông Tiền.
Đến giữa tháng 4-2023, tiến độ thi công cống đạt và vượt tiến độ đề ra. Cụ thể, tiến độ cống Rạch Gầm, Phú Phong đã đạt 86%; cống Cây Còng đạt khoảng 75%; cống Hai Tân đạt khoảng 76%; cống Mù U đạt khoảng 51%; cống Cái Sơn đạt khoảng 59%.
Để các cống đã và đang xây dựng phát huy hiệu quả thì cần phải có một quy trình vận hành hệ thống cho toàn bộ các cống đã có trong vùng và 6 cống được xây dựng trong Dự án.
Tại hội thảo, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã trình bày báo cáo xây dựng mô hình thủy lực và đề xuất các kịch bản lập quy trình vận hành với chất lượng tốt nhất; trong đó, có cập nhật các số liệu về tự nhiên, khí tượng, thủy văn…
Qua báo báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, đại diện các sở, ngành đã có những đóng góp, ý kiến liên quan đến dự thảo quy trình vận hành.
Việc lấy ý kiến của các sở, ngành, cơ quan quản lý vận hành và các địa phương trong vùng Dự án nhằm mục tiêu tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện quy trình vận hành một cách tốt nhất.