Tiên Lữ: Nhiều vi phạm đê điều chưa được xử lý

Huyện Tiên Lữ có tuyến đê tả sông Luộc chạy qua địa bàn 7 xã với chiều dài trên 10km. Thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã tập trung tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý vi phạm nhưng tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều trên địa bàn huyện vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng an toàn đê điều.

Bãi tập kết vật liệu xây dựng của cơ sở kinh doanh Trần Duy Hưng (xã Thiện Phiến) Ảnh chụp ngày 15.9

Trên bãi sông của xã Thiện Phiến, những ngày cuối tháng 8, mặc dù đang trong mùa mưa bão, nhưng bãi kinh doanh vật liệu xây dựng của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phong Anh (xã Thiện Phiến) vẫn tập kết rất nhiều cát, vật liệu xây dựng trong hành lang thoát lũ. Bãi cát dài hàng trăm mét, cao như núi “vươn” ra tận mép sông Luộc. Rất nhiều máy xúc, phương tiện phục vụ, vận chuyển cát đang hoạt động. Trạm trộn bê tông Triều Dương được dựng ngay gần bờ sông và khối lượng cát, đá tập kết rất lớn, nhưng vẫn chưa được công ty hạ độ cao để bảo đảm an toàn phòng, chống lũ. Điều đáng nói, hiện nay Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phong Anh hoạt động không có giấy phép. Hạt Quản lý đê huyện Tiên Lữ đã nhiều lần lập biên bản và các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhưng vi phạm này vẫn chưa được khắc phục. Mặc dù việc phát hiện, xử lý vi phạm trên địa bàn huyện Tiên Lữ đã có những chuyển biến, tuy nhiên, số vụ vi phạm tồn tại từ năm 2011 đến nay chưa xử lý được vẫn còn khá nhiều.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Tuấn Sơn, Phó Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Tiên Lữ cho biết, đơn vị thường xuyên kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm Luật Đê điều đối với hoạt động của các bến, bãi vi phạm. Các vi phạm mới ngay từ khi phát sinh đã được Hạt quản lý đê kịp thời phát hiện và phối hợp với các địa phương ngăn chặn, lập biên bản yêu cầu các đơn vị tạm dừng ngay việc thi công và tập kết vật liệu, yêu cầu tháo dỡ, giải tỏa các hạng mục vi phạm.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những bến bãi vi phạm đê điều tồn tại từ nhiều năm nay, rất khó khăn trong việc xử lý. Ngoài bãi kinh doanh vật liệu xây dựng của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phong Anh, dọc tuyến đê sông Luộc, đoạn qua địa bàn huyện Tiên Lữ, còn nhiều bến, bãi kinh doanh vẫn đang hoạt động trong mùa mưa bão bất chấp “lệnh cấm” của chính quyền các cấp. Cụ thể như: Cơ sở kinh doanh cát của ông Trần Duy Hưng (xã Thiện Phiến), bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Việt Thái Hưng (xã Thiện Phiến)...

Theo thống kê của Hạt Quản lý đê huyện Tiên Lữ, dọc tuyến đê tả sông Luộc đoạn qua địa bàn huyện Tiên Lữ hiện nay có 14 bến, bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Từ năm 2011 đến nay, Hạt đã kiểm tra, lập biên bản và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt lên đến hàng tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là san lấp mặt bằng, tập kết vật liệu, xây dựng công trình phụ, nhà tạm trong hành lang bảo vệ đê, kè, hành lang thoát lũ, hoạt động chưa có quyết định cấp phép của UBND tỉnh. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện đã xử lý được hàng chục trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê sông Luộc, trong đó có 2 trường hợp phát sinh mới ở xã Thiện Phiến là hộ ông Trần Duy Hưng đan sắt làm móng nhà mở rộng so với công trình cũ và hộ ông Đào Quang Hòa cơi nới, xây dựng công trình vi phạm trong hành lang bảo vệ đê. Ngoài những trường hợp trên, hiện nay, dọc tuyến đê sông Luộc qua địa bàn huyện còn tồn tại một số công trình vi phạm chưa được xử lý dứt điểm, tập trung chủ yếu ở 2 xã: Cương Chính và Thiện Phiến. Điều đáng nói, trong tổng số 14 bến, bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn huyện hiện nay mới chỉ có 2 bến bãi được cấp phép, còn lại 12 bến bãi không phép vẫn hoạt động.

Đồng chí Trần Văn Hạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mùa mưa bão 2022, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, yêu cầu các chủ bến bãi cam kết hoạt động phải tuân thủ quy định của pháp luật, những bến bãi không phép đều phải ngừng hoạt động. Đầu tháng 9, huyện đã tiến hành kiểm tra việc lắp đặt trạm trộn bê tông của 3 doanh nghiệp nằm trên địa bàn xã Hải Triều và xã Thiện Phiến gồm: Công ty cổ phần Bê tông Triều Dương, Công ty cổ phần Quản lý đường sông Hưng Yên và Công ty TNHH Bê tông và Xây lắp Petrolimex... Qua kiểm tra, huyện phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời ra Quyết định đình chỉ hoạt động và trình UBND tỉnh phương án xử lý vi phạm đối với 2 đơn vị là: Công ty cổ phần Bê tông Triều Dương, Công ty cổ phần Quản lý đường sông Hưng Yên... Riêng, Công ty cổ phần Bê tông Triều Dương đã tự tháo dỡ toàn bộ trạm trộn bê tông, trả lại nguyên trạng hành lang thoát lũ sông Luộc theo quy định của pháp luật. Để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, UBND huyện Tiên Lữ, Hạt quản lý đê huyện Tiên Lữ và các xã có đê cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định, từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực và đưa công tác quản lý đê điều trên địa bàn huyện đi vào nền nếp, đúng pháp luật.

M.H

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/an-ninh-quoc-phong/202209/tien-lu-nhieu-vi-pham-de-dieu-chua-duoc-xu-ly-e4b519f/