Tiền Giang: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường

(ABO) Chiều 22-5, đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để đánh giá công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT.

Từ đầu năm đến nay, ngành TN&MT tỉnh thực hiện trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích được 30.723 Giấy chứng nhận, giảm 5.658 giấy so với cùng kỳ năm 2023; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện kê khai đăng ký trên phần mềm là 19.176 hồ sơ, tăng 7.696 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2023; chuyển thông tin địa chính thửa đất sang cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai trên phần mềm liên thông thuế được 44.891 phiếu, giảm 14.479 phiếu so với cùng kỳ năm 2023.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại buổi làm việc.

Đến nay, 100% khu công nghiệp đi vào hoạt động đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp thứ cấp trong các khu công nghiệp đều có hồ sơ môi trường, có đầu tư công trình xử lý nước thải, thực hiện đấu nối, xả nước thải theo đúng quy định. Các khu công nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT theo dõi, quản lý.

Theo số liệu thống kê, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại các bãi rác trên địa bàn tỉnh khoảng 600 - 700 tấn/ngày, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt và có 6 bãi rác tập trung đang tiếp nhận xử lý rác thải sinh hoạt, có 2 bãi rác đã ngừng tiếp nhận.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh cấp 85 giấy phép về tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất, nâng tổng số giấy phép về tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất đến nay 1.077 giấy phép (còn hiệu lực).

Đồng thời, tổ chức thẩm định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, trong những tháng đầu năm 2024, đã trình UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với 30 tổ chức, cá nhân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 70/376 giếng khoan đã thực hiện phương án di dời giếng khoan để đặt giếng khoan đúng theo quy định của pháp luật, còn lại 306/376 giếng khoan chưa thực hiện phương án di dời.

Trong những tháng đầu năm 2024, Sở TN&MT tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kế hoạch cấp phép khai thác các mỏ cát trên sông Tiền. Qua điều tra cơ bản, hiện trên toàn tỉnh có 129 phương tiện có gắn thiết bị hút cát, 77 bến bãi kinh doanh cát san lấp; có 8 đơn vị cấp huyện có địa bàn giáp sông Tiền đã thực hiện xong công tác rà soát và cho các đối tượng viết cam kết đối với các chủ phương tiện có gắn thiết bị bơm hút cát, các chủ phương tiện kinh doanh vận chuyển cát và các bến bãi tập kết kinh doanh cát, các đối tượng là người làm thuê. Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận 2 đối tượng, đã khởi tố 4 bị can phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”; các sở, ngành, địa phương đã tổ chức 355 lượt kiểm tra, đã phát hiện 123 vụ việc vi phạm với 151 đối tượng vi phạm.

Giám đốc Sở TN&MT Đoàn Văn Phương báo cáo tóm tắt kết quả của ngành trong những tháng đầu năm.

Giám đốc Sở TN&MT Đoàn Văn Phương báo cáo tóm tắt kết quả của ngành trong những tháng đầu năm.

Sở TN&MT đã tích hợp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Tiền Giang. Hiện nay, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh đang vận hành, khai thác trên Hệ thống thông tin đất đai (VBDLIS). Ngành đang tiếp tục thực hiện Đề án 06 và công khai chia sẻ thông tin dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thông qua hệ thống VBDLIS và các phần mềm chuyên ngành về lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Trọng đề nghị Sở TN&MT tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Riêng về nước sinh hoạt, sản xuất, đồng chí Phạm Văn Trọng đề nghị Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ kiểm tra tài nguyên nước trên phạm vi toàn tỉnh và tổ chức kiểm định độc lập chất lượng nước. Khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, ngành TN&MT sẽ có rất nhiều công việc phải làm; khi có vướng mắc, khó khăn, cần kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Bộ TN&MT hoặc các ngành liên quan, không để lúng túng kéo dài, không xử lý. Sở TN&MT phối hợp, tổ chức làm việc với ngành Thuế, VNPT để thực hiện mở cổng, chia sẻ dữ liệu; bổ sung các tính năng trên phần mềm Một cửa điện tử.

HÀ NAM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202405/tien-giang-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-tai-nguyen-va-moi-truong-1011128/