Tiền Giang: Tín hiệu tích cực trong tăng trưởng kinh tế

6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát triển. Hầu hết các chỉ tiêu KT-XH đều đạt và vượt kế hoạch. Để hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết của cả nhiệm kỳ, Tiền Giang đang tập trung triển khai các công việc, giải pháp trọng tâm để hoàn thành đạt và vượt cao nhất các chỉ tiêu KT-XH năm 2024.NHIỀU ĐIỂM SÁNG

Một trong những kết quả nổi bật của Tiền Giang trong 6 tháng đầu năm là tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý sau tăng cao hơn quý trước. Cụ thể, quý I tăng 4,47%, quý II tăng 6,63%. 6 tháng đầu năm 2024, GRDP ước tăng 5,56% so với cùng kỳ, tăng cao nhất giai đoạn 2020 - 2024.

6 tháng đầu năm, tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng đạt kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh cũng có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện là 44.221 tỷ đồng, đạt 49,7% kế hoạch, tăng 9,7% so cùng kỳ.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2,9 triệu USD, đạt 58% kế hoạch, tăng 8,4% so cùng kỳ. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng trưởng tốt, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đón 820 ngàn lượt, đạt 49,7% kế hoạch, tăng 19% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 262 ngàn lượt, tăng 31,1%.

Vốn đầu tư phát triển thực hiện đạt 20.683 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch, tăng 11,7% so cùng kỳ. Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công được 2.734 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch, tăng 4,7% so cùng kỳ.

Nhờ có sự tập trung, nỗ lực cao, lĩnh vực thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã có sự tăng trưởng so với năm 2023. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu ngân sách nhà nước được 6.078 tỷ đồng, đạt 69,1% dự toán năm, tăng 23,1% so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 5.943 tỷ đồng, đạt 69,7% dự toán, tăng 24,4% so cùng kỳ.

Lĩnh vực thu hút đầu tư có nhiều tín hiệu tích cực, được nhiều nhà đầu tư quan tâm sau khi tỉnh tổ chức thành công Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư. Tỉnh thu hút được 6 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.788 tỷ đồng; có 8 dự án đăng ký tăng vốn 1.292 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thu hút 6 tháng đầu năm 2024 đạt 8.080 tỷ đồng, tăng 4,15 lần so với cùng kỳ 2023.

Hoạt động phát triển doanh nghiệp (DN), phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng là một trong những điểm sáng của tỉnh. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 454 DN thành lập mới với vốn đăng ký 2.990 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch, tăng 9,6% về số lượng và tăng 2,6% về vốn đăng ký so cùng kỳ 2023. Phát triển DN tăng do thị trường tốt hơn năm 2023 nhiều.

Rất nhiều DN có đơn hàng, điều này dẫn đến các DN mở rộng quy mô và thành lập mới DN. Các DN chưa ghi nhận thông tin giãn hoặc cắt giảm lao động. Các DN rút khỏi thị trường trên địa bàn tỉnh ít hơn so với năm trước.

TẬP TRUNG HOÀN THÀNH CÁC CÔNG VIỆC TRỌNG TÂM

Tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 vào sáng 10-7, đồng chí Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu, trong thời gian tới, các sở, ngành và địa phương phải khẩn trương hoàn thành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quy hoạch tổng thể KT-XH sát với tình hình thực tế, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất…; kế hoạch phải cụ thể, tránh chồng chéo.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thành xây dựng kế hoạch trung hạn 5 năm, hằng năm trên các lĩnh vực. Các sở, ngành và địa phương phải đánh giá, dự báo những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những giải pháp tích cực, cụ thể hóa những nội dung của UBND tỉnh đã chỉ đạo mà các đơn vị đang triển khai, chưa hoàn thành.

Các kết luận, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh chưa thực hiện xong phải khẩn trương hoàn thành, không để kéo dài. Cơ chế pháp lý trong năm 2024, năm 2025 thay đổi rất nhiều nên các sở, ngành và địa phương phải chủ động quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện không để gấp khúc, chậm trễ khi chuyển sang cơ chế mới.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo chiều hướng tích cực trên cả 3 khu vực, quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước.

Hoạt động văn hóa - xã hội luôn được nâng cao, phục vụ tốt cho đời sống sinh hoạt của nhân dân; quốc phòng - an ninh được kiểm soát, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.

Đối với lĩnh vực kinh tế, cụ thể là khu vực 1, đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu cần phải rà soát, đánh giá, phân tích rủi ro, yếu tố tác động có thể xảy ra trong thời gian tới, từ đó đề xuất các giải pháp để giải quyết căn cơ, bền vững; xem xét đề xuất cơ chế, chính sách để định hướng phát triển bền vững. Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) phải thể hiện quyết tâm rất cao hoàn thành tất cả các tiêu chí NTM cấp tỉnh vào cuối năm 2025.

Đối với khu vực 2, các sở, ngành và địa phương cần tập trung cao để triển khai Khu công nghiệp Bình Đông, Tân Phước 1; hoàn tất các thủ tục tham mưu UBND tỉnh để làm việc với Chính phủ về Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp.

Đồng thời, rà soát, đánh giá lại các chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng và có giải pháp thực hiện trong năm 2024, năm 2025. Về lĩnh vực xây dựng, Sở Xây dựng rà soát lại, dự báo, đánh giá, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và xây dựng các dự án nhà ở. Đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu phải quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%, kể cả vốn bổ sung của Trung ương và vốn tỉnh từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi.

Đối với khu vực 3, các sở, ngành liên quan phải rà soát chỉ tiêu xuất, nhập khẩu; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong xuất, nhập khẩu hàng hóa, kể cả phân phối trong nước. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kiểm soát giá, xử lý các trường hợp tích trữ hàng hóa để tăng giá. Từng địa phương chỉ đạo các ngành quan tâm tháo gỡ, nâng chất lượng phục vụ của các dịch vụ.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương rà soát, đánh giá lại xem những công trình đã đầu tư trước đây hiện đã xuống cấp hoặc lâu dài chưa bền vững để tổng hợp xây dựng lộ trình, kế hoạch đầu tư; đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, giáo dục… Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, thuốc và vật tư y tế không lý do gì để thiếu.

UBND tỉnh đã làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội và ngành Y tế Trung ương, các cơ quan đã cam kết xử lý những vấn đề còn tồn động. Sở Tài chính và Sở Lao động - Thương binh va Xã hội không để chậm trễ, vướng mắc trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan đến việc tăng lương từ ngày 1-7; ưu tiên cho các đối tượng chính sách, sau đó đến người lao động thuộc diện tăng lương.

Các sở, ngành và địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc các chương trình giảm nghèo; rà soát, phân cấp quản lý, phân công công việc rõ ràng trong việc đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa...

M. THÀNH - H. THÔNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202407/tien-giang-tin-hieu-tich-cuc-trong-tang-truong-kinh-te-1015378/