Tiền Giang: Nhiều loại nông sản rớt giá

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nông sản trên địa bàn Tiền Giang liên tục rớt giá. Do nhiều tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, việc đi lại bị hạn chế, nên giao thương hàng hóa đang bị ảnh hưởng rất nhiều. Cùng với đó, các chợ đầu mối nông sản ở TP. Hồ Chí Minh phải đóng cửa do dịch Covid-19 cũng phần nào ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

TÔM, HEO RỚT GIÁ

Những ngày qua, giá tôm thẻ chân trắng, tôm sú trên địa bàn tỉnh liên tục rớt giá do khó khăn trong tiêu thụ. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, toàn huyện có khoảng 680 ha nuôi tôm công nghiệp, trong đó có khoảng 90% nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ đầu năm đến nay, tình hình thả nuôi tôm trên địa bàn huyện tương đối thuận lợi hơn những năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên những ngày qua, giá tôm giảm khá mạnh. Bên cạnh những ao tôm tới lứa buộc phải bán, những hộ có tôm nuôi chưa đúng kích cỡ cũng tranh thủ thu hoạch do sợ giá tiếp tục giảm.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại trang trại của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại trang trại của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền.

Còn tại huyện Tân Phú Đông, từ đầu năm đến nay, toàn huyện thả nuôi khoảng 1.370 ha nuôi tôm công nghiệp. Hiện nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp cũng đang tranh thủ thu hoạch những ao tôm đến lứa thu hoạch hoặc gần đến lứa thu hoạch.

Ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền (xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông), do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người nuôi tôm đang thu hoạch rất nhiều, không riêng ở địa bàn huyện, mà những địa phương khác cũng thế. Trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, bên cạnh nhiều ao tôm đến lứa thu hoạch, một số ao tôm gần đến lứa thu hoạch, người nuôi cũng bán luôn do sợ giá tiếp tục giảm trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hiện giá tôm thẻ chân trắng cỡ 30 con/kg còn chỉ 130.000 đồng, giảm khoảng 25.000 đồng so với tháng trước. Hiện chợ đầu mối Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) đóng cửa, nhà máy quá tải nên giá tôm thẻ chân trắng mỗi ngày giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg, nên ai cũng lo mới “bán tháo”. “

Những ngày qua, do người dân ào ạt bán tôm nên thương lái ở đây không đủ xe để chở. Năm nay, nuôi tôm theo kiểu ao phủ bạt, đầu tư công nghệ cao mới hiệu quả. Tuy nhiên, chi phí đầu tư như: Thức ăn, vật tư, trang thiết bị… đều tăng nên lãi ít. Với việc giá tôm liên tục giảm như hiện nay, nếu nuôi đạt cũng không lãi nhiều, nuôi không đạt cầm chắc lỗ” - ông Tuấn cho biết thêm.

Tương tự mặt hàng tôm, những ngày qua, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh cũng giảm do tiêu thụ khó khăn. Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Thuần, hiện giá heo hơi trên địa bàn tỉnh dao động từ 5,5 đến 6 triệu đồng/tạ. Heo hơi giảm giá do các chợ đầu mối nông sản tại TP. Hồ Chí Minh ngưng hoạt động dẫn đến bị “đứt gãy” kinh phân phối nên giá giảm. Với mức giá này, người nuôi vẫn còn lãi nhưng thấp.

RAU MÀU CŨNG GẶP KHÓ

Theo đồng chí Nguyễn Văn Quí, hiện toàn huyện đang trồng khoảng 300 ha rau màu các loại. Trong khoảng từ 7 đến 15 ngày tới, trên địa bàn dự kiến cung cấp cho thị trường khoảng 8.000 tấn rau màu các loại. Bên cạnh một số đơn vị liên kết cung ứng nông sản cho các doanh nghiệp, siêu thị ngoài tỉnh, hầu hết các loại rau cải bán trong huyện. Giá bán hiện không cao, thương lái không đến thu mua, nông dân sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ, trong khi giá bán tại chợ lại rất cao.

Thời gian gần đây, giá phân bón liên tục tăng, trong khi đó giá nhiều loại nông sản ở mức thấp, tiêu thụ khó khiến nông dân càng thêm khó khăn. Ông Trần Bình Tân (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) cho biết, hiện giá phân đạm tăng gần gấp đôi so với cuối năm trước như đạm Cà Mau tăng từ 350.000 đồng lên 600.000 đồng/bao 50 kg (tùy theo đại lý), phân NPK tăng khoảng 300.000 đồng/bao 50 kg. Với việc giá phân bón nằm ở mức này, chi phí sản xuất lúa tăng khoảng 1,5 lần so với trước.

Theo ông Nguyễn Văn Ửng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát (xã Trung An, TP. Mỹ Tho), giá phân bón urê tăng gấp đôi so với cuối năm rồi. Những loại phân còn lại như NPK, DAP, kali tăng từ khoảng 40% - 70%. Nguyên nhân phân bón tăng cao là do nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển đều tăng, thiếu hàng. Với sự biến động của giá phân bón như hiện nay, một số doanh nghiệp ít vốn khó trụ nổi.

Giá phân bón liên tục tăng khiến nông dân càng thêm khó.

Giá phân bón liên tục tăng khiến nông dân càng thêm khó.

Còn tại huyện Gò Công Tây, những ngày qua, việc tiêu thụ rau màu của người dân cũng gặp khó. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Thạnh (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây), những ngày trước chỉ một số loại rau màu không được giá, còn lại có giá khá tốt. Song, do hiện đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều thương lái không đi thu mua được nên việc tiêu thụ rau màu của người dân càng khó khăn hơn.

Riêng hợp tác xã vẫn hoạt động ổn định do có đầy đủ giấy tờ về phòng, chống dịch. Hiện mỗi ngày hợp tác xã cung ứng cho thị trường khoảng 6 - 7 tấn rau màu các loại. “Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều hộ dân không xuống giống rau màu, nguồn cung đang hụt dần. Trong những ngày tới, nguồn cung rau màu có thể thiếu” - ông Nguyễn Thanh Quang cho biết thêm.

Huyện Châu Thành cũng là địa phương có vùng chuyên canh rau màu khá lớn. Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND các xã rà soát lại các hộ sản xuất nông sản để phục vụ cung cấp các mặt hàng thiết yếu. Các hộ này đăng ký cung ứng tại chợ để không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản của người dân. Việc này nhằm giúp cho người sản xuất có điều kiện tiêu thụ nông sản, tránh bị tiểu thương ép giá.

TRỌNG ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202107/tien-giang-nhieu-loai-nong-san-rot-gia-929985/