Nên cho phép thành lập Văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ

Sáng 25/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến quyền lựa chọn mô hình của các văn phòng công chứng; thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản…

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Nên cho phép mở các văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân

Quan tâm về mô hình văn phòng công chứng, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay có 4 mô hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Trong đó, có 2 loại hình doanh nghiệp là: Doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh là những loại hình được coi là phù hợp với những ngành nghề kinh doanh đòi hỏi thương hiệu và trách nhiệm nghề nghiệp cá nhân cao.

 Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đại biểu, mặc dù công chứng là hoạt động có tính đặc thù nhưng hành nghề công chứng đã được Luật Đầu tư xác định là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, các quy định dự thảo Luật cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh, mở rộng quyền lựa chọn mô hình kinh doanh của các nhà đầu tư.

Theo đại biểu, dự thảo Luật nên cho phép mở các văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Qua đó tạo điều kiện thành lập các văn phòng công chứng ở những địa bàn còn thiếu hoặc cho phép các cá nhân, pháp nhân góp vốn vào văn phòng công chứng nhằm tăng nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện cho văn phòng công chứng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nhận thấy rằng, khoản 1, Điều 20 của dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại mô hình là công ty hợp danh. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, quy định trên vẫn còn nhiều băn khoăn vì trên thực tế ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có mật độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì có thể cho phép thành lập loại hình Văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ là rất là phù hợp.

 Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đại biểu, quy định như vậy là vừa là góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương là xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo sớm tiếp cận với dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện nội dung này.

Ngoài ra, hiện nay, đối với những nơi trên, việc thành lập và duy trì mô hình công chứng với hai công chứng viên là không cần thiết, có thể là gây lãng phí nguồn lực công chứng viên và nguồn thu để đảm bảo hoặc là duy trì hoạt động của tổ chức thành người công chứng với hai công chứng viên là rất là khó. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị là cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ việc quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng.

 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh loại hình là công ty hợp danh như quy định hiện hành thì nên chăng là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được thành lập loại hình văn phòng công chứng chỉ là một công chứng viên, tức là loại hình doanh nghiệp tư nhân. Vì thực tế hiện nay, phần lớn các văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên điều hành hoạt động của Văn phòng công chứng. Do vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cũng nên nghiên cứu nội dung này.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đề nghị cho phép thành lập văn phòng công chứng do 1 thành viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân nhằm khắc phục những bất cập ở địa phương khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa. Đối với khu vực đô thị, đại biểu thống nhất với dự thảo có từ 2 công chứng viên trở lên.

Cân nhắc quy định không giới hạn công chứng giao dịch về bất động sản

Quan tâm đến thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị không giới hạn công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở. Đại biểu cũng đề nghị cho phép công chứng ngoài trụ sở, việc này sẽ bớt phiền hà cho người dân khi phải đến trụ sở để công chứng.

Cùng quan tâm đến nội dung này, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cân nhắc đối với đề xuất mở rộng phạm vi các giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

 Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đây là mục tiêu chúng ta hướng đến, nhưng nếu quy định ngay trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp với thực trạng của Việt Nam, vì việc xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản ở Việt Nam mới đang bắt đầu ở một số địa phương, tính chính xác của số liệu và thông tin liên quan cần có quá trình hoàn thiện, hạ tầng cớ sở về trang thiết bị không đồng đều giữa các địa phương trên cả nước…

Diên Hồng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/nen-cho-phep-thanh-lap-van-phong-cong-chung-do-mot-cong-chung-vien-lam-chu-160109.html