Tiền Giang và Cà Mau chủ động ứng phó bão Rai, bảo vệ người dân
Các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau đang khẩn trương áp dụng các biện pháp phù hợp để ứng phó khẩn cấp với siêu bão Rai, khi diễn biến của cơn bão còn phức tạp.
Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh, tỉnh đang tích cực, chủ động phòng, chống bão Rai, bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân.
Tiền Giang áp dụng các biện pháp phù hợp, an toàn
Qua rà soát, tỉnh đã kêu gọi 967 phương tiện với hơn 6.600 ngư dân vào bờ tránh bão. Hiện còn 486 phương tiện với 3.592 ngư dân đang hoạt động trên biển; trong đó có 105 phương tiện với 345 ngư dân đánh bắt ven bờ, số còn lại đang hoạt động trên vùng biển Nam Côn Sơn, khu vực ngư trường Cà Mau-Kiên Giang, Bình Thuận-Cà Mau.
Các ngành chức năng của tỉnh đã liên lạc với tất cả các phương tiện trên, hướng dẫn vào bờ trú bão hoặc áp dụng các biện pháp ứng phó bão phù hợp, an toàn.
Chi cục thủy sản phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên liên lạc, cập nhật kịp thời diễn biến bão Rai, đường đi, tốc độ, hướng di chuyển của bão và khuyến cáo các biện pháp ứng phó phù hợp... đến các phương tiện và ngư dân đang hoạt động trên biển.
Đồng thời, tỉnh triển khai phương án ứng phó bão và triều cường, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản nhân dân nhất là đối với các địa phương ven biển như huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông.
Với nhận định đây là cơn bão mạnh, xuất hiện vào cuối năm, tốc độ di chuyển nhanh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão duy trì trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cứu nạn cứu hộ, rà soát phương án phòng, chống bão và giảm nhẹ thiên tai cũng như tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cập nhật diễn biến bão và triều cường đến tận hộ dân để người dân biết và chủ động ứng phó một cách hữu hiệu.
Cà Mau chủ động tuyên truyền
Ngày 17/12, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau vừa có Công điện chỉ đạo các cấp, các địa phương trong tỉnh ứng phó khẩn cấp với siêu bão Rai, đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, xảy ra vào cuối mùa mưa bão, diễn biến còn rất phức tạp.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, đặc biệt là đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 1737/CĐ-TTg, ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ứng phó khẩn cấp với siêu bão Rai.
Các địa phương tuyên truyền quyết liệt đến người dân, nhất là ngư dân ở các huyện ven biển nắm rõ thông tin, diễn biến của bão để chủ động ứng phó.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân các huyện ven biển khẩn trương rà soát, nắm rõ các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển; tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển đến nơi tránh trú bão an toàn, kiên quyết không để phương tiện, tàu thuyền hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão.
Cơ quan chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng và phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân tại nơi neo đậu, tránh trú bão.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công Thương, các địa phương, đơn vị thông tin, hướng dẫn các chủ đầu tư, đơn vị thi công các công trình, nhất là các công trình ven biển, trên đảo chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, tránh để xảy ra thiệt hại; đồng thời tăng cường chỉ đạo kiểm tra, rà soát các tuyến đê biển, khu vực xung yếu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi sự cố xảy ra và hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn sản xuất, nuôi thủy sản lồng bè tại Hòn Chuối và các cửa biển.
Cà Mau là tỉnh có bờ biển dài, hàng năm địa phương thường gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là khi trên vùng biển của tỉnh xuất hiện áp thấp nhiệt đới hoặc các cơn bão có cường độ mạnh./.