Tiền làm sách giáo khoa: Cần giám sát khoản vay
Trước những thông tin băn khoăn về khoản vay 16 triệu USD viết sách giáo khoa (SGK), Bộ GDĐT khẳng định: Do Bộ không biên soạn bộ SGK riêng, 16 triệu USD vốn vay ODA vẫn trong tài khoản của World Bank.
Bà Trần Thị Mỹ An, chuyên gia giáo dục cao cấp của World Bank (WB) cũng khẳng định, hiện số tiền 16 triệu USD vẫn nằm trong tài khoản của tổ chức này. “Chúng tôi đang đợi Chính phủ Việt Nam chính thức đề xuất tới WB về việc sử dụng tiền vào hoạt động gì theo như mục tiêu chung của Dự án là nâng cao hiệu quả giáo dục qua việc cải tiến chương trình và sách giáo khoa”- bà An nói.
Bà An cho hay, Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) có 4 cấu phần, gồm: Hỗ trợ phát triển chương trình; Hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới; Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông; Quản lý, giám sát, đánh giá dự án. Tổng số tiền thực hiện Dự án là 77 triệu USD từ vốn vay ODA của WB. Theo cam kết với WB, Bộ GDĐT sẽ biên soạn một bộ SGK dựa trên chương trình GDPT mới.
Tuy nhiên, tháng 5/2019, Bộ thông báo nhiều nhà xuất bản SGK ở Việt Nam đã chủ động biên soạn sách cho tất cả môn học. Để tránh chồng chéo và lãng phí nguồn lực, Bộ GDĐT cùng WB thống nhất ngừng biên soạn SGK, tập trung nguồn lực vào đảm bảo chất lượng cho công tác thẩm định sách.
“Dự án đã cung cấp các chuyên gia quốc tế để giúp thẩm định SGK, kết quả là trong tháng 11, đã có 32 quyển sách giáo khoa cho lớp 1 được thẩm định để phát hành”- bà An thông tin.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Minh- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, đơn vị này vừa nhận được báo cáo của Bộ GDĐT về nội dung liên quan tới việc lựa chọn SGK. “Bộ sẽ có báo cáo riêng với Ủy ban về nội dung này. Tuy nhiên, phải xem xét kĩ bởi đây là khoản vay ưu đãi. Nếu nhiều đầu việc rất cần thiết thì vẫn nên vay”- bà Minh cho hay.
Bà Ngô Thị Minh cho rằng việc có tiếp tục vay 16 triệu USD hay không vẫn còn phải xem xét. “Vay để chi vào mục chi gì, cách trả nợ như thế nào?”- bà Minh đặt câu hỏi.
Trước đó, như đã thông tin, kinh phí đầu tư cho dự án RGEP khoảng 80 triệu USD (khoảng 1.800 tỉ đồng, tính theo tỉ giá hiện hành), trong đó 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ WB và 3 triệu USD vốn đối ứng. Dự án trên được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8/8/2016 và kết thúc vào năm 2020. Trong số này, có khoản 16 triệu USD dành để biên soạn bộ SGK do Bộ GDĐT tổ chức thực hiện. Cụ thể, Bộ GDĐT sẽ dùng 16 triệu USD này để xây dựng bản thảo và lấy ý kiến đối với bản thảo một bộ SGK; thẩm định, thực nghiệm và phê duyệt cho phép sử dụng đối với một bộ SGK; biên soạn SGK song ngữ cấp tiểu học (tiếng Việt, tiếng một số dân tộc thiểu số có chữ viết) và biên soạn, thử nghiệm SGK điện tử. Bên cạnh đó, Dự án sẽ thẩm định các SGK (bao gồm sách của Bộ GD-ĐT và sách khác do cá nhân, tổ chức biên soạn).
Tuy nhiên, kế hoạch viết một bộ SGK của Bộ GDĐT đã bị phá sản. Do đó, dư luận mới đặt ra vấn đề 16 triệu USD (tương đương 370 tỉ đồng) vay vốn ODA này đã sẽ được xử lý ra sao?