Tiền Giang: Thi công xây dựng cầu Tân Phong

Sáng 12-4, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ thi công xây dựng cầu Tân Phong bắc qua xã Tân Phong, huyện Cai Lậy.

Các đại biểu tham dự Lễ khởi công.

Các đại biểu tham dự Lễ khởi công.

Tham dự Lễ thi công có các đồng chí: Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành…

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang, tổng mức đầu tư của cầu Tân Phong là hơn 239 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng hơn 137 tỷ đồng. Theo thiết kế, phần cầu chính có chiều dài cầu hơn 359 m, gồm 9 nhịp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng phát biểu tại Lễ thi công.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng phát biểu tại Lễ thi công.

Khổ cầu rộng 9 m, khổ thông thuyền tĩnh không đứng 7 m, tĩnh không ngang 30 m. Tải trọng thiết kế HL93. Phần đường vào cầu có tổng chiều dài hơn 1.400 m; tải trọng thiết kế trục 10 tấn. Bề rộng mặt đường 7 m, bề rộng nền đường 9 m.

Đoạn tiếp giáp mố cầu bề rộng mặt đường mở rộng đạt 8 m, nền đường rộng 9 m bằng bề rộng khổ cầu. Kết cấu mặt đường láng nhựa trên móng cấp phối đá dăm; bố trí hệ thống chiếu sáng trên cầu và đường vào cầu, hệ thống an toàn giao thông.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang Trần Minh Trung báo cáo Dự án Cầu Tân Phong.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang Trần Minh Trung báo cáo Dự án Cầu Tân Phong.

Đơn vị thi công là Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Thuận và Công ty cổ phần xây dựng 525. Theo kế hoạch, thời gian thi công dự án trong vòng 12 tháng.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang Trần Minh Trung cho biết, đây là công trình thi công tương đối khó khăn do khoảng cách vận chuyển thiết bị, vật tư từ đất liền khá xa, phải vận chuyển bằng đường thủy, thi công cọc khoan nhồi và phần hạ hoàn toàn trên sông… đòi hỏi các đơn vị thực hiện công trình phải có giải pháp tốt, kinh nghiệm. Qua đấu thầu, chủ đầu tư đã lựa chọn được các đơn vị đáp ứng được yêu cầu.

Phát biểu tại Lễ thi công, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định hạ tầng giao thông là một trong những khâu then chốt, đột phá, có ý nghĩa chiến lược trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Thuận - đại diện liên danh nhà thầu phát biểu tại Lễ thi công.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Thuận - đại diện liên danh nhà thầu phát biểu tại Lễ thi công.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh đã có chủ trương ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, tỉnh đã và đang tập trung đầu tư xây dựng nhiều dự án giao thông quan trọng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, việc đầu tư các cầu để kết nối, phục vụ nhu cầu giao thông của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội tại các cù lao trên địa bàn tỉnh tiếp tục được xác định là trọng tâm, trọng điểm.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh cho ngành Giao thông là 9.615 tỷ đồng chiếm 37,8% trên tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 25.427 tỷ đồng.

Nghi thức thi công cầu Tân Phong.

Nghi thức thi công cầu Tân Phong.

Trong năm 2022 - 2023, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư thêm 2 cầu lớn trên địa bàn huyện Cái Bè với tổng mức đầu tư khoảng 232 tỷ đồng (cầu Vàm Cái Thia và cầu Mỹ Đức Tây).

Đồng thời, tiếp tục đầu tư 2 cầu lớn với tổng mức đầu tư 384,69 tỷ đồng bắc qua cồn Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông) và cầu Tân Phong bắc qua cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy). Riêng cù lao Thới Sơn được Trung ương đầu tư cầu Rạch Miễu nối liền tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre qua cù lao Thới Sơn.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và các đại biểu tham dự Lễ khởi công tham quan công trường.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và các đại biểu tham dự Lễ khởi công tham quan công trường.

Như vậy, sau khi cầu Tân Phong hoàn thành, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chỉ còn lại cù lao Lợi Quan (huyện Tân Phú Đông) sẽ được đầu tư cầu kết hợp với Dự án Tuyến đường ven biển nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre và cồn Tân Long (thuộc TP. Mỹ Tho) sẽ được xem xét, đầu tư vào thời điểm thích hợp.

Công trình cầu Tân Phong sau khi hoàn thành sẽ giúp xã Tân Phong xóa thế xã cù lao, nối liền giao thông đường bộ với đất liền hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển nhanh và bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao…

Đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về quá trình tổ chức thi công thực hiện thi công công trình.

Hằng tuần có kế hoạch kiểm tra, đánh giá tiến độ, chất lượng công trình, kịp thời chủ trì xử lý phát sinh, vướng mắc cho dự án trong quá trình thực hiện; phối hợp với các địa phương để tiếp tục bàn giao công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện tốt công tác giám sát của nhân dân.

Nhà thầu thi công lập biện pháp thi công phải đảm bảo vượt tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình; kiểm soát chặt chẽ và chịu trách nhiệm về vật liệu, tiến độ thi công, biện pháp thi công…

ANH PHƯƠNG - M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202404/tien-giang-thi-cong-xay-dung-cau-tan-phong-1007771/