Tiền Giang: Tăng tốc ôn thi tuyển sinh lớp 10
Chưa đầy một tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ chính thức diễn ra. Đây là kỳ thi đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Chính vì vậy, thời điểm này, học sinh lớp 9 đang tăng tốc ôn thi.LỊCH HỌC CHẬT KÍN
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với mục đích mang tính sàng lọc, tuyển chọn những học sinh có năng lực để tiếp tục học ở bậc THPT. Tại Tiền Giang, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ tuyển trên 75% chỉ tiêu vào lớp 10 công lập. Mặt khác, theo thống kê, số lượng học sinh lớp 9 của Tiền Giang năm nay nhiều hơn năm 2022 là 900 học sinh. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, áp lực đè nặng lên học sinh lớp 9.
Em Nguyễn Thị Cẩm Tiên, học sinh lớp 9 một trường THCS ở ngoại thành TP. Mỹ Tho cho biết: Dự kiến, em sẽ đăng ký 3 nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập với mức điểm chuẩn từ cao xuống thấp. Tuy nhiên, phương án an toàn được đưa ra là bên cạnh 2 nguyện vọng vào các trường tốp đầu ở TP. Mỹ Tho thì em sẽ đặt nguyện vọng cuối cùng sẽ ưu tiên một trường THPT ở huyện Chợ Gạo, nơi có mức điểm chuẩn thấp của tỉnh trong nhiều mùa tuyển sinh vừa qua.
Thời điểm này, em dành hết thời gian cho việc ôn thi. Ngoài việc ôn trên lớp với giáo viên bộ môn, mỗi môn tăng từ 4 đến 6 tiết; trong tuần em học thêm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, mỗi môn 3 buổi. Vào buổi tối, em tập trung luyện đề thi Tiếng Anh, Toán trên mạng”.
Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang, trong điều kiện của từng đơn vị, các trường tổ chức ôn tập cho học sinh một cách phù hợp, nội dung ôn tập phù hợp; trong đó, chú trọng học sinh khá, giỏi, tăng cường quan tâm, giúp đỡ học sinh yếu, kém, giúp các em có được nền tảng kiến thức để dự thi. Từng trường, đặc biệt là các giáo viên trực tiếp đứng lớp cần quan tâm, kịp thời tư vấn tâm lý, gỡ rối những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của học sinh, để các em có thể tự tin bước vào kỳ thi vào đầu tháng 6 tới.
Còn với em Trần Minh Trung, nhà ở huyện Cai Lậy, năm nay sẽ dự tuyển vào Trường THPT Chuyên Tiền Giang cho biết: “So với các bạn cùng lớp, em phải nỗ lực gấp đôi vì có thi thêm môn chuyên. Suốt từ đầu năm lớp 9 đến nay, em không có khái niệm ngày nghỉ, ngày lễ. Đây là giai đoạn nước rút nên em sẽ cố gắng ôn luyện, lịch học dường như đã kín, có hôm em về đến nhà hơn 22 giờ”.
Theo đánh giá của nhiều học sinh lớp 9, so với các tỉnh, thành phố lớn khác, những năm qua, mặc dù đề thi của tỉnh Tiền Giang có mức độ dễ hơn nhưng để đạt điểm vào trường tốp đầu là một thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, học sinh đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều, vô hình trung tạo áp lực cho học sinh. Ngoài giờ học trên lớp, học thêm, đến đêm học sinh lại phải quay cuồng với bài tập, tự luyện đề, học bài…
TĂNG TỐC ÔN THI
Ngay sau tháng 5, các trường đã tăng tốc ôn thi. Chiến lược được nhiều trường đưa ra là tăng cường các tiết ôn tập theo chủ đề, hướng dẫn kỹ năng, cho học sinh làm quen với từng dạng đề cụ thể ở từng môn thi. Đồng thời, các trường học đã phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để mỗi tối sẽ nhắc nhở, quan tâm đến con em mình trong khoảng thời gian ôn tập nước rút này.
Vừa thi xong học kỳ II, Trường THCS thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè bắt tay ngay vào ôn tập cho học sinh thi tuyển vào lớp 10. Trường có 417 học sinh thi tuyển vào lớp 10, chủ yếu vào 2 Trường THPT Cái Bè và THPT Huỳnh Văn Sâm.
Ngay từ đầu học kỳ II, nhà trường đã tiến hành phân loại học sinh dựa vào kết quả thi học kỳ I. Với những học sinh khá, giỏi, nhà trường khuyến khích năng lực tự học, giáo viên sẽ định hướng, gợi mở các vấn đề nâng cao; còn đối với học sinh trung bình, yếu, nhà trường giúp các em lấy lại kiến thức căn bản, phối hợp chặt chẽ với gia đình để kịp thời nhắc nhở, động viên các em trong giai đoạn nước rút hiện nay.
Để công tác ôn thi hiệu quả, nhà trường đã tiến hành sắp lớp và phân công những giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm ôn tập cho các em, hiện đang ôn tập 3 môn thi Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Nội dung ôn tập bám sát vào cấu trúc đề thi của Sở Giáo dục và Đào tạo, chú trọng phương pháp, đánh giá học sinh ở 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Cô Cao Châu Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đoàn Trần Nghiệp cho biết: Với học sinh lớp 9, nhà trường đã sắp xếp thời khóa biểu mới cho học sinh, với thời lượng mỗi môn dao động từ 4 đến 5 tiết. Một trong những nội dung quan trọng trong công tác ôn thi tuyển sinh lớp 10 là học sinh phải nắm chắc phần chuẩn kiến thức, bởi có nắm tốt kiến thức mới làm được bài. Kế tiếp, kỹ năng làm bài thi là nội dung quan trọng mà giáo viên sẽ lưu ý để cung cấp cũng như bổ sung kịp thời giúp học sinh tự tin, sẵn sàng cho kỳ thi vào đầu tháng 6.
QUAN TÂM, GIÚP ĐỠ HỌC SINH
Theo nhiều giáo viên, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 khá áp lực, do mang tính chất phân loại, sàng lọc. Không ít học sinh lo lắng, nếu trượt lớp 10 thì sẽ chịu nhiều định kiến từ gia đình, xã hội, đặc biệt là đối với bạn bè cùng trang lứa.
Theo cô Nguyễn Thị Phương Ngân, Hiệu trưởng Trường THCS Trung An, TP. Mỹ Tho, đây là kỳ thi quan trọng đánh dấu bước ngoặt của học sinh. Thay vì áp lực, học sinh cần bình tĩnh, tập trung ôn tập theo sự định hướng từ thầy cô. Thực tế không phải nếu trượt lớp 10 sẽ không còn cơ hội ở tương lai. Nếu không đỗ vào lớp 10 học sinh có thể theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp nghề… Khi tham gia học nghề, học sinh được hưởng rất nhiều quyền lợi: Được miễn học phí, được học và thi tốt nghiệp THPT và được cấp bằng nghề để tham gia vào thị trường lao động khi đủ tuổi.
* GIÁO VIÊN "MÁCH NƯỚC" ÔN TẬP GIAI ĐOẠN NƯỚC RÚT
Để học sinh (HS) lớp 9 có phương pháp, kinh nghiệm ôn tập thi tuyển sinh lớp 10 trong giai đoạn nước rút, Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với các giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy 3 môn: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh.
* CÔ NGUYỄN THỊ CẨM NGOAN, GIÁO VIÊN NGỮ VĂN, TRƯỜNG THCS THỊ TRẤN CÁI BÈ:
Nắm chắc kiến thức, kỹ năng
Ngữ văn là môn thi tự luận, mang tính chất đặc thù, đòi hỏi kiến thức, kỹ năng của học sinh. Để làm được bài thi, yếu tố quan trọng là phải nắm kiến thức, phải học bài từ đó mới vận dụng, giải quyết vấn đề. Thời điểm hiện tại, các em cần hệ thống hóa kiến thức bằng cách vẽ sơ đồ tư duy, hệ thống hóa kiến thức theo 3 phần, môn Văn, Tiếng Việt và tập làm văn là rất cần thiết. Với phần đọc hiểu, học sinh cần nắm lại các kiến thức từ vựng, ngữ pháp câu Tiếng Việt, liên kết câu.
Riêng phần làm văn, để làm tốt câu nghị luận xã hội, học sinh phải ôn tập, biết phương pháp, cách trình bày bài văn nghị luận xã hội ở từng dạng đề cụ thể. Còn với nghị luận văn học, học sinh phải nắm chắc kiến thức từ các văn bản đã được giới hạn, từ đó vận dụng để làm bài.
* CÔ HUỲNH THỊ DIỄM TRANG, GIÁO VIÊN TIẾNG ANH, TRƯỜNG THCS TRUNG AN, TP. MỸ THO:
Rèn luyện kỹ năng làm bài
Tiếng Anh là môn thi trắc nghiệm, đề thi sẽ có tất cả 40 câu trắc nghiệm, bao gồm: Phần phát âm, từ đồng nghĩa, trái nghĩa, câu hỏi giao tiếp, điền từ, bài đọc, các cấu trúc ngữ pháp... Việc ôn thi hiện nay là hệ thống lại các kiến thức ngữ pháp, xem lại cấu trúc câu…
Ở thời điểm này, điều vô cùng cần thiết là học sinh cần xem lại, dịch lại các bài đọc trong sách giáo khoa. Bên cạnh việc ôn tập kiến thức, học sinh chú trọng rèn luyện kỹ năng làm trắc nghiệm dưới sự hướng dẫn của giáo viên, bởi qua quá trình làm bài; giáo viên sẽ định hướng đâu là vấn đề cần chú ý cũng như các mẹo khi làm bài để có thể tìm ra đáp án tối ưu nhất.
* THẦY NGUYỄN THANH HẢI, GIÁO VIÊN TOÁN, TRƯỜNG THCS THỊ TRẤN CÁI BÈ:
Ôn tập đúng trọng tâm, trọng điểm
Một trong những nguyên tắc dạy ôn luyện tuyển sinh lớp 10 ở môn Toán là giáo viên bám sát vào cấu trúc đề thi của Sở Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ vào cấu trúc đề thi việc ôn tập sẽ tương đối dễ dàng, sẽ ôn đúng trọng tâm, trọng điểm ở từng dạng bài cụ thể.
Trong thời điểm này, học sinh cần nghiên cứu, theo dõi đề thi trong 3 năm trở lại đây để ôn tập; đồng thời, nắm bắt xu hướng đổi mới của đề thi những năm gần đây. Quá trình ôn thi sẽ có 2 giai đoạn cụ thể là ôn kiến thức và giải đề. Trong đó, phần giải đề sẽ giúp học sinh tập làm quen với đề, đáp án, cơ số điểm trong từng bài toán cụ thể.
Vấn đề cốt yếu ở môn Toán là để giải được tất cả các bài tập đòi hỏi các em phải thuộc công thức. Trong quá trình ôn tập, học sinh cần xem lại, thống kê các công thức quan trọng và phải học thuộc. Với từng dạng bài cụ thể mà giáo viên đã dạy, học sinh phải nắm chắc, nhuần nhuyễn từng bước làm, cách giải, cách trình bày bài làm.
Để tránh bị mất điểm đáng tiếc, học sinh tuyệt đối không được phạm phải những sai lầm như: Tính sai, vẽ hình sai, hình vẽ thiếu nét, trình bày quá vắn tắt… Một bài toán có thể giải bằng nhiều cách, thế nhưng đây là hình thức thi tự luận, chính vì vậy các em hãy chú ý thật kỹ cách trình bày, vì từng bước triển khai đều có điểm số.