Tiền Giang thực hiện vượt mức nhiều chỉ tiêu so với cùng kỳ năm 2022

Sáng 30-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để sơ kết việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị quý 1 và triển khai phương hướng nhiệm vụ quý 2 năm 2023.

Chủ trì hội nghị là các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, với sự đoàn kết, quyết tâm chính trị của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI sát với tình hình thực tế.

Qua 3 tháng triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu thực hiện đều đạt so với kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 7.673 tỷ đồng, đạt 16,7% kế hoạch, tăng 10,4%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 2.723,1 tỷ đồng, đạt 26,5% kế hoạch, tăng 7,9%; tổng chi ngân sách địa phương 4.998,5 tỷ đồng, đạt 35,4% kế hoạch, tăng 32,9%; tình hình tội phạm về trật tự xã hội giảm 58,1% số vụ; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.

Lãnh đạo các cơ quan Trung ương dự hội nghị.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh trật tự được giữ vững; các chính sách đối với người có công và an sinh xã hội được thực hiện tốt.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn được chú trọng tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức, bộ máy; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, phát huy tốt vai trò của người đứng đầu; công tác dân vận có chuyển biến tích cực.

Tình hình tư tưởng và tâm trạng của nhân dân cơ bản ổn định, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và hoạt động của hệ thống chính trị, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động.

Tuy nhiên, tỉnh cũng gặp những khó khăn do ảnh hưởng của việc thắt chặt chính sách tiền tệ chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ từ những tháng cuối năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh; lãi suất cho vay tăng, đã tạo áp lực cho doanh nghiệp về trả lãi và thanh toán các khoản nợ đến hạn để duy trì hoạt động và sản xuất, khả năng sinh lợi suy giảm; các ngành dệt may, da giày, linh kiện điện tử, rau quả chế biến... sụt giảm trong các đơn hàng xuất khẩu; nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất.

Kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ 2022; tình hình tiêu thụ một số mặt hàng nông sản, thủy sản còn gặp nhiều khó khăn; giá vật tư nông nghiệp, chi phí đầu vào tăng cao; dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tuy được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn còn tăng cao, diễn biến bất thường.

Tình hình đình công, lãn công còn xảy ra; an ninh trật tự, an toàn xã hội tuy được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố… đã tác động lớn đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị.

Xuất phát từ tình hình đó, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 này sẽ tập trung thảo luận về: Những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh; tình trạng tăng diện tích trồng sầu riêng tự phát, giải pháp của ngành Nông nghiệp và địa phương.

Công tác duy tu, khắc phục tình trạng sạt lở bờ kinh, sông, đê biển; tình hình phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2023 và phương án tích trữ, sử dụng hiệu quả nước ngọt, đảm bảo phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân; thuận lợi, khó khăn, giải pháp trong lãnh đạo xây dựng nông thôn mới; việc củng cố, duy trì, nâng chất các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn và tiến độ triển khai xây dựng huyện Cái Bè, huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023;

Đánh giá những thuận lợi, khó khăn và khả năng hoàn thành sau gần 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng TX. Gò Công trở thành thành phố Gò Công vào năm 2025; tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ, thu hút đầu tư, du lịch, hoạt động xúc tiến thương mại, xuất - nhập khẩu.

Công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, thuận lợi, khó khăn; giải pháp, khó khăn của doanh nghiệp trong tìm kiếm đơn hàng và tình hình cắt giảm lao động làm việc ở các doanh nghiệp từ sau Tết Nguyên đán đến nay; tiến độ triển khai thực hiện Dự án thi công cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2, nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo, xây dựng cao tốc Cao Lãnh - An Hữu… khó khăn vướng mắc trong công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu cát trong xây dựng.

Công tác quản lý đất công; quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên, xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường, xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp; vấn đề xử lý rác thải và tiến độ triển khai thực hiện phương án xử lý các bãi rác trên địa bàn.

Báo cáo về công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh (nhất là bệnh sốt xuất huyết); công tác ổn định tình hình khám và điều trị bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (sau khi Bệnh viện 1.000 giường được đưa vào sử dụng); những thuận lợi, khó khăn năm học 2022 - 2023; trong đó, có việc lựa chọn và đưa vào giảng dạy sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; việc triển khai thực hiện tăng học phí.

Kết quả tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, các băng, nhóm bảo kê, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, “tín dụng đen”, tàng trữ, sử dụng hung khí, vũ khí, cờ bạc, ma túy, khai thác cát trái phép…; phương án phòng ngừa, chủ động xử lý các tình huống gây mất an ninh, trật tự; phòng, chống cháy, nổ, trật tự an toàn giao thông, biện pháp tiếp tục đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông, phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phương án đảm bảo giao thông trong dịp Lễ 30-4, 1-5...

Thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai thực hiện Đề án Xây dựng lực lượng Công an Tiền Giang thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; việc thực hiện thí điểm xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị; việc bố trí Công an chính quy về xã công tác.

Hội nghị cũng thảo luận về kết quả hoạt động của các cơ quan nội chính, giải pháp tăng cường năng lực xét xử, nâng cao tỷ lệ số vụ án được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, hạn chế tỷ lệ án bị hủy, sửa; hạn chế án tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin tội phạm; xử lý, giải quyết nguồn tin tội phạm đã tạm đình chỉ, số vụ án đã tạm đình chỉ nhằm hạn chế để vụ việc, vụ án kéo dài hết thời hiệu xử lý.

Những khó khăn, nguyên nhân, kiến nghị, giải pháp xử lý dứt điểm các trường hợp khiếu kiện kéo dài; kết quả thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể theo Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động của hệ thống dân vận. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Đồng thời, hội nghị cũng sẽ đánh giá kết quả kiểm điểm, tự phê bình tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại tổ chức Đảng, đảng viên năm 2022, kế hoạch khắc phục hạn chế sau kiểm điểm, tự phê bình; công tác kiện toàn, sắp xếp, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ; việc thực hiện chính sách cán bộ; công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới.

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202303/hoi-nghi-lan-thu-12-ban-chap-hanh-dang-bo-tinh-tien-giang-tien-giang-thuc-hien-vuot-muc-nhieu-chi-tieu-so-voi-cung-ky-nam-2022-974776/