Tiền Giang: Nỗ lực kéo giảm tai nạn lao động

Tai nạn lao động (TNLĐ) thường để lại hậu quả nặng nề, không chỉ cho gia đình người lao động mà còn tác động đến kinh tế, xã hội. Do đó, các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp để kéo giảm TNLĐ.

Người lao động tham gia Hội thi “ATVSLĐ - Phòng, chống cháy nổ tỉnh Tiền Giang” lần thứ 22 năm 2022.

Người lao động tham gia Hội thi “ATVSLĐ - Phòng, chống cháy nổ tỉnh Tiền Giang” lần thứ 22 năm 2022.

Việc kéo giảm TNLĐ đã góp phần chăm sóc sức khỏe, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của người lao động.

HẬU QUẢ NẶNG NỀ

Năm 2021, toàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 137 vụ TNLĐ, số người bị TNLĐ là 137 người, làm chết 9 người, bị thương nặng 19 người; trong đó, có đến 97,8% số vụ xảy ra trong khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp… Các vụ TNLĐ xảy ra thường để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho bản thân người lao động, gia đình và xã hội, ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ nhưng nguyên nhân chính phải kể đến đó là một bộ phận người sử dụng lao động chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về đảm bảo ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ; còn chủ quan đối với công tác kiểm tra, đánh giá, nhận diện các nguy cơ mất an toàn; không ít người lao động còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức nên chưa tuân thủ các quy định về ATVSLĐ, dẫn đến các vụ TNLĐ thương tâm.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng thăm, tặng quà công nhân bị TNLĐ.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng thăm, tặng quà công nhân bị TNLĐ.

Những ngày cuối tháng 5-2022, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tiền Giang đã tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà cho các trường hợp công nhân bị TNLĐ tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Trong đó có trường hợp anh Dương Văn Khánh, sinh năm 1987, là công nhân Công ty TNHH Givaudan Việt Nam - Chi nhánh Tiền Giang (ấp Tân Hòa, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành).

Anh Khánh bị TNLĐ trong lúc tham gia sản xuất, rửa bồn xay thức ăn, nguồn điện đang hoạt động làm cánh tay phải của anh bị nghiền đứt. Hậu quả để lại cho anh Khánh là bị thương tật suốt đời, với tỷ lệ 70%. Anh Khánh cho biết, anh có 2 đứa con nhỏ, đứa lớn học lớp 2 và đứa nhỏ mới 2 tuổi. Sau khi bị TNLĐ, cuộc sống gia đình anh gặp nhiều khó khăn, do đó công ty đã nhận anh trở lại làm việc ở bộ phận điều phối an toàn và được sắp xếp ở trọ tại công ty, nhằm giúp anh có thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.

Còn anh Nguyễn Văn Tèo, công nhân Công ty TNHH MTV Li Chuan Food (TP. Mỹ Tho) bị TNLĐ tại công ty, do bể ống hóa chất xịt vào mắt, làm cho mắt bị mờ nặng (tỷ lệ 1/10 ở mắt trái và mắt phải tỷ lệ 3/10), không có khả năng điều trị. Vợ anh Tèo làm thuê tự do và đang nuôi con nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh, thường xuyên phải nằm viện điều trị. “Công ty vẫn nhận tôi vô làm trở lại và bố trí những công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe hiện tại. Mỗi ngày đi làm, tôi đều phải nhờ vợ chở đi, rước về, chứ bản thân không thể tự chạy xe được. Mặc dù vậy, tôi vẫn thấy vui vì còn được làm việc để có thu nhập”, anh Tèo chia sẻ.

Hay trường hợp của anh Hồ Văn Sang, công nhân Công ty cổ phần Công trình đô thị Gò Công (TX. Gò Công) bị TNLĐ khi anh đang điều khiển xe cẩu của công ty, thì xe ngã, đè lên người. Tỷ lệ thương tật rất nặng, lên đến 99%, hiện anh Sang phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào người thân trong gia đình.

Trong chuyến thăm, gặp gỡ các công nhân bị TNLĐ, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, đời sống và việc làm của các công nhân. Đồng thời, động viên các công nhân bị TNLĐ chăm lo sức khỏe, nỗ lực hơn trong cuộc sống, khắc phục khó khăn, vượt qua mặc cảm bị TNLĐ, làm việc hiệu quả tại doanh nghiệp.

Để đảm bảo ATVSLĐ, từng bước cải thiện điều kiện lao động, tạo môi trường làm việc an toàn và hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, trước hết, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất cần nhận thức rõ ATVSLĐ là điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển ổn định và bền vững. Do đó, doanh nghiệp, chủ cơ sở phải chấp hành nghiêm các quy định về ATVSLĐ.

Mỗi công nhân, viên chức, lao động trong quá trình làm việc phải chấp hành nghiêm nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm ATVSLĐ và phòng, chống cháy nổ; kịp thời báo cáo với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động hoặc gây bệnh nghề nghiệp.

Các cấp Công đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”; đảm bảo ATVSLĐ; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động”.

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN MƯỜI, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO THÁNG HÀNH ĐỘNG VỀ ATVSLĐ TỈNH TIỀN GIANG.

NHIỀU GIẢI PHÁP KÉO GIẢM TNLĐ

Trong những năm qua, chính sách, pháp luật về lao động đã được ban hành ngày càng đầy đủ, cụ thể, đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến việc cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp.

Để thu hút sự quan tâm, nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ. Đặc biệt vào Tháng ATVSLĐ hằng năm, Ban Chỉ đạo Tháng ATVSLĐ tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các cấp, các ngành, doanh nghiệp triển khai công tác ATVSLĐ theo chủ đề, có trọng tâm, trọng điểm, phân theo từng nhóm đối tượng, từng chương trình phù hợp.

Đồng thời, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: Tập huấn, huấn luyện trực tiếp, thông qua các cuộc thi, hội nghị, hội thảo chuyên đề, đối thoại với người lao động và với chủ doanh nghiệp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan chuyên môn...

Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác ATVSLĐ đã chủ động tham mưu giúp các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt những quy định pháp luật về ATVSLĐ. Giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình ATVSLĐ trong sản xuất; đôn đốc, nhắc nhở người lao động chấp hành nội quy lao động tại nơi sản xuất... Nhờ đó, công tác ATVSLĐ ở các ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực.

Cụ thể, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thường xuyên rà soát, thực hiện tự kiểm tra về ATVSLĐ; xây dựng kế hoạch tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ cho người lao động; có báo cáo tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đúng thời gian quy định; thực hiện về nội quy, quy trình, rà soát các yếu tố nguy hiểm, nguy cơ, rủi ro. Thực hiện quan trắc môi trường lao động, huấn luyện ATVSLĐ cho các nhóm đối tượng huấn luyện và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Cùng với đó, người lao động cũng chấp hành tốt nội quy, quy trình, quy phạm đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình làm việc. Chủ động và tích cực tham gia cùng người sử dụng lao động trong việc thực hiện biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động tại doanh nghiệp. Sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát; trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng ATVSLĐ, chủ động phòng ngừa, hạn chế các TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho chính bản thân nhằm đem lại hạnh phúc cho gia đình, góp phần phát triển doanh nghiệp và xã hội.

THIÊN LÝ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202205/tien-giang-no-luc-keo-giam-tai-nan-lao-dong-952058/