Tiền Giang: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt
Năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Công Thương Tiền Giang đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ đột phá, hoàn thành chỉ tiêu và vượt kế hoạch ở mức khá cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Tiền Giang.
Ngành công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng kinh tế
Với sự đồng hành của ngành Công Thương, kết thúc năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang đạt nhiều kết quả khả quan, nhất là trên lĩnh vực kinh tế.
Ông Đoàn Văn Phương - Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang - cho biết, năm 2019, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh ổn định và phát triển tốt. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,5% so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,5%;
Về cơ cấu ngành, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là ngành chủ chốt của Tiền Giang, còn lại là các ngành sản xuất, phân phối điện, nước, xử lý rác thải. Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống vẫn là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn (trên dưới 60%). Tuy nhiên, các sản phẩm gia công vẫn là chủ yếu nên không mang lại nhiều giá trị gia tăng (chế biến thủy sản, thức ăn chăn nuôi, rau quả, xay xát gạo…).
“Riêng ngành công nghiệp dệt may - da giày và nhóm ngành cơ khí, điện tử, sản xuất kim loại trong các năm gần đây đã có những bước phát triển mạnh và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó nhóm ngành dệt may - da giày tỷ trọng khoảng 13,5%; cơ khí (chủ yếu là sản phẩm ống đồng) chiếm khoảng 13,6%” - Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang nhấn mạnh.
Cùng với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp, hoạt động thương mại trong năm 2019 của Tiền Giang cũng đã có sự tăng trưởng khá. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 ước đạt 62.080 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu cũng tăng trưởng khá cao. Kim ngạch xuất khẩu thực hiện ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 19,12% so với năm 2018. Trong đó, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 77%, DN có vốn đầu tư trong nước chiếm 23%.
Theo ông Đoàn Văn Phương, để đạt được những kết quả tích cực trên, Sở đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, lãnh đạo tỉnh cùng sự nỗ lực của toàn ngành triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN ổn định sản xuất, kinh doanh.
Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng năm 2019 hoạt động của ngành Công Thương Tiền Giang vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là mặt hàng gạo xuất khẩu đã giảm 50% so cùng kỳ, do yêu cầu tiêu chuẩn, kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu ngày một khắt khe hơn… Ngoài ra, khu vực kinh tế trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có xu hướng giảm dần tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng do sản xuất chưa có sự đột phá và chưa thu hút DN có quy mô lớn đầu tư.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp
Kết thúc năm 2019, các ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng, tuy nhiên ngành ngành Công Thương Tiền Giang vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, sản phẩm công nghiệp chủ lực còn ít, chưa đa dạng. Sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa mạnh. Các nước tiếp tục thực hiện các rào cản kỹ thuật và các chính sách bảo hộ nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu...
Để khắc phục và vượt qua khó khăn này, Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang cho biết, trong năm 2020, ngành Công Thương sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp theo định hướng phát triển công nghiệp đa ngành, tạo ra sản phẩm phong phú hơn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến việc tạo điều kiện cho các DN trong việc đầu tư hạ tầng cum công nghiệp (CCN); ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển CCN của Tiền Giang trong phạm vi thẩm quyền phù hợp với Nghị định 68.
Trong năm 2020, ngành Công Thương Tiền Giang tiếp tục đồng hành cùng DN, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN ổn định sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ DN, HTX trong các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản hàng hóa. Nghiên cứu đề xuất xây dựng đề án tiêu thụ trái cây.
Bên cạnh đó, Sở sẽ theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu của các DN, nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, xúc tiến xuất khẩu. Đồng thời, thường xuyên thực hiện việc rà soát và loại bỏ các thủ tục hành chính và quy định không cần thiết. Cải thiện tính minh bạch các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.
Ngoài ra, ngành Công Thương Tiền Giang tiếp tục mở các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến các nội dung liên quan các hiệp định thương mại tự do (FTA) để các DN biết, tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường, lộ trình cắt giảm thuế quan của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký kết và đã có hiệu lực thực hiện FTA…
Năm 2020, Sở Công Thương Tiền Giang đề ra mục tiêu thực hiện: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,5%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 68.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2019; Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2019…