Tiền Giang: Quyết liệt phòng, chống sốt xuất huyết và tay chân miệng
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM), đặc biệt là sự gia tăng đáng báo động số ổ dịch SXH và số ca mắc TCM theo tuần, ngành Y tế Tiền Giang đang dốc toàn lực triển khai các biện pháp mạnh mẽ, quyết tâm không để dịch lan rộng, bảo vệ tối đa sức khỏe cộng đồng.

Đoàn tuần hành qua các tuyến đường trên địa bàn TP. Mỹ Tho trong Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ 14 năm 2025.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 11-5-2025, Tiền Giang đã ghi nhận 550 ca SXH. Dù tổng số ca mắc có giảm nhẹ so với cùng kỳ, song số ổ dịch lại tăng đến 17,7% - một dấu hiệu đáng lo ngại. Cùng lúc đó, 370 trường hợp mắc TCM đã được báo cáo, với số ca mới tăng trên 3% chỉ trong tuần gần nhất (tuần 19 so với tuần 18). Thực trạng này đặt Tiền Giang vào nhóm các tỉnh, thành có tình hình dịch bệnh cần được quan tâm ở khu vực phía Nam.
Trước tình hình đó, Sở Y tế Tiền Giang đã khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu toàn bộ hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở, cùng các địa phương vào cuộc quyết liệt. Mục tiêu cao nhất là giảm thiểu ca mắc, hạn chế tối đa tử vong và khống chế không để dịch SXH, TCM bùng phát trên diện rộng.
Tăng cường phòng, chống từ hệ thống y tế
Các cơ sở khám, chữa bệnh, cả công lập và ngoài công lập, được yêu cầu siết chặt quy trình phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, đảm bảo thu dung, cấp cứu, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân SXH, TCM kịp thời, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đặc biệt, các cơ sở y tế ngoài công lập phải nâng cao vai trò tư vấn, cấp cứu ban đầu và chuyển tuyến an toàn, tránh tình trạng bệnh nhân không được xử trí đúng cách. Công tác báo cáo ca bệnh (nội trú và ngoại trú) phải được thực hiện nghiêm ngặt trong vòng 24 giờ, đầy đủ thông tin lâm sàng.
Song song đó, việc rà soát, đảm bảo sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, thuốc men cho công tác điều trị và đối phó với các tình huống dịch bệnh diễn biến xấu là ưu tiên hàng đầu. Các bệnh viện được chỉ đạo tăng cường theo dõi sát sao bệnh nhân nặng, nhất là trong ngày nghỉ, ngày lễ, tổ chức hội chẩn kịp thời và chủ động liên hệ với các chuyên gia tuyến trên để được tư vấn hoặc chuyển viện an toàn cho các ca nguy kịch. Công tác phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế cũng được đặc biệt chú trọng.
Việc thu thập mẫu bệnh phẩm từ các ca TCM nặng (từ độ 2b) để gửi Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm xác định chủng vi rút cũng được Sở Y tế yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh.
Chủ động phòng dịch từ cộng đồng và địa phương
UBND các huyện, thị xã, thành phố được đề nghị chỉ đạo quyết liệt các Trung tâm Y tế địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh việc hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ 15 (15-6) bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực. Công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, trường học và các cơ sở y tế phải được tăng cường.
Các ổ dịch SXH, TCM khi phát hiện phải được khoanh vùng, xử lý triệt để theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, bao gồm việc tổ chức phun hóa chất diệt muỗi 100% hộ gia đình trong vùng dịch. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, dễ tiếp cận, tập trung vào các biện pháp phòng bệnh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh môi trường sống, diệt lăng quăng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học, nhất là tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, được xem là nhiệm vụ quan trọng. Các cơ sở giáo dục cần đảm bảo điều kiện vệ sinh, trang bị đủ xà phòng, nước sạch, thường xuyên làm sạch đồ dùng, đồ chơi, đồng thời phối hợp với y tế địa phương theo dõi sức khỏe học sinh, phát hiện sớm ca bệnh để cách ly và xử lý kịp thời. Các đoàn kiểm tra liên ngành cũng sẽ được thành lập để giám sát công tác này.
CDC Tiền Giang phát huy vai trò nòng cốt
CDC tỉnh được giao nhiệm vụ tham mưu cho Sở Y tế về kế hoạch hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH, đồng thời là đầu mối theo dõi, rà soát số liệu ca bệnh, ổ dịch trên toàn tỉnh. CDC Tiền Giang cũng sẽ tăng cường hỗ trợ chuyên môn, cung cấp tài liệu truyền thông cho tuyến huyện, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thực tế tại các điểm nóng, địa bàn nguy cơ cao để kịp thời đánh giá tình hình và đề xuất các giải pháp can thiệp hiệu quả.
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và ngành Y tế, cùng với ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, Tiền Giang đang nỗ lực từng ngày để kiểm soát tình hình dịch bệnh SXH và TCM, mang lại sự an toàn cho cộng đồng.