Tiền Giang tạo sức mạnh nội sinh từ xây dựng và phát triển văn hóa

'Văn hóa soi đường cho quốc dân đi'. Tư tưởng, quan điểm này được thể hiện trong bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức vào tháng 11-1946. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, các hội nghị Trung ương, quan điểm ấy của Người được Đảng kế thừa, phát huy, thực hiện hiệu quả. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có những quyết sách đúng đắn để phát triển văn hóa phù hợp với từng thời kỳ cách mạng. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới và hội nhập, Đảng ta luôn khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa: 'Xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội'.

Trong thời gian qua, Tiền Giang luôn quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa; đặc biệt là tập trung thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và thực hiện Luật Di sản văn hóa, nên công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới ở tỉnh Tiền Giang đạt được những kết quả quan trọng.

ĐƯA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VỀ VĂN HÓA VÀO CUỘC SỐNG

Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm triển khai, thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Xác định “Xây dựng và phát triển văn hóa” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Tỉnh ủy Tiền Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt việc triển khai quán triệt sâu rộng chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Khai thác nét đẹp văn hóa qua các lễ hội truyền thống để phát triển du lịch và giáo dục thế hệ trẻ (ảnh: Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định). Ảnh: PV

Khai thác nét đẹp văn hóa qua các lễ hội truyền thống để phát triển du lịch và giáo dục thế hệ trẻ (ảnh: Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định). Ảnh: PV

Cụ thể hóa Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI bằng Chương trình hành động 57, ngày 22-8-2014 của Tỉnh ủy. Theo đó, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh khẩn trương xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch hoạt động, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền nghị quyết, chú trọng các giải pháp phối hợp thực hiện, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ, nhằm cụ thể hóa, đưa nội dung nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực trong đời sống xã hội.

Xuất phát từ ý nghĩa và yêu cầu thực tế đó, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã xây dựng 4 Đề án: “Phát triển văn hóa nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020”; “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025”; “Thí điểm nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường trên địa bàn TX. Gò Công năm 2020”; “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2021”.

GÓP PHẦN TẠO NÊN SỨC MẠNH NỘI SINH

Quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho công tác xây dựng và phát triển văn hóa từ trước đến nay của Đảng ta. Văn hóa là sức mạnh nội sinh góp phần tuyên truyền, giáo dục, định hướng, “soi đường” cho nhận thức và hành động của mỗi con người. Khởi nguồn từ những hoạt động, phong trào văn hóa có giá trị về mặt nhân văn, có tính tổ chức cao hướng đến “chân, thiện, mỹ” làm cho con người có tình người hơn, thương yêu, chia sẻ với nhau hơn.

Minh chứng từ thực tế “đồng lòng chống dịch Covid-19” của cả nước vừa qua, từ lời kêu gọi, từ nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng, toàn hệ thống chính trị và tất cả nhân dân cùng “đồng lòng”, “cả nước cùng ra trận”, cùng “xuống đường” để chống “giặc”...

Các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ được quan tâm, đầu tư, tạo nên phong trào văn hóa lành mạnh, bổ ích, làm nền tảng tinh thần trong nhân dân. Đặc biệt, thông qua việc tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn như: Lễ hội Văn hóa du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè), Lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đường hoa Xuân và các hoạt động vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc từ tỉnh đến cơ sở, vừa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng lãm của nhân dân trong tỉnh và du khách trong, ngoài nước, vừa góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Tiền Giang.

Đồng thời, góp phần giữ gìn, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc; bồi đắp lý tưởng, nhân cách sống, góp phần quan trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Trân trọng quá khứ, nâng niu giữ gìn những thành quả cách mạng; đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện phủ nhận thành quả cách mạng, thiếu tôn trọng lịch sử truyền thống và công lao của thế hệ đi trước, việc giáo dục nâng cao hiểu biết và lòng tự hào về quá khứ hào hùng, truyền thống vẻ vang của Đảng, của đất nước cho nhân dân, đặc biệt cho thế hệ trẻ là điều rất quan trọng và vô cùng cần thiết và là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Đây là công việc phải làm thường xuyên, liên tục, bằng nhiều biện pháp sinh động, phong phú, hiệu quả.

Lễ hội Văn hóa du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè năm 2019. Ảnh: PV

Lễ hội Văn hóa du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè năm 2019. Ảnh: PV

Tiền Giang luôn quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh, nhằm giữ gìn và tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, góp phần nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, quảng bá giá trị di sản văn hóa của Tiền Giang với khách tham quan du lịch trong và ngoài nước. Toàn tỉnh có 182 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, 160 di tích cấp tỉnh và 22 di tích cấp quốc gia.

Xác định công tác giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương là để góp phần khơi dậy sức mạnh nội sinh, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã có 81 di tích được xếp hạng di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh; 35 di tích được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, nhất là thanh, thiếu niên và học sinh, sinh viên.

Công tác trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử, văn hóa; sưu tầm các hiện vật bảo tàng cũng được chú trọng thực hiện thường xuyên. Rạp hát Thầy Năm Tú và Nhà Bạch Công Tử là 2 di tích văn hóa có tiếng một thời của vùng đất lục tỉnh xưa được trùng tu, khai thác. Từ năm 2015 đến nay, rạp hát Thầy Năm Tú (phường 1, TP. Mỹ Tho) được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức biểu diễn phục vụ miễn phí trên 600 chương trình đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương, thu hút nhiều tài tử và khán giả mộ điệu đến xem và tham gia biểu diễn.

Có thể nói, công tác giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống để khơi dậy sức mạnh nội sinh luôn được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thời gian tới, tỉnh Tiền Giang cần tập trung thực hiện một số nội dung, giải pháp sau:

Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới; đề ra những quyết sách phù hợp để khơi dậy sức mạnh nội sinh và phát huy vai trò “soi đường” của văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Nâng cao nhận thức trong nội bộ Đảng và nhân dân chăm lo sự nghiệp văn hóa chính là để tạo ra sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới hiện nay là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Song song đó, tiếp tục nâng cao năng lực tham mưu của cơ quan chuyên trách và cán bộ làm công tác văn hóa, góp phần đưa những quan điểm chỉ đạo, nội dung, chương trình hành động thực hiện nghị quyết thành hiện thực. Chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ văn hóa đủ chuẩn, đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Và đặc biệt, nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu hoạt động vui chơi, giải trí thiết thực của nhân dân.

Nhìn lại chặng đường đã qua, hướng tới mục tiêu của năm 2022 và những năm tiếp theo, với quyết tâm chính trị trong tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các giải pháp vừa nêu và sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các ban, ngành, đoàn thể trong tham mưu, tổ chức thực hiện, chắc chắn, trong thời gian tới, việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Tiền Giang theo hướng toàn diện, đạt các giá trị chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực.

Văn hóa Tiền Giang sẽ thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TIỀN GIANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202111/tien-giang-tao-suc-manh-noi-sinh-tu-xay-dung-va-phat-trien-van-hoa-939524/