Tiền Giang: Thực hiện số hóa trong lĩnh vực người có công
Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Tiền Giang triển khai trên các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực người có công đã thực hiện nghiêm túc bước đầu đạt hiệu quả tích cực. TRIỂN KHAI NGHIÊM TÚC
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kiều Loan cho biết: “Thực hiện Đề án 06, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều công văn liên quan nhằm triển khai hiệu quả đề án. Trong đó, có các công văn: 1062 về việc thu thập dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu người có công; 1235 về việc triển khai thực hiện Quy trình về việc rà soát, đối chiếu làm sạch dữ liệu người có công trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 1779 về việc hoàn thành công tác cung cấp dữ liệu thực hiện Dự án Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu người có công với cách mạng; 2867 về việc phối hợp giải quyết hồ sơ trợ cấp mai táng phí khi người có công từ trần theo Đề án 06 của Chính phủ; Công văn về việc bổ sung nhóm đối tượng yêu cầu rà soát, đối chiếu làm sạch và nhập liệu theo Quy trình 3936 của Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) - Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an)”.
Hiện nay, Tiền Giang đã cơ bản hoàn tất việc rà soát, đối chiếu làm sạch và nhập liệu trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu người có công.
Đến thời điểm hiện tại, Tiền Giang đã cơ bản hoàn tất việc thu thập dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu người có công với gần 35.900 hồ sơ, đạt 99,15% tổng hồ sơ người có công. Đối với nội dung rà soát, đối chiếu làm sạch và nhập liệu người có công theo Quy trình 3936, UBND cấp xã chủ trì chỉ đạo cán bộ LĐ-TB&XH của xã thu thập thông tin theo biểu mẫu và chuyển Công an xã. Kết quả rà soát, đối chiếu làm sạch và nhập liệu trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu người có công. Tổng số đối tượng người có công với cách mạng 16.739/16.742 đối tượng, đạt 99,98%.
Đối với nhóm thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ mai táng khi người có công từ trần”, ngày 30-6-2023, Văn phòng Chính phủ tổ chức tập huấn nghiệp vụ triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng” cho các sở, ngành có liên quan.
Trên cơ sở đó, ngày 20-7-2023, Văn phòng UBND tỉnh đã tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông trên cho công chức cấp huyện, xã có liên quan. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH mà trực tiếp là Phòng Người có công đã triển khai nội dung phần mềm hỗ trợ giải quyết mai táng khi người có công từ trần. Đến nay, công tác tiếp nhận và giải quyết trợ cấp mai táng phí khi người có công từ trần theo Đề án 06 của Chính phủ là 29 trường hợp.
TIẾP TỤC THÁO GỠ NHỮNG VƯỚNG MẮC
Nhìn chung, việc triển khai Đề án 06 được Sở LĐ-TB&XH thực hiện tốt. Trên lĩnh vực người có công, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 06 trong lĩnh vực người có công vẫn còn những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.
Theo lãnh đạo Phòng Người có công thuộc Sở LĐ-TB&XH, do đây là phần mềm mới được triển khai nên trong thời gian đầu công chức phụ trách tại cấp huyện, xã còn lúng túng trong việc tiếp nhận và giải quyết hỗ trợ mai táng phí khi người có công từ trần.
Công tác phối hợp giữa công chức tư pháp và công chức phụ trách chính sách tại cấp xã chưa chặt chẽ nên một số hồ sơ tiếp nhận trên phần mềm không đúng đối tượng phải trả hồ sơ nhiều lần hoặc từ chối tiếp nhận hồ sơ. Mặt khác, người có công chưa thấy tính thuận tiện khi nộp hồ sơ trực tuyến vì còn lo gặp nhiều khó khăn, thường muốn đến cơ quan để được hướng dẫn trực tiếp mới yên tâm.
Có một vướng mắc là đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí khi người có công từ trần mà người có công là chủ hộ thì chưa thực hiện được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống dẫn đến một số địa phương chưa phát sinh hồ sơ.
Qua phản ánh một số địa phương, hệ thống dịch vụ công theo Đề án 06 của Chính phủ chưa kết nối, chưa đồng bộ với hệ thống một cửa điện tử của tỉnh dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Nguyên, Trưởng Phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Để Đề án 06 triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người có công, cán bộ, công chức về tính thuận lợi của công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết mai táng phí khi người có công từ trần theo 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông.
Tổ chức triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết mai táng phí khi người có công từ trần theo 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết mai táng phí khi người có công từ trần.
Phối hợp chặt chẽ với ngành Tư pháp trong việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết mai táng phí khi người có công từ trần đảm bảo đúng đối tượng, tránh tình trạng tiếp nhận sai đối tượng, hồ sơ trả đi, trả lại nhiều lần, gây phiền hà cho người có công”.
Lãnh đạo Phòng Người có công cũng đề xuất cần điều chỉnh, phân quyền trên hệ thống được tiếp nhận và giải quyết trợ cấp mai táng phí khi người có công từ trần là chủ hộ. Song song đó kết nối, đồng bộ hệ thống dịch vụ công theo Đề án 06 của Chính phủ với hệ thống một cửa điện tử của tỉnh để thuận lợi trong công tác tiếp nhận giải quyết chế độ, chính sách cho người có công khi từ trần.