Tiền Giang: Xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở, bảo vệ đời sống nhân dân
Cùng với tập trung đầu tư kinh phí khắc phục các điểm sạt lở nghiêm trọng, tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương tổ chức thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn đến năm 2030.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra 69 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 12.000m, tập trung nhiều nhất ở các huyện, thị xã vùng kiểm soát lũ phía Tây như: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành.
Ước tính kinh phí xử lý khắc phục gần 165 tỷ đồng. Dự kiến, ngân sách tỉnh đầu tư khắc phục trên 142,8 tỷ đồng, còn lại phân cấp cho cấp huyện đầu tư xử lý.
Sạt lở diễn biến phức tạp
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại địa phương đang diễn biến phức tạp, tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Sông Ba Rày đoạn chảy qua địa phận huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy thường xuyên xảy ra sạt lở, nhiều vụ hết sức nghiêm trọng.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn xã Hội Xuân (huyện Cai Lậy), trong 2 tháng qua, bờ sông Ba Rày đã xảy ra 4 điểm sạt lở bất ngờ, chia cắt giao thông với tổng chiều dài 155m.
Bờ sông Tiền, đoạn qua bến phà Tân Long (huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang) cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 1.000m, đe dọa sản xuất và đời sống nhân dân cũng như an toàn cho bến phà.
Do sạt lở, nhiều nhà dân khu vực gần bến phà Tân Long đã phải di dời. Một số cơ sở hạ tầng, đất đai, vườn tược của bà con đã bị sụp xuống sông, gây thiệt hại lớn.
Tỉnh đã đầu tư 5 tỷ đồng khắc phục sạt lở, bảo vệ an toàn bến phà Tân Long trên chiều dài 50m. Các đoạn còn lại tiếp tục triển khai xử lý trong thời gian tới.
Cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy), cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho) trên sông Tiền cũng là những điểm nóng về sạt lở bờ sông.
Qua ghi nhận, hiện các huyện đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) có nhiều khu vực sạt lở nghiêm trọng cần phải xử lý khẩn cấp bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân.
Ngày 3/8/2023, đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng bờ sông Tiền tại ấp Khu phố, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Tuy không có thiệt hại về người nhưng sạt lở đã làm 6 căn nhà bị nhấn chìm xuống sông, hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở nghiêm trọng
Giai đoạn 2022-2023, từ nguồn kinh phí do Trung ương hỗ trợ, địa phương đang triển khai xử lý 6 điểm sạt lở nghiêm trọng có tổng chiều dài trên 14.700m và kinh phí thực hiện trên 857 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương 637 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh.
Giai đoạn 2020-2021, được Trung ương hỗ trợ, Tiền Giang đã đầu tư trên 265,6 tỷ đồng, thực hiện 10 dự án kè khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 5.900m.
Hiện, các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đang phát huy hiệu quả, giúp người dân an cư, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Ưng Hồng Nghi cho biết cùng với tập trung đầu tư kinh phí khắc phục các điểm sạt lở nghiêm trọng, tỉnh đang khẩn trương tổ chức thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn đến năm 2030 với nhiều nội dung cụ thể như: xây dựng kế hoạch; Chương trình tổng thể phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; kiểm tra, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong xử lý vi phạm gây sạt lở bờ sông; đánh giá hiệu quả các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông đã được đầu tư từ năm 2020 đến nay...
Theo ông Ưng Hồng Nghi, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã rà soát, đánh giá tình hình sạt lở và nguyên nhân gây ra.
Trên cơ sở đó, ngành tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tổng thể phòng, chống sạt lở bờ sông trên địa bàn một cách cụ thể, khả thi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm về nạo vét, xây dựng nhà ở, bến bãi trái phép lấn chiếm lòng sông và hành lang bờ sông, kênh rạch khiến thu hẹp dòng chảy, gia tăng tốc độ dòng chảy dẫn đến sạt lở bờ sông, đe dọa an toàn đê điều...
Ngành Nông nghiệp tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi bơm hút cát trái phép, khai thác đất và xây dựng lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi, bờ sông, rạch... dẫn đến sạt lở nghiêm trọng.
Tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện 9 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp trên địa bàn, tổng kinh phí trên 2.900 tỷ đồng, gồm: Chống xói lở bờ biển Gò Công; Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong; Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực xã Xuân Đông (Chợ Gạo); Xử lý sạt lở bờ sông Cái Bè (huyện Cái Bè); Xử lý bờ sông Tiền (xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho); Xử lý sạt lở đê ven sông Tiền (huyện Cái Bè); Xử lý sạt lở kênh Nguyễn Văn Tiếp (khu vực chợ Thiên Hộ, Cái Bè) và Dự án xử ly sạt lở bờ sông Tiền (khu vực bến phà Tân Long, huyện Tân Phú Đông)./.