Tiền Giang: Tập trung 9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 (*)

Ngày 12-1 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị lần thứ 11. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đơn vị tỉnh Tiền Giang tại hội nghị.

Sáng nay, chúng ta có hơn 4 giờ để kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022; đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho năm 2023.

Điều phấn khởi là hầu hết các chỉ tiêu chúng ta thực hiện đạt và vượt so với Nghị quyết và tăng so với cùng kỳ năm 2021 (có 20/22 chỉ tiêu đạt và vượt, còn 2 chỉ tiêu về tuyển sinh mới đào tạo bậc cao đẳng, trung học và kết nạp đảng viên mới chưa đạt). Kết quả trên đã nói lên được sự đoàn kết, quyết tâm rất cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ và chia sẻ của các đồng chí lão thành cách mạng, của cộng đồng doanh nghiệp và của người dân trong thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, vừa khôi phục và đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội khi chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại và những nhiệm vụ, giải pháp đã được thể hiện khá rõ trong dự thảo báo cáo và qua ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, của các địa phương, đặc biệt là ý kiến của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh thì nhiều vấn đề đã được phân tích, làm rõ thêm, tôi không nhắc lại. Tôi chỉ nhấn mạnh thêm một số việc nổi bật đã đạt được, lưu ý một số vấn đề hạn chế, tồn tại và những công việc cần tập trung trong năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh chỉ đạo những nội dung cần thực hiện trong năm 2023 tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang diễn ra vào ngày 12-1.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh chỉ đạo những nội dung cần thực hiện trong năm 2023 tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang diễn ra vào ngày 12-1.

Trước hết, tôi xin điểm lại một số kết quả nổi bật được thể hiện bằng những con số ấn tượng và qua những việc làm cụ thể:

Đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 7,02% (Nghị quyết 6% - 7%), so với năm 2021 tăng trưởng âm 0,65%; thu nhập bình quân đầu người 63,2 triệu đồng, đạt 104,7%, tăng 6,7 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu 3,85 tỷ USD, đạt 114,9%, tăng 23,9%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 41,84 ngàn tỷ đồng, đạt 100,2%, tăng 10,1%; thu ngân sách 10.887 tỷ đồng, đạt 123,3%, tăng 27,9% (ngay trong tháng 10 chúng ta đã đạt về thu ngân sách); chi đầu tư phát triển 5.447 tỷ đồng, đạt 138,2%, tăng 58,8%; tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công đạt 100%. Số doanh nghiệp thành lập mới là 923 doanh nghiệp, đạt 137,3% (Nghị quyết 670 doanh nghiệp), tăng 253 doanh nghiệp. Xây dựng 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Nghị quyết 12 xã), tăng 1 xã; 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Nghị quyết 11 xã), tăng 5 xã; huyện Cai Lậy đạt chuẩn nông thôn mới (đúng theo Nghị quyết). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 giảm còn 1,27%, so với năm 2021 là 1,6%.

Đó là: Nhiều công trình, dự án trọng điểm của Trung ương, của tỉnh triển khai thực hiện đạt tiến độ (có công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và có công trình đã khởi công, đang triển khai thực hiện) như: Thu phí cao tốc Trung ương - Mỹ Thuận, tuyến tránh BOT Cai Lậy đảm bảo an toàn, không xảy trường hợp gây mất trật tự, an toàn giao thông; cầu Vàm Cái Thia (thông xe phục vụ nhân dân trong dịp tết); Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang (bệnh viện ngàn giường) đã hoàn thành, đang thực hiện các gói thầu di dời để đưa vào hoạt động; Dự án Điện gió Tân Phú Đông 1 (dự kiến tháng 10-2023 vận hành, chạy thử); cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, đường tỉnh 864, các cống ngăn mặn, Khu công nghiệp Bình Đông... tiếp tục thực hiện theo lộ trình, kế hoạch đề ra.

Đó là: Đã tổ chức thành công Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp năm 2022, góp phần phục hồi hoạt động du lịch của tỉnh qua 2 năm bị tác động bởi đại dịch Covid-19; tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng và các hoạt động lễ, hội kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc, đảm bảo trang trọng, thiết thực, ý nghĩa, thu hút hàng ngàn người dân tham dự; nhân dịp này, Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội đảm bảo; công tác tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Tiền Giang đạt yêu cầu, chất lượng, an toàn tuyết đối, được Quân khu đánh giá cao; tội phạm về trật tự xã hội giảm 41,2% số vụ và tai nạn giao thông đường bộ giảm 116 vụ, giảm 140 người bị thương so với cùng kỳ năm 2021.

Đó là: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể luôn được chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn, bổ sung cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đã bổ sung 3 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (đủ số lượng 51 đồng chí) và 3 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy (đủ số lượng 15 đồng chí) theo đề án nhân sự Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh; đã thực hiện quy trình và quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031.

Đó là: Việc triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, nhất là các văn bản mới, văn bản chỉ đạo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ; về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về nêu gương và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đặc biệt được quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ nét trong tư tưởng, đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, gắn với nâng cao ý thức, nhận thức, sự đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ trong công việc, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, phòng ngừa sai phạm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, của cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, đồng chí Võ Văn Bình và đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang diễn ra vào ngày 12-1.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, đồng chí Võ Văn Bình và đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang diễn ra vào ngày 12-1.

Về những khó khăn, hạn chế (dự thảo báo cáo đã đề cập đầy đủ, các đồng chí cũng đã nói nhiều), tôi chỉ lưu ý một số vấn đề để các đồng chí sớm có giải pháp khắc phục:

Khó khăn, hạn chế thứ nhất: Một số ngành, lĩnh vực kinh tế hoạt động thiếu tính bền vững và khả năng thích ứng trước những biến động của thị trường chưa cao; một số dự án khu, cụm công nghiệp triển khai chậm, thủ tục đầu tư kéo dài, nhất là thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định chủ trương đầu tư (như Cụm công nghiệp An Thạnh 2, Tân Lý Đông, Thạnh Tân; Khu công nghiệp Tân Phước; Khu công nghiệp Long Giang tỷ lệ lấp đầy mới đạt 76,46%, còn hơn 90 ha).

Khó khăn, hạn chế thứ hai: Lực lượng lao động thường xuyên biến động và thiếu hụt sau dịch bệnh Covid-19, gây khó khăn trong kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp; một số chợ nông thôn xuống cấp, hệ thống nước thải và vệ sinh chưa đảm bảo, cùng với việc bán hàng không đăng ký điểm cố định cặp theo các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, trước cửa các chợ... đã lấn át chợ truyền thống, gây không ít khó khăn cho các hộ tiểu thương ở các chợ nông thôn và vấn đề giao thông chậm được xử lý.

Khó khăn, hạn chế thứ ba: Nhân lực ngành Y tế còn thiếu để đáp ứng công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; số lượng bác sĩ đào tạo theo yêu cầu, theo địa chỉ, đào tạo liên thông chưa đủ bổ sung cho các đơn vị y tế, nhất là tuyến cơ sở; bệnh viện ngàn giường đã xây dựng hoàn thành nhưng chưa đưa vào hoạt động, do gặp khó khăn trong đấu thầu; một số cơ sở được trưng dụng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến nay chưa được quyết toán, chậm bàn giao.

Khó khăn, hạn chế thứ tư: Việc xử lý thông tin, giải quyết những vấn đề mới phát sinh, vấn đề nhạy cảm trong xã hội có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; tình trạng khiếu kiện tuy có giảm và vụ việc đã được xử lý đúng quy định nhưng vẫn còn xảy ra; an ninh, trật tự xã hội tuy được kiểm soát, kéo giảm nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định; tai nạn giao thông đường bộ giảm về số vụ, số người bị thương nhưng tăng về số người tử vong (số người tử vong là 261/238 người so với năm 2021), tăng 23 người.

Khó khăn, hạn chế thứ năm: Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy và sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền ở một số lĩnh vực chưa thực sự tập trung, thiếu quyết liệt; chưa chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh hoặc khi gặp khó khăn, vướng mắc; có lúc, có nơi nội bộ chưa có sự thống nhất cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Điều đáng lo ngại phải được xử lý, khắc phục ngay, đó là một ít nơi có cán bộ (kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý) có biểu hiện thỏa mãn với những kết quả đã đạt được hoặc lơi là, sa sút ý chí phấn đấu; thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; khi gặp khó khăn thiếu sự quyết tâm, công tác phối hợp thiếu chặt chẽ, đâu đó vẫn còn tư tưởng “quyền anh”, “quyền tôi”... (các đồng chí xem có phải vậy không?).

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Về những công việc cần tập trung trong thời gian tới (Qua ý kiến phát biểu của các đồng chí và 31 nhiệm vụ được đề ra trong dự thảo báo cáo - tôi thấy đã quá nhiều và rất cụ thể). Tôi chỉ nhấn mạnh thêm một số việc:

Thứ nhất: Phải tăng cường theo dõi, nắm chắc tình hình để có chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống sạt lở, hạn, xâm nhập mặn; nâng cao khả năng phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai... đảm bảo sản xuất, sinh hoạt và an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình ngăn mặn, hệ thống thủy lợi để điều tiết, tích nước cho mùa khô; tập trung xử lý nước thải, rác thải, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân (cần nghiên cứu giải pháp tích cực nhất để xử lý vấn đề thiếu nước cục bộ ở một số nơi đã được đại biểu HĐND tỉnh nhắc đến qua nhiều kỳ họp).

Thứ hai: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, gắn với củng cố, nâng chất và duy trì các tiêu chí tại các xã, các huyện được công nhận nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới; chủ động lựa chọn những tiêu chí có thế mạnh, ít đầu tư chi phí để ưu tiên thực hiện trước, gắn với kịp thời kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện. Phải đặc biệt coi trọng chất lượng trong xây dựng nông thôn mới; chất lượng cuộc sống, mức sống của người nông dân ở những nơi đã xây dựng xã nông thôn mới.

Thứ ba: Kiểm tra, rà soát, đánh giá cụ thể từng chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn theo kế hoạch (tháng, quý, 6 tháng và cả năm) để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2022 nhằm bù đắp cho những thiệt hại, tổn thất của 2 năm đầu nhiệm kỳ (Năm 2020, do hạn, mặn; năm 2021, do dịch bệnh Covid-19. Thực tiễn cho thấy, chúng ta còn năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, là khoảng thời gian tập trung nhiều cho việc phát triển kinh tế - xã hội sau Đại hội; nửa năm còn lại của năm 2024 và năm 2025, chúng ta phải dành phần lớn cho công tác chuẩn bị Đại hội đảng bộ 3 cấp ở địa phương). Triển khai thực hiện thật tốt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngay khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) làm cơ sở để triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và đầu tư công trung hạn; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tạo động lực mới cho sự phát triển.

Thứ tư: Sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư các công trình, dự án của tỉnh, của các huyện, thành, thị, nhất là các công trình, dự án có tính liên kết vùng, có sức lan tỏa trong phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, tiến tới tự cân đối ngân sách. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số (nhiều mặt trong các vấn đề này còn hạn chế, phải có giải pháp nâng lên).

Thứ năm: Tiếp tục theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án, công trình giao thông liên kết vùng như: Cầu Mỹ Thuận 2, Cầu Rạch Miễu 2, Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, nâng cấp kinh Chợ Gạo (giai đoạn 2); quan tâm hơn nữa việc mời gọi, thu hút nhà đầu tư để lấp đầy Khu công nghiệp Long Giang; ưu tiên đầu tư Khu công nghiệp Bình Đông, Khu công nghiệp Tân Phước và các cụm công nghiệp đã quy hoạch; tiếp tục kiến nghị Chính phủ chuyển giao Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp về tỉnh quản lý. Phải có quyết tâm cao nhất trong khắc phục khó khăn để sớm di dời Bệnh viện Đa khoa tỉnh đưa vào khai thác, sử dụng nhưng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, gắn với phát triển khu vực xung quanh bệnh viện các trung tâm nghiên cứu y khoa kỹ thuật cao, các dịch vụ phục vụ cộng đồng phù hợp (đây là việc lớn, hệ trọng, có liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe con người; là sự chờ đợi của cả đảng bộ, chính quyền và đặc biệt là của nhân dân tỉnh nhà, không thể để trì trệ, kéo dài).

Thứ sáu: Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với thị trường lao động và xu hướng dịch chuyển lao động trong nông nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, đổi mới hoạt động hỗ trợ hộ nghèo và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân; duy trì bền vững bảo hiểm y tế toàn dân; đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống y tế tuyến cơ sở, nâng cao hiệu quả phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan trong cộng đồng, nhất là bệnh sốt xuất huyết, dịch bệnh Covid-19 không được chủ quan, lơ là để tái phát trở lại.

Thứ bảy: Thực hiện tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, chủ động phối hợp thực hiện hiệu quả các kế hoạch, phương án đấu tranh, phòng ngừa và tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm giết người, cướp giật, cố ý gây thương tích, tội phạm về ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, băng nhóm côn đồ sử dụng hung khí, vũ khí hành xử theo kiểu xã hội đen, cho vay lãi nặng, đảm bảo an toàn giao thông... Tăng cường công tác tiếp dân, xem xét xử lý đúng quy định của pháp luật các vụ khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng khiếu kiện để gây rối trật tự công cộng (ngành Công an phải làm nòng cốt, chủ động phối hợp với lực lượng Quân sự, Biên phòng theo dõi nắm chắc tình hình, quản lý chặt đối tượng, ngăn chặn kịp thời, phòng ngừa hiệu quả, không để bị động, bất ngờ ở mọi tình huống, không để hình thành “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự, về an toàn giao thông, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023).

Thứ tám: Thường xuyên quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm, sự nêu gương, tính chủ động, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, đây là biện pháp hữu hiệu để khắc phục bệnh quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm tệ “tham nhũng vặt”, “gợi ý”, “lót tay”, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Tiếp tục đổi mới phong cách, phương pháp công tác, lề lối làm việc theo hướng tuân thủ quy chế làm việc, bám sát thực tiễn, nâng cao trách nhiệm, xử lý công việc đúng thẩm quyền, đúng quy định; ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ sớm, từ xa. Lãnh đạo công tác chuẩn bị và tổ chức tốt việc sơ kết, lấy ý kiến tín nhiệm giữa nhiệm kỳ Đại hội đảng bộ các cấp (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Thứ chín: Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ Tết Quý Mão năm 2023 (các đồng chí căn cứ vào nội dung Chỉ thị 19, ngày 18-11-2022 của Ban Bí thư và Công văn 1745, ngày 5-12-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện), tôi chỉ nói thêm mấy việc:

Một là: Giải quyết sớm các khoản chi lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, các gia đình chính sách, người có công với nước trước khi nghỉ tết. Tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công và lực lượng thường trực làm nhiệm vụ trong những ngày tết. Thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, người gặp khó khăn, thu nhập thấp, người lao động bị mất việc làm do dịch bệnh Covid-19... để mọi người, mọi nhà đều được đón Tết cổ truyền trong không khí vui tươi, đầm ấm. Theo dõi chặt chẽ việc giải quyết chế độ tiền lương, tiền thưởng cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp; nắm chắc tình hình đời sống, sinh hoạt của công nhân để chăm lo cho công nhân vui tết một cách thiết thực, phù hợp với tình hình chung của mỗi doanh nghiệp.

Hai là: Tổ chức các hoạt động vui Tết Quý Mão năm 2023 và kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương; thực hiện nghiêm chủ trương không tổ chức đi thăm, chúc tết, biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp tết (cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng phải thật sự nêu gương trong việc thực hiện việc này).

Ba là: Triển khai đồng bộ các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội để mọi người, mọi nhà đều được đón tết trong an lành; tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, kiềm chế thấp nhất tai nạn giao thông và không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép; phân công lực lượng thường trực điều tiết, tránh để xảy ra ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ trong những ngày trước và sau tết.

Thứ tư là: Quản lý tốt thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá hàng hóa tăng cao để thu lợi bất chính... Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 (giao Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh có phương án cụ thể để ứng phó khi dịch bệnh tái phát).

Năm là: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, địa phương có kế hoạch bố trí cán bộ, nhân viên trực để xử lý, giải quyết kịp thời các công việc và thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong những ngày nghỉ tết. Ngay sau thời gian nghỉ tết phải ổn định các công việc, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong những tháng đầu của năm 2023; đồng thời, phải đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu giao quân đủ số lượng và đạt chất lượng.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của các đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, giao Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp và có văn bản báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến cụ thể.

Hội nghị tổng kết năm 2022 đến đây kết thúc. Nhân dịp năm mới - năm Quý Mão 2023, chúc các đồng chí và gia đình hạnh phúc, an khang, thịnh vượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

NGUYỄN VĂN DANH

(Ủy viên Ban Chấp hànhTrung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang)

(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202301/tien-giang-tap-trung-9-nhiem-vu-trong-tam-trong-nam-2023--969311/