Tiền Giang: Tăng cường bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ

Thời gian qua, các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của người dân ngày càng chuyển biến tích cực.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, công tác quản lý Nhà nước về TTATGT thời gian qua đã được tăng cường, kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư; các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Qua đó, góp phần những tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Toàn tỉnh xảy ra 223 vụ, làm chết 164 người, bị thương 107 người (so với cùng kỳ năm 2022 giảm 96 vụ = 30,7%, giảm 67 người chết = 29%, giảm 50 người bị thương = 31.8%), không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn tiềm ẩn các yếu tố dẫn đến tai nạn giao thông như tình trạng mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, gây cản trở giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng cho người và phương tiện tham gia giao thông, xảy ra cả trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cho đến đường giao thông nông thôn, đường đô thị.

Cụ thể, nhiều tuyến giao thông trọng điểm như tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 30 và đường tỉnh 864 (tại huyện Cái Bè: Khu vực trạm thu phí cầu Mỹ Thuận cũ; huyện Châu Thành: Khu vực cầu Kinh Xáng, khu vực Tân Hương; đường tỉnh 864 khu vực xã Tam Bình, huyện Cai Lậy; Quốc lộ 50 thuộc TP. Mỹ Tho và đường Ấp Bắc, Lê Thị Hồng Gấm thuộc TP. Mỹ Tho...).

Tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường tại một chợ thuộc địa bàn huyện Châu Thành.

Theo đánh giá các cơ quan liên quan an toàn giao thông tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân của tình trạng trên do một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm TTATGT, còn nhiều hạn chế, có nơi bị buông lỏng.

Việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục chưa kịp thời các bất cập trong tổ chức giao thông, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông; chưa giải quyết dứt điểm tình trạng xây nhà, ki ốt kinh doanh, mái che, họp chợ, bày bán hàng hóa, lắp đặt biển quảng cáo, tập kết đổ vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè... xâm phạm hành lang an toàn giao thông, ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.

Các hộ bày bán hàng trên đường gom, mở rộng ở Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương quyết liệt tập trung triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm và thời gian tới. Đặc biệt, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, Lực lượng vũ trang, người lao động gương mẫu chấp hành Luật Giao thông đường bộ và là hạt nhân tích cực trong xây dựng “văn hóa giao thông”.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra xử lý vi phạm.

Riêng đối với Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đề nghị đơn vị chủ động phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư; lên án, phê phán các hành vi sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường, phá hoại công trình giao thông, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ..., gây mất an toàn giao thông và hư hỏng công trình đường bộ.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban An toàn giao thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; trọng tâm là tuyên truyền các quy định về bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ để nhân dân hiểu rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Vận động các tổ chức, cá nhân lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ tự giác tháo dỡ, di dời công trình, vật kiến trúc khác ra khỏi lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ, không bày bán hàng hóa, hàng ăn uống, hàng rong, không tổ chức họp chợ trái phép trên các tuyến đường.

Sở Giao thông - Vận tải cần đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, có giải pháp bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông trong quá trình thi công, cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông an toàn thông suốt. Khẩn trương tổng rà soát, phối hợp các địa phương xóa các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ quy định. Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, UBND xã, phường, thị trấn xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn đường bộ; phối hợp với các địa phương tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ trên các tuyến đường bộ do Sở Giao thông - Vận tải quản lý theo đúng quy định.

Đến ngày 31-12-2023, hoàn thành việc xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên tuyến giao thông trọng điểm nêu trên. Kiên quyết xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm pháp luật về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn đường bộ theo đúng quy định, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền trật tự đô thị, an toàn giao thông đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, nhân viên cùng phụ huynh và học sinh nhà trường; đặc biệt, khu vực các trường không để xảy ra ùn tắc giao thông, lấn chiếm hành lang vỉa hè, lòng đường để bày bán hàng trước các cổng trường.

Công an tỉnh tiếp tục tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và điều tra giải quyết tai nạn giao thông, kịp thời kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông. Đơn vị đôn đốc và thu thập tài liệu, cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, không kịp thời có biện pháp khắc phục đối với các trường hợp đã có kiến nghị để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm. Phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh thống nhất với UBND các huyện, thành, thị xây dựng những “tuyến đường điểm” là mô hình đảm bảo TTATGT đường bộ, rút kinh nghiệm nhân rộng trên toàn tỉnh.

Đối với các UBND các huyện, thành, thị cần xây dựng kế hoạch ra quân tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về giải tỏa hành lang, lấn, chiếm lòng, lề đường, hè phố, trật tự đô thị, trên các tuyến giao thông trọng điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông và các khu vực tìm ẩn, có khả năng phát sinh mới thuộc địa bàn quản lý trước ngày 31-12-2023. Đặc biệt, nghiêm cấm tất cả các trường hợp sử dụng lòng, lề đường làm nơi tổ chức tiệc, cưới hỏi, ma chay.

HOÀNG LONG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/an-toan-giao-thong/202311/tien-giang-tang-cuong-bao-ve-ket-cau-ha-tang-hanh-lang-an-toan-duong-bo-994632/