Tiền Giang: Mở rộng thu hút đầu tư khu vực phía Đông

Tiền Giang là tỉnh ở cuối nguồn sông Cửu Long, trải dài theo dòng sông Tiền vươn ra Biển Đông, có bờ biển nằm giữa các cửa sông lớn là Soài Rạp (sông Vàm Cỏ), Cửa Tiểu và Cửa Đại (sông Tiền) là lợi thế rất quan trọng để tận dụng và khai thác kinh tế biển.

Khu vực ven biển có điều kiện để phát triển.

Khu vực ven biển có điều kiện để phát triển.

Với lợi thế hơn 32 km đê cửa sông và đê biển nằm trên địa bàn huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang có nhiều thuận lợi trong phát triển các mô hình kinh tế biển.

Các dự án về hạ tầng giao thông, cảng sông, biển gắn với dịch vụ logistics và các kho dự trữ nhiên liệu, dự án về năng lượng gió, dự án về du lịch biển, dự án nuôi trồng thủy sản nước lợ, các hoạt động khai thác và đánh bắt thủy hải sản… cũng đã và đang được tính toán.

1. Nằm trong xu thế phát triển kinh tế chung của cả nước, Tiền Giang có ưu thế với 32 km bờ biển và không ngoài quy luật chung, định hướng phát triển chung của tỉnh cũng đang định hướng đầu tư mạnh vào khu vực phía Đông. Ngoài lợi thế sẵn có về đường biển, vùng phía Đông còn có Quốc lộ 50 đi xuyên qua 3/4 địa bàn các huyện, thị phía Đông. Các tuyến đường tỉnh kết nối nội bộ hướng Đông cũng đã và đang được đầu tư, nâng cấp về tải trọng, chất lượng đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và thu hút đầu tư trong vùng nói riêng.

Theo đánh giá chung của các chuyên gia, vùng kinh tế - đô thị phía Đông của Tiền Giang có vị trí rất tiềm năng trong việc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) không chỉ trong tỉnh, mà còn mang tính cấp vùng. Xét về vị trí địa lý, theo hướng đường thủy, vùng phía Đông của Tiền Giang có vị trí đặc biệt thuận lợi trong việc tiếp cận với hệ thống các tàu vận tải lớn thông qua sông Soài Rạp. Về đường bộ, các huyện, thị phía Đông có vị trí không xa so với trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TP. Hồ Chí Minh, có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận hệ thống giao thông liên vùng như Quốc lộ 50.

Ngoài ra, hệ thống nước ngọt cũng dần phủ 100% cho toàn vùng, đảm bảo nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt; hệ thống điện cũng đã và đang được quy hoạch nhằm tăng thêm khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của vùng. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, vùng định hướng phát triển thêm các khu công nghiệp: Gò Công, Bình Đông và các cụm công nghiệp: Gia Thuận 1, Gia Thuận 2, Long Bình, Vĩnh Hựu, Đồng Sơn, Mỹ Lợi, Phú Tân… sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư quan tâm và đến đầu tư nơi này.

Giờ đây, nếu có dịp về vùng ven biển Gò Công, nhiều người sẽ ngạc nhiên; bởi hạ tầng đã thay đổi đáng kể, nhất là hệ thống giao thông đã kết nối liên vùng. Ông Trần Thanh Vũ (xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông) chia sẻ, gần hơn 70 năm gắn bó với mảnh đất này, ông mới thấy diện mạo địa phương thay đổi nhanh như thế, đặc biệt là đường giao thông. Tuyến giao thông mà ông Vũ thích nhất là đường tỉnh 871B có tổng chiều dài toàn tuyến là 7.320 m, điểm đầu giáp Quốc lộ 50 thuộc xã Tân Trung (TX. Gò Công), điểm cuối giáp với đường đê sông Vàm Cỏ thuộc xã Gia Thuận, đã đưa vào khai thác mấy năm gần đây. Khi được nâng cấp, mở rộng, nền đường rộng đến 17 m; trong đó, mặt đường rộng 12 m, lề mỗi bên 2,5 m, với kết cấu mặt đường láng nhựa phẳng phiu.

Tất nhiên, đường tỉnh 871B không chỉ góp phần quan trọng trong việc đi lại của người dân khu vực ven biển Gò Công, mà cùng với các dự án đầu tư trọng điểm khác, nhất là cầu Mỹ Lợi, sẽ góp phần rất lớn khơi dậy tiềm lực biển của Tiền Giang, nhất là phát triển công nghiệp khu vực ven biển. Bởi tuyến đường tỉnh 871B nối thẳng vào khu, cụm công nghiệp đã và đang được hình thành khu vực ven biển thuộc huyện Gò Công Đông, như: Gia Thuận 1, Gia Thuận 2 và Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp…

2. Một trong những điểm đặc biệt là sau khi cầu Mỹ Lợi nối đôi bờ sông Vàm Cỏ chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng vào năm 2015, giúp rút ngắn khoảng cách đáng kể - chỉ hơn 25 km (rút ngắn khoảng 75 km so với đi Quốc lộ 1 và đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương) để đi từ TP. Hồ Chí Minh đến vùng biển Gò Công theo Quốc lộ 50. Đồng thời, du khách khi đi qua cầu Mỹ Lợi sẽ tiết kiệm được thời gian và không còn cảnh “qua sông phải lụy đò”, đáp ứng niềm mong ước của nhân dân 2 tỉnh Tiền Giang và tỉnh Long An, tạo điều kiện phát triển ngành Du lịch vùng ven biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang.

Khi đề cập về những thay đổi của khu vực phía Đông nói chung, vùng ven biển nói riêng, cũng như những định hướng cho chặng đường tới, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Đông (TX. Gò Công) Nguyễn Thanh Toàn cho biết, ngoài những cơ sở hạ tầng hiện hữu, đường tỉnh 873 đang thi công nối từ huyện Gò Công Tây về TX. Gò Công mà điểm cuối nối tại xã Bình Đông dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022 sẽ tiếp tục mở ra cơ hội mới hơn cho vùng đất này.

“Đường tỉnh 873 hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho người dân xã Bình Xuân, xã Bình Đông và một số địa bàn của huyện Gò Công Tây. Đây là một trong những điều kiện quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển khu du lịch sinh thái trên địa bàn theo định hướng chung của TX. Gò Công”- đồng chí Nguyễn Thanh Toàn cho biết thêm.

Với những lợi thế hiện hữu, tiềm lực phát triển công nghiệp vùng phía Đông còn rất lớn. Từ thực tế này, Tiền Giang đã lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 kịp thời (nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 840 ngày 16-6-2020).

Trong đó tích hợp các nội dung đề xuất có liên quan vào Quy hoạch tỉnh như Phương án phát triển hạ tầng logistics và bố trí không gian phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phương án bố trí không gian vùng liên huyện, vùng huyện của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phương án phát triển và bố trí không gian các khu xử lý chất thải, hệ thống cấp, thoát nước và xử lý nước thải; phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển KT-XH và hạ tầng KT-XH trên địa bàn huyện Gò Công Đông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Qua đó đã tạo điều kiện để thu hút đầu tư và phát triển các dự án công nghiệp có hàm lượng gia tăng cao, công nghiệp chế biến; triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình đề án khuyến công.

Bên cạnh đó, để khai thác tiềm năng hiện hữu, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, đặc biệt là đường tỉnh 864 chuẩn bị khởi công nối từ huyện Cái Bè và điểm cuối là xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) cũng được tập trung thực hiện. 2 dự án điện gió đã và đang triển khai thực hiện là Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 và Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2, với tổng công suất 150 MW, cùng nhiều dự án điện gió khác đang trong quá trình chuẩn bị triển khai đầu tư.

Nhìn trong bức tranh chung, những năm qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển một phần cũng đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của địa phương, tạo điều kiện sản xuất cho các hộ dân giáp ranh khu vực vùng biển; thực hiện có hiệu quả trong việc quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển; bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái; đồng thời, mở rộng thu hút đầu tư...

ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202204/tien-giang-mo-rong-thu-hut-dau-tu-khu-vuc-phia-dong-948717/