Tiền Giang tăng tốc xử lý các điểm sạt lở

Đang vào mùa mưa bão, các tỉnh miền tây nói chung và Tiền Giang nói riêng đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến nhiều công trình của địa phương và tài sản của nhân dân. Chỉ riêng Tiền Giang, địa phương đang xử lý khẩn cấp 64 điểm sạt lở lớn, kinh phí khắc phục trên 200 tỷ đồng. Nguồn kinh phí có hạn, việc xử lý cũng gặp không ít khó khăn và ưu tiên cho những công trình sạt lở cấp bách.

Đoạn sạt lở nghiêm trọng trên tuyến kênh 28 đang được tỉnh Tiền Giang triển khai kè kiên cố.

Đoạn sạt lở nghiêm trọng trên tuyến kênh 28 đang được tỉnh Tiền Giang triển khai kè kiên cố.

Những tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo và thị xã Cai Lậy xảy ra 64 điểm sạt lở, với tổng chiều dài ước tính khoảng 6.300m, ước kinh phí trên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, 42 điểm sạt lở có quy mô lớn và nguy hiểm, với chiều dài khoảng gần 5.000m, kinh phí khoảng 152 tỷ đồng, vượt quá nguồn ngân sách cấp huyện. Các điểm sạt lở này cần được xử lý khẩn cấp để bảo vệ vườn cây ăn trái, tính mạng, tài sản của người dân và kết hợp ngăn lũ, triều cường trong thời gian tới.

Trước mắt, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đề xuất với các ngành có liên quan để trình Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang hỗ trợ khoảng gần 68,5 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công cho các địa phương để xử lý khẩn cấp 25 điểm sạt lở, với chiều dài gần 3.000m.

Đối với các điểm sạt còn lại, với chiều dài trên 2.300m, kinh phí khoảng 92,3 tỷ đồng, tùy theo mức độ khẩn cấp mà huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để bố trí từ nguồn ngân sách cấp huyện để xử lý.

Nhà cặp tuyến kênh 28, bà Nguyễn Thị Huyền, ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, trước đây, gia đình luôn sống trong cảnh lo ngại vì sạt lở luôn chực chờ. Người dân luôn sống trong tâm lý bất an. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân cũng bị hạn chế, nguồn thu nhập mang lại kinh tế cho gia đình cũng gặp khó khăn. Giờ đây, Nhà nước đang thực hiện đầu tư tuyến kè kiên cố nên chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm hơn”.

Ngay sau khi bố trí vốn và tổ chức động thổ, các nhà thầu đã tập trung nhân lực, thiết bị khẩn trương triển khai thi công các gói thầu thuộc Dự án xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên tuyến kênh 28 thuộc huyện Cái Bè (Tiền Giang).

Ghi nhận thực tế tại công trường Dự án xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên tuyến kênh 28, không khí thi công đang rất tất bật, các gói thầu sau khi động thổ đều được triển khai và thi công khẩn trương.

Ticco Tiền Giang huy động nhân lực, thiết bị để triển khai thi công gói thầu đoạn 3, 4 của tuyến kênh 28.

Ticco Tiền Giang huy động nhân lực, thiết bị để triển khai thi công gói thầu đoạn 3, 4 của tuyến kênh 28.

Ông Phan Thái Linh, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng 116 (thi công gói thầu đoạn 1, 2, 6, 7, 9,10) cho biết: “Trong điều kiện nắng mưa bất chợt như hiện nay, việc thi công công trình gặp khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh Tiền Giang và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện trong công tác giải phóng mặt bằng nên việc thi công khá thuận lợi. Để sớm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng, chúng tôi bố trí gần 100 công nhân để thi công cả ngày lẫn đêm”.

Còn tại gói thầu đoạn 3, 4 do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây dựng thủy lợi Tiền Giang (Ticco Tiền Giang) trúng thầu, công tác triển khai thi công cũng đang được tập trung khẩn trương.

Ông Nguyễn Văn Thành, đại diện Ticco Tiền Giang cho biết, đây là công trình khẩn cấp nên đơn vị đã huy động nhân lực, thiết bị để tăng ca, tăng kíp, phấn đấu đưa gói thầu hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Đơn vị quyết tâm sẽ hoàn thành công trình trước ngày 31/12/2024. Ticco Tiền Giang sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tại công trường, triển khai 2 mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ gói thầu.

Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, Dự án xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên tuyến kênh 28 có tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng. Chiều dài tuyến kè là khoảng 2.300m, gồm 10 đoạn, chia làm 3 gói thầu xây lắp. Các gói thầu được triển khai thi công và sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2024.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đàm Thanh Tuyến cho biết, dự án này thực hiện trong thời gian 6 tháng. Điều kiện thi công phụ thuộc vào thủy triều nên các nhà thầu thi công rất khẩn trương để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, từ đó phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ. Qua quá trình triển khai thực hiện, đến thời điểm này, dự án đạt kế hoạch đề ra và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Dự án được đầu tư với mục tiêu phòng chống sạt lở, ổn định dân cư, bảo đảm sự phát triển kinh tế-xã hội ổn định tại địa phương. Dự án bảo đảm giải ngân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, cũng như cam kết với Trung ương.

Trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sạt lở trên tuyến kênh 28 để tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang để có hướng xử lý nhằm mục đích ổn định dân cư, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

Trong nhiều năm qua, tuyến kênh 28 qua địa phận huyện Cái Bè (Tiền Giang) thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài sạt lở gần 3.800m. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn liên xã của huyện Cái Bè.

Sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và nhà cửa của 1.350 hộ dân đang sinh sống ven theo kênh 28 và 810ha đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Việc đầu tư kè nhằm xử lý các đoạn sạt lở trên tuyến kênh 28 là rất cần thiết và cấp bách, đáp ứng mong mỏi, khát vọng được an cư của người dân địa phương.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tien-giang-tang-toc-xu-ly-cac-diem-sat-lo-post820432.html