Tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng, nhưng cũng chỉ ở mức nhẹ nên nguồn tiền nhàn rỗi vẫn 'nằm' chờ cơ hội kinh doanh, do đó CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tăng cao.
Số dư CASA của Techcombank tiếp tục đạt mức cao trong năm qua, ghi nhận gần 231.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ CASA của Techcombank lên ngưỡng 40,9%. Nhờ tăng trưởng tín dụng hơn 28% và duy trì được CASA ở mức cao trong năm 2024, Techcombank đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận được giao đầu năm, ghi nhận lãi trước thuế 27.500 tỷ đồng.
Tỷ lệ CASA của MSB đến cuối 2024 đạt 26,42%, tăng khoảng 2% so với thời điểm kết thúc quý III/2024. Tại MSB, tỷ lệ đóng góp CASA tương đối đồng đều giữa các phân khúc cá nhân, SME và doanh nghiệp lớn trong tổng tiền gửi không kỳ hạn. Trong đó, phân khúc chiến lược đóng góp khoảng 27.000 tỷ đồng cho CASA.
Quy mô CASA của Vietinbank năm 2024 cũng tăng đột phá 30% so với bình quân năm 2023. Tỷ trọng CASA đạt 24,1% vào cuối 2024.
Nguồn vốn huy động của ACB được quản lý hiệu quả, đảm bảo cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo đó, huy động tiền gửi từ khách hàng của ACB ước đạt hơn 537 nghìn tỷ đồng trong năm 2024, tăng trưởng 11,3%, với tỷ lệ CASA đạt 23%, cải thiện so với mức 22,2% của quý III/2024. Trong năm 2024, hoạt động tín dụng của ACB đạt 581 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% so với đầu năm.
Sự gia tăng tỷ lệ CASA cho thấy mức độ tin cậy ngày càng cao của khách hàng đối với ACB. Ngân hàng đã triển khai các giải pháp nhằm tăng cường thu hút tiền gửi, bao gồm chiến dịch “Đồng minh thông thái” hỗ trợ các hộ kinh doanh với các tiện ích quản lý cửa hàng; nâng cấp dịch vụ tài chính cao cấp dành cho nhóm khách hàng ưu tiên.
Tổng huy động vốn của TPBank đến cuối năm 2024 cán mốc hơn 374.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch 14%, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt gần 54.000 tỷ đồng, tăng 14,4% so với 2023. Nhờ đẩy mạnh kênh số, TPBank đã thu hút thêm 2,1 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 14,1 triệu, đạt mốc tăng 10 triệu khách hàng chỉ trong 4 năm.
Tại SeABank tính đến hết ngày 31/12/2024, quy mô tổng tài sản ngân hàng là 325.699 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023; dư nợ tín dụng đạt 209.355 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 20,42%. Tổng huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước và các tổ chức tài chính quốc tế vượt kế hoạch năm, đạt 215.984 tỷ đồng, tăng trưởng 23%; tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng ấn tượng đạt 32.658 tỷ đồng, tăng 96% so với năm 2023 và chiếm 19,4% tổng huy động.
Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của VIB tăng 20,3% lên 493.158 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 21,7% so với cuối năm trước. Tiền gửi khách hàng tăng 16,8%, đạt 276.308 tỷ đồng. Trong đó huy động khách hàng cá nhân đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng 14%. Đặc biệt, nguồn vốn chi phí thấp (CASA và ngoại tệ) tăng hơn 35% so với đầu năm, giúp chi phí lãi 2024 giảm tới 14% so với cùng kỳ.
Thu thuần ngoài lãi của OCB trong quý IV/2024 đạt 563 tỷ, tăng 148% so với quý trước. Đáng chú ý, thu thuần từ dịch vụ tăng 126 tỷ tương đương 37% so với cùng kỳ đến từ hoạt động chuyển đổi số hiệu quả và tăng trưởng các khoản thu phí từ dịch vụ. Tỷ lệ giao dịch qua kênh số hiện ở mức 96%, mức khá cao so với các ngân hàng trên toàn hệ thống. Đơn cử, chỉ sau 7 tháng ra mắt ngân hàng số OCB OMNI phiên bản mới, số lượng giao dịch trên kênh này đã tăng 74%, CASA tăng 21% và doanh thu tiền gửi tiết kiệm trực tuyến tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023.
Thực tế cho thấy, những năm qua, đa số các ngân hàng xác định tăng tỷ lệ CASA là một trong những mục tiêu quan trọng trọng trong hoạt động kinh doanh. Nhà băng nào giữ được CASA ổn định và vượt trội sẽ có được lợi thế để vượt qua khó khăn, thách thức của thị trường. Cũng bởi vậy, cuộc đua tăng CASA ngày càng gay gắt, khốc liệt, đặc biệt là khi hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã miễn phí dịch vụ ngân hàng số. Nhìn lại kết quả kinh doanh 2023 cũng phần nào cho thấy được bức tranh tăng trưởng cũng như khả năng thu hút CASA giữa các nhà băng.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-gui-khong-ky-han-tang-manh-post362485.html